Sat, 05 / 2013 2:07 am | helios

Cánh đồng hoang được trao giải Bông sen vàng LHPVN lần thứ V, năm 1980. Năm 1981, phim đoạt Huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva.   Cánh đồng hoang được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Bối cảnh chính của phim diễn ra ở một cánh đồng hoang […]

Cánh đồng hoang được trao giải Bông sen vàng LHPVN lần thứ V, năm 1980. Năm 1981, phim đoạt Huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva.

 

Cánh đồng hoang được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Bối cảnh chính của phim diễn ra ở một cánh đồng hoang ngập nước trong những ngày diễn ra cuộc chiến tranh khốc liệt chống đế quốc Mỹ.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tâm sự, ông bắt đầu suy nghĩ về kịch bản cho phim Cách đồng hoang từ năm 1966 khi qua vùng Đồng Tháp Mười chứng kiến cảnh  “Nhà nào có con nhỏ, thì cha mẹ đã có sẵn bao nylon. Bom đạn tới thì cha mẹ bỏ đứa nhỏ vào bao nylon nhận nó xuống nước, bom đạn dứt thì trồi lên, mở miệng bao nylon cho nó thở.” Nhìn đứa nhỏ được cha đưa ra khỏi bao nylon, mặt nó ngơ ngơ ngác ngác, ông bần thần, bị ám ảnh rất lâu. Cũng từ hình ảnh của đứa bé, ông mơ mơ, màng màng nghĩ đến một phim về chiến tranh. Nhưng phải 12 năm sau ông mới có điều kiện viết kịch bản bộ phim này. Từ kịch bản đó, đạo diễn tài danh Hồng Sến đã thực hiện thành một bộ phim toàn bích. Dường như trong mỗi khuôn hình, mỗi góc máy, trong mỗi chi tiết nhỏ và hành động của nhân vật đều mang dụng ý nghệ thuật sâu sắc.

 

 

Cảnh phim " Cánh đồng hoang"

Sự thành công của các nhà làm phim là ở chỗ đã tạo nên một thế giới nghệ thuật sinh động và mang tính khái quát cao. Sự tương phản sâu sắc trở thành thủ pháp chính xuyên suốt tác phẩm. Một gia đình chỉ có ba người (trong đó có một cháu nhỏ) vừa vật lộn với thiên nhiên hoang vu, khắc nghiệt, vừa chống lại kẻ thù hung hãn với máy bay trực thăng và hỏa lực mạnh. Cảnh hoang vu xơ xác của thiên nhiên, cảnh bom đạn và tiếng gầm rú của máy bay, sự hung hãn của kẻ thù… không thể nào ngăn cản được cuộc sống đầm ấm, đầy tình yêu thương của những con người bình dị mà kiên cường. Dường như cả gia đình của Ba Đô, đến em bé mới chào đời còn đang bú mẹ cũng đã quen với cuộc chiến, sẵn sàng chống chọi với mọi bất trắc, họ sống tự nhiên, đằm thắm và cũng hết sức hào hùng. Lạ lùng sao, sự sống trong họ dường như vô tận.

Cuối phim, dù Ba Đô có hy sinh, nhưng vợ anh, một người đàn bà nhỏ bé bên đứa con nhỏ, vũ khí thô sơ đã nhằm thẳng vào chiếc máy bay của kẻ thù mà bắn, biến nó thành một đám cháy khổng lồ và những mảnh vụn tơi tả. Những con người giản dị, mộc mạc suốt đời trên sông nước ấy đã thắng sự hung bạo và những vũ khí tối tân của kẻ thù. Đó tựa như một nghịch lý mà kẻ thù không thể nào hiểu nổi. Nó có sức khái quát cao và lý giải sự chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến lạ thường có vẻ không cân sức này.

Từ đầu đến cuối phim, qua sự hóa thân xuất sắc của các diễn viên, qua những khuôn hình đặc tả sống động, qua những chi tiết đắt và sự dẫn dắt câu chuyện hợp lý đã khiến người xem hoàn toàn bị chinh phục. Sự kỹ càng của đạo diễn, khả năng phối hợp gần như hoàn hảo của cả ê kíp làm phim đã tạo nên một tác phẩm đặc sắc.

Ngay sau khi công chiếu, bộ phim đã  gây được tiếng vang lớn. Trong LHPVN lần thứ V, năm 1980, Cánh đồng hoang đã được trao giải Bông sen vàng. Phim cũng giành được nhiều giải thưởng khác: Giải nam diễn viên  xuất sắc nhất; Giải quay phim xuất sắc nhất… Cũng trong năm 1980, bộ phim được tặng Giải đặc biệt của Liên đoàn báo chí Điện ảnh Quốc tế. Năm 1981, được trao Huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva.


Theo cinet

Bài viết cùng chuyên mục