Muốn ăn phải lăn vào bếp. Nhà anh chỉ có một gian, Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng. (Tục ngữ, ca dao) Bếp là nơi ta đặt lò nấu ăn sáng, trưa, chiều, tối cho gia đình. Bếp là nơi để sưởi ấm khi mắc mưa, nơi cả nhà quây quần […]
Muốn ăn phải lăn vào bếp.
Nhà anh chỉ có một gian,
Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng.
(Tục ngữ, ca dao)
Bếp là nơi ta đặt lò nấu ăn sáng, trưa, chiều, tối cho gia đình. Bếp là nơi để sưởi ấm khi mắc mưa, nơi cả nhà quây quần sum họp bên mâm cơm. Bếp là nơi để bà tôi tiếp hàng xóm đến chơi. Cái bếp lò được dân gian gọi bằng cái tên nghe rất thân quen là ông Táo, ông lò, còn nhà văn Hồ Biểu Chánh thì gọi là cái “nhà khói.” Cái bếp quan trọng biết bao đối với chúng ta nhưng lại ít được nói tới!
Cái bếp cà ràng của người xưa. (Hình: Lê Anh Minh/VietSciences) |
Khoảng 9,000 năm trước công nguyên, loài người đã biết nấu thức ăn bằng cách đặt thực phẩm lên trên ngọn lửa. Sau đó người ta nghĩ ra cách đốt lửa vào một nơi kín làm bằng đất hay đá để nấu đố ăn cho mau chín. Cái bếp lò của loài người xuất hiện từ đấy.
Bếp của người Việt xuất hiện lúc nào chưa thấy sách vở nói, nhưng chắc chắn là từ lâu lắm, bởi nhà người Việt nào cũng đều có bếp. Nhà bếp người mình thường được làm thấp để tránh gió lùa mưa tạt, nên ai bước vào bếp mà quên cúi xuống là bị đụng đầu. Cái bếp lại đặt ở vị trí trong góc kẹt, sau nhà nên tối om. Vật liệu làm nhà bếp luôn là phế liệu, những gì còn lại sau khi các phần khác của căn nhà đã xây xong. Với thời gian, bếp được cải tiến sạch sẽ khang trang. Ông Táo từ ba cục đá được thay bằng ba cục gạch. Rồi đến bếp cà ràng, bếp trấu, bếp mạt cưa, bếp dầu, bếp ga, bếp điện như ngày nay.
***
Còn nhớ nhà bếp của bà tôi ngày xưa có cái “giàn bếp” đóng bằng gỗ 4 chân, cao vừa cỡ người đứng, xung quanh có thành che. Trên mặt đổ lớp đất nện chặt, dày độ gang tay, đặt 3 cái bếp lò bằng đất, và một cái cà ràng, tất cả đều chụm bằng lá dừa nước, củi, than. Tầng dưới giàn bếp là nơi để úp những chiếc nồi, xoong đất đầy lọ nghẹ, rớ vào là dính đen. Bên vách treo một cách ngăn nắp chảo, rổ, rá, xửng v.v..
Nhà bếp xưa ở miền Nam còn có cái cũi/tủ đựng đồ ăn. Cũi bằng gỗ, có hai cửa, bốn bề cũng bằng gỗ, bên trong tối om. Sau nầy cái cũi được thay thế bằng cái gạt-măn-rê hai tầng, vách bằng lưới kẽm, hai cửa kiếng, nên bên trong sáng sủa và trông rất sang. Cái cũi, cái gạt-măn- rê làm nên phong cách riêng của bếp người miền Nam.
Nhà bếp ở miền Nam đa số đặt ông lò dưới đất, phía trên bếp đặc biệt có treo chùm củ hành, củ tỏi, ớt khô. Có nhà treo xâu cá khô, hai cái giò gà, trái mướp khô, hột giống v.v.. Vài vật dụng không thể thiếu trong nhà bếp là cái ống vắt đũa bếp, cái gắp nướng cá, đôi đũa gắp than, cái vá múc canh bằng gáo dừa. Bên cạnh có hũ muối, hủ dưa muối, lu nước mưa, khạp bột, mấy bó củi khô, một bội rơm rạ, mấy bó lá dừa phòng ban đêm hay lúc trời mưa.
