Áo bà ba – Trang phục của phụ nữ Nam Bộ
Cho đến nay, nguồn gốc xuất xứ của trang phục này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng, áo bà ba xuất hiện đầu tiên ở Nam Bộ vào thời Hậu Lê vì có nét giống “cái áo đàn ông cổ tròn, cửa ống, tay hẹp" mà sách xưa ghi là cụ Lê Quý Đôn đã quy định thành trang phục cho dân Đàng Trong cuối thế kỷ 18. Cũng có ý kiến khác nói rằng áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được học giả Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người Malaysia gốc Hoa cho phù hợp với vóc dáng người Việt.
Áo bà ba cổ điển là loại áo không có cổ. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Độ dài của áo chỉ trùm qua mông, gần như bó sát thân. Áo thường kết hợp với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chân đã làm đẹp thêm hình hài vóc dáng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng, thanh thoát, mềm mại. Khi đi chơi, người dân đồng bằng sông Cửu Long thường chọn chiếc áo có màu sắc nhẹ nhàng như trắng hoặc xám trơ…
Dịu dàng và độc đáo với chiếc áo bà ba (ảnh internet)
Trang phục áo bà ba ngày xưa thường nhuộm màu đen, màu nâu. Khi chưa có thuốc nhuộm hóa học, người dân thường dùng lá bàng, vỏ trâm bầu, vỏ dà, vỏ sú vẹt, trái mặc nưa… nhuộm rồi phủ bùn để chống thôi màu. Khi có vải nhập cảng, thì lại dùng vải ú, vải sơn đầm, vải chéo go đen, bởi vì màu này phù hợp với điều kiện lao động, đi lại nơi sông rạch, bùn lầy, dễ giặt và chóng khô.
Ngày nay, Áo bà ba không được thiết kế thẳng, rộng hơn và được may hẹp, nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình. Các nhà thiết kế đã khéo léo “phá cách” và bổ sung thêm nhiều màu sắc, hoa văn, họa tiết để chiếc áo bà ba thêm phần sinh động
Ngoài ra, những người dụng công cải tiến áo dài, bà ba tập trung vào việc sáng tạo các kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay… Những cải tiến này trong điều kiện sử dụng áo bà ba rộng rãi hơn, may bằng nhiều mặt hàng vải ngoại, đặc biệt, lúc này người phụ nữ đã tiếp thu và sử dụng khá phổ biến chiếc nịt ngực tân thời. Áo bà bà cải tiến chú ý tới các kiểu bâu (cổ), như lá sen, cánh én, đan tôn… là các loại cổ có ve lật, tiếp thu từ kiểu y phục nước ngoài.
Các kiểu ráp tay cũng được cải tiến. Từ kiểu may áo cánh xưa, liền thân với tay, người ta nghĩ tới cách ráp tay rời ở bờ tay áo. Đặc biệt, trong những năm 1970 thành thị miền Nam phổ biến kiểu ráp tay raglan, đã tạo nên dáng vẻ đẹp hiện đại cho chiếc áo dài và bà ba truyền thống. Với kiểu vai raglan này, hai thân áo trước và sau tách với vai và tay áo, trong khi tay và áo lại liền từ cổ tới nách. Bà ba vai raglan này chỉ cần may khít, vừa vặn với eo lưng, không quá thắt như kiểu áo trước. Tay áo dài hơn nhưng hơi loe, có khi bỏ cả hai túi ở vạt trước để tạo cho thân áo nhẹ nhõm, mềm mại hơn.
Đây cũng là thời kỳ các loại vải ngoại đẹp tràn lan vào thị trường miền Nam với nhiều màu sắc đa dạng. Các bà, các cô thường chọn hàng tétơrông, soa, mousơlin… để may loại áo bà ba này. Để kết hợp với bà ba, người ta cũng chọn những hàng soa để may quần kiểu nối đáy, may hơi sát mông, ống hơi loe, để tạo dáng đẹp mềm mại, kín đáo, hiền thục của người phụ nữ".
Ngày nay, phụ nữ nông thôn ở Nam Bộ thường mặc áo bà ba màu nâu và quần đen, lớp thanh niên đang có xu hướng mặc sơ mi và chiếc quần Âu bằng vải dày, có nếp, nhiều màu (thay cho màu đen đơn điệu) vừa gọn, vừa trông khỏe, phù hợp với nếp sống công nghiệp đang dần dần hình thành.
Và nếu như ở miền Bắc có câu nhớ “áo tứ thân với tóc đuôi gà” thì người dân Nam Bộ mộc mạc hơn với câu “thương nhớ áo bà ba” và du dương với những câu hát “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm. Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ đến mong manh. Nón lá đội nghiêng coi thường con sống dữ. Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời"…