So với các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác như hát soan, hát ghẹo, hát chèo, hát ca trù, hát ví dặm, tuồng, cải lương, … thì hát quan họ có thời gian tồn tại lâu đời nhất (tuổi thọ hàng ngàn năm). Điều đó đã chứng minh hát Quan họ […]
So với các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác như hát soan, hát ghẹo, hát chèo, hát ca trù, hát ví dặm, tuồng, cải lương, … thì hát quan họ có thời gian tồn tại lâu đời nhất (tuổi thọ hàng ngàn năm).
Điều đó đã chứng minh hát Quan họ là một nét văn hóa bản địa không những không bị phong kiến phương Bắc đồng hóa, tiêu diệt, mà ngược lại vẫn phát triển nhờ bản sắc riêng và sức sống của nó trong lòng người dân vùng Kinh Bắc. Quan họ len lỏi, luồn lách qua các sông ngòi, bao quanh các núi đồi, chùa chiền, thôn làng Kinh Bắc.
Lời ca Quan họ gắn với nếp sống sinh hoạt, những tập tục, lề thói đã đã kết tinh tâm hồn, tình cảm và những ước mơ khát vọng cao đẹp về nhiều mặt của người Kinh Bắc. Nhờ thế, Quan họ đã hun đúc lên một bản lĩnh Văn hóa vùng hết sức độc đáo và là linh hồn của văn hóa Kinh Bắc.
Có 49 làng Quan họ với khoảng trên dưới 200 làn điệu, được hát suốt mùa xuân và mùa thu, thành vùng Quan họ. Xuyên suốt trong thời gian này, giăng đầy trong không gian Kinh Bắc, Quan họ giống như bầu khí quyển đặc thù của mảnh đất này.
Trước hết, hát Quan họ là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian – một phong tục đẹp của xã, làng, của gia đình. Tiếng hát cầu duyên cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu may và có thể là cầu nối với đất trời, thần phật để thỉnh cầu mưa, nắng, giải hạn, tiêu trùng … Không biết từ bao giờ người Quan họ cũng như đông đảo dân cư nông nghiệp vùng Kinh Bắc tin rằng mưa nắng thuận hoà, mùa màng tươi tốt, dân an, vật thịnh … là kết quả của hoà hợp âm dương, hoà hợp giữa đất trời và con người. Nếu âm thịnh dương suy thì gây bão lụt. Nếu dương thịnh âm suy sẽ gây hạn hán, sâu keo …
Người Quan họ tin rằng tiếng hát Quan họ có thể thấu đến trời cao và thế giới thần linh, có thể hoà hợp âm dương. Vì vậy nếu trời kéo dài hạn hán thì Quan họ hát “cầu đảo” (cầu mưa) mà là Quan họ nữ hát. Không hát những bài tình tứ trao duyên mà chỉ hát những bài có nội dung cầu nguyện mưa thuận gió hoà và chỉ hát bằng một giọng “la rằng”.
Quan họ trong ngày hội là nét đặc sắc của vùng Kinh Bắc. Nó gắn liền với hàng trăm ngôi chùa, ngôi đình cổ kính. Đó là những ngày hội làng, hội đình, hội nghè, hội chợ, với nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá đậm đà tính nhân dân và cốt cách dân tộc. Trong chùa, quanh đồi bãi, tại các gia đình, Quan họ hát suốt ngày này sang ngày khác.
Nói tới giao tiếp Quan họ là nói tới một mảng giá trị trong lối sống, là văn hoá giao tiếp một thời. Quan họ kết bạn thể hiện một cách ứng xử đẹp. Vẻ đẹp đó được thể hiện từ phong độ lịch sự trang nhã bên ngoài cho đến ngôn ngữ, cử chỉ khi đứng, khi ngồi, khi mời chào … đều biểu thị sự tôn trọng quý mến.
“Mấy khi khách đến chơi nhà
Đốt than quạt nước chuyên trà khách xơi
Trà này ngon lắm người ơi
Mỗi người mỗi chén, bõ công tôi chuyên trà”.
