Mon, 03 / 2013 6:46 am | admin2

  Người Pu Péo là tộc người chỉ sinh sống ở tỉnh Hà Giang và sống tập trung nhất ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn.    Tuy dân số không đông nhưng có bản sắc dân tộc đa dạng và bảo lưu được nhiều truyền thống tốt đẹp. Người Pu Péo là tộc người […]

 

Người Pu Péo là tộc người chỉ sinh sống ở tỉnh Hà Giang và sống tập trung nhất ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn.

 

 Tuy dân số không đông nhưng có bản sắc dân tộc đa dạng và bảo lưu được nhiều truyền thống tốt đẹp. Người Pu Péo là tộc người có tính dân tộc cao, không dễ bị pha trộn, thậm chí có nhiều phong tục, tập quán hay quan niệm của người Pu Péo được các dân tộc khác sử dụng một cách tự giác trong cuộc sống.

Trong năm, ngoài tết đầu năm mới, thì Lễ cúng rừng là quan trọng nhất đối với người Pu Péo, dù đi đâu, làm gì con cháu cũng nhớ ngày 6-6 âm lịch hàng năm về xum họp với gia đình, bản làng trong lễ cũng.

 

 

Lễ cúng thần rừng. Ảnh: Internet.

Lễ cúng thần rừng là buổi lễ cộng đồng lớn nhất ở đây. Người Pu Péo cúng vào ngày 6-6 âm lịch vì cho rằng đó là ngày sạch sẽ nhất trong năm, trời đất đều linh thiêng. Lễ cúng thường diễn ra ở cửa rừng và hướng về nơi có cây to nhất, bởi thần ngụ ở cây to trên rừng.

Từ sáng sớm cả bản cùng nhau chuẩn bị, đồ cúng được đặt trên một sàn nhỏ và những chiếc nong tròn. Chiếc sàn nhỏ được làm vào buổi sáng tinh khiết của ngày cúng lễ. Vì cây cối lúc đó mới sạch sẽ để chặt làm sàn cúng. Còn những chiếc nong tròn được bày bánh trái, hoa quả là thể hiện lòng biết ơn của dân tộc đối với tổ tiên. Đó là hai chị em đã nằm trên chiếc nong tròn mà thoát chết trong trận đại hồng thuỷ ngày trước. Vì thế chiếc sàn cúng và cái nong là những vật không thể thiếu trong ngày lễ cúng rừng.

Các lễ vật đem dâng thần đều được cúng 3 lần: Khi còn sống, lúc cắt tiết xong và khi đã làm chín. Mỗi lần cúng đều có bài riêng và tương ứng với một thời gian nhất định trong buổi lễ. Điều nhất thiết là phải có con gà trống thiến to nhất bản và hai con dê to khoẻ để thần biết rằng các sản vật của bản đều rất tốt.

Thầy cúng cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt và tạ ơn thần rừng đã phù hộ dân làng trong năm qua, báo cáo các việc đã làm được và hứa sẽ răn dạy con cháu sống tốt, bảo vệ rừng, không được phá nhà của thần. Sau buổi lễ cháu con cùng nhau xum họp thưởng thức các sản vật thu hái từ rừng về, rồi nói chuyện và chúc tụng nhau có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Người Hán ở đây cũng có quan niệm cây to là nhà của thần rừng nên không chặt, dù cành rụng, cây đổ cũng không lấy đun. Người Hán truyền bảo thế hệ sau việc bảo vệ rừng bằng câu chuyện: Nhà kia không nghe lời dạy của người già nên lấy gỗ cây to trong rừng về đun và đã bị đá lăn làm sập nhà… Chúng tôi cứ cuốn theo các câu chuyện kể thần bí mà mang tính giáo dục cao của các dân tộc nơi đây. Tôi nghiệm ra rằng các câu chuyện của người xưa để lại đã giúp Phố Là ngày một xanh hơn.

Lên Đồng Văn vào giữa hè, không ai có thể bỏ qua lễ cúng rừng của người Pu Péo ở xã Phố Là. Đến đây để được hoà mình với thiên nhiên, cảm nhận không khí linh thiêng của đất trời vào ngày hạ chí, thấy tình người gắn kết với thiên nhiên một cách thuần phác, hồn hậu và được sống thật nhất với bản tính của mình để cho trôi đi những nhọc nhằn, ưu phiền của cuộc sống thường nhật, để thanh tao cho ta một ngày…

Bài viết cùng chuyên mục