***
Nói đến bếp miền Nam ngày xưa chúng ta không thể không nói tới có cái bếp cà ràng và bếp lò trấu.
Cái “cà ràng” là một loại bếp làm bằng đất nung, sản phẩm của các lò gốm Bình Dương. Cà ràng là ông lò di động, có thể đem ra chòi ngoài đồng, có thể đem theo ghe để nấu ăn trong lúc di chuyển trên sông rạch. Cà ràng có chỗ để gác củi khi nấu, không sợ củi lửa và tro nóng rơi ra ngoài gây hỏa hoạn. Bếp cà ràng phổ biến nhứt là ở Sài Gòn và các tỉnh thị. Ở nông thôn xài bếp lò ông Táo làm bằng đất trộn rơm với tro, vài nhà có tiền mới mua thêm cái cà ràng chụm bằng củi đước để nấu nước trà vừa sạch, vừa sang lại không có khói. Cà ràng và củi đước là đôi bạn gắn bó với nhau trong nhà bếp của người miền Nam cho tới khi bị cái bếp dầu hôi thay thế.
Cái lò trấu xuất hiện trong bếp miền Nam là một đóng góp đáng kể.
Lò trấu được dùng phổ biến nhất ở miền Nam vào thập niên 1950 của thế kỷ trước. Không biết tác giả là ai, nhưng lò trấu miền Nam có điểm tương đồng với lò Castrol Stove của người Pháp vào khoảng năm 1735.
Lò trấu có ống khói cao để thoát hơi và thoát khói, có vĩ kết bằng nhiều thanh sắt lót xuôi để đưa trấu vào miệng lò. Mặt trên lò trấu có thể chia làm hai miệng lò để nấu cùng lúc hai bếp. Lò trấu ở nông thôn làm bằng đất sét trộn rơm, chà làng nện khéo trông như làm bằng gạch, nấu rất tiện và sạch sẽ. Lò trấu ở thành thị làm bằng xi măng, có nhiều cỡ và có thể di chuyển rất tiện lợi.
Bếp tuy nằm vị trí khiêm tốn trong căn nhà, nhưng đối với người Việt, bếp lại là nơi quan trọng nhứt sau cái cửa cái, cái giường ngủ, về vị trí và phương hướng theo quan niệm phong thủy. Người mình tới nay vẫn tin rằng vị trí, phương hướng nhà bếp có thể biến căn nhà đang hung trở thành cát, hay ngược lại đối với gia chủ. Có người cho rằng bếp đặt hướng Bắc thì tốt vì hướng Bắc được coi là phương trung tâm, mang ý nghĩa linh thiêng hơn cả so với các phương hướng khác. Bạn có thể tin hay không nhưng “phong thủy có cái lý lẽ của nó,” và vì phong thủy được lưu truyền từ mấy ngàn năm nay, xem như là một hiện tượng văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh, thần bí và có khi hủ lậu nữa!
***
Sau nầy khi lớn lên tôi mới hiểu ra rằng truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam thể hiện qua cái bếp. Bởi trong gian bếp chật hẹp tối tăm có biết bao những hy sinh âm thầm của bao người phụ nữ Việt Nam lo cho gia đình những bữa cơm ngon, canh ngọt từ đời nầy qua đời khác! Cái lò cái bếp cũng làm tôi liên tưởng tới thân phận những người phụ nữ đem thân đi ở mướn, các người con gái làm dâu, tháng ngày quanh quẩn cặm cụi trong bếp!
Đúng là cái bếp làm nên ẩm thực người Việt chúng ta.
Cái bếp quan trọng biết bao đối với chúng ta nhưng lại ít được nói tới!
Và từ ngày ly hương đến nay nhiều người phụ nữ Việt Nam vì không có thời gian và cũng mất dần có thói quen gắn bó với cái lò cái bếp như các bà mẹ ngày xưa nữa! Phải chăng hình ảnh về cái bếp, cái lò ngày xưa ở quê mình nay chỉ còn trong ký ức của chúng ta?