Khách đến Quan họ mời nước mời trầu. Dân gian có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”, nhưng người Quan họ mời trầu vẫn có dáng vẻ quyến rũ, đắm say riêng- “Yêu bhau cau sáu bổ ba. Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. Trầu phải têm cánh phượng (cách têm của cô Tấm) và người ta mời trầu bằng giọng ca đẹp, lời ca hay, khiến người về phải “Để áo lại đây/ nhớ thương em xếp dạ này bao quên/ Người về đến hẹn lại lên”. Tất cả những cuộc hát như vậy vây toả ra khắp đó đây trong hội, làm nên niềm vui và vẻ đẹp đặc trưng của lễ hội vùng Kinh Bắc.
Ngôn ngữ Quan họ là ngôn ngữ giàu chất thi vị, chắt lọc từ ca dao tục ngữ, từ truyện nôm, giàu tính hình tượng, giàu biểu cảm. Ngôn ngữ ấy cũng hấp thụ cả tinh hoa của những thơ ca bác học… để rồi tạo nên sắc thái riêng, góp phần tạo nên những giá trị riêng của bài ca Quan họ. Ngôn ngữ trau chuốt của thể thơ bốn chữ hoặc lục bát, cùng với nghệ thuật sử dụng vần, điệu công phu, những hình ảnh nên thơ, nên nhạc đã làm lời ca Quan họ đạt đến độ hoàn mĩ.
Nhưng chính sự mộc mạc của ngôn từ, qua cách đối đáp (phải không ngừng thay đổi nhịp) lại tạo thành một sức mạnh riêng làm xao xuyến lòng người và đọng mãi dư âm của bài ca. Hình ảnh trau chuốt là cái đẹp được lí tưởng hóa còn ngôn từ mộc mạc sự mộc mạc tiếng nói đích thực của trái tim.
Tiếng hát Quan họ có vai trò tích cực trong cuộc sống. Trước hết nội dung lời ca Quan họ là mơ ước khát khao về hạnh phúc tình yêu. Trái ngược hẳn với quan niệm hôn nhân khắt khe của lễ giáo phong kiến trong ca từ quan họ, tình yêu của trai thanh gái lịch thật khỏe khoắn đắm say. Họ đến với nhau bằng tấm lòng trân trọng, nhưng giàu hồn nhiên. Lời hát thắm thía, nồng nàn:
– Trúc xinh trúc mọc sân đình
Anh Hai xinh, anh Hai đứng một mình cũng xinh
… – Trúc xinh trúc mọc đầu chùa
Không yêu em lấy đạo bùa cho phải yêu”.
Câu kết này của bài ca bộc lộ rõ ràng một bản lĩnh xứng đôi với cốt cách của trúc. Đó là bản lĩnh Quan họ khi yêu. Người Quan họ càng mơ ước hoà hợp, gắn bó, thuỷ chung bao nhiêu thì lời hát giã bạn càng quyến luyến, nuối tiếc, níu kéo lòng người lại bấy nhiêu. Chính tiếng nói thiết tha, đầy trao gửi xe kết trong hệ thống lời ca đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho các làn điệu dân ca Quan họ.
Cùng với khao khát yêu đương, Quan họ còn biếu đạt một tình yêu chân thật sâu đằm với quê hương. Đó là một vùng quê trù phú có “Sơn thuỷ hữu tình”, có “đường về Quan họ”, có đầu làng cây đa, cây gạo chon von, một “quán Dốc chợ Cầu”, một “quán trắng phố Nhồi”, những cửa chùa mở rộng cho trai thanh gái lịch sum vầy ca hát, những đêm trăng suông, những “dòng sông phẳng lặng nước đầy”, một sông Cầu “nước chảy lơ thơ”, sông Dâu “ba bốn chiếc thuyền kề”, những bến đò ngang vẳng vang tiếng gọi, những hội bơi trải, hội chùa Tiêu … quanh miếu, quanh đền, … những “mùa xuân chơi hội thong dong”, “mùa hè tắm mát ở sông Lục Đầu” và trăm thứ hoa đua nở …
Gắn với thiên nhiên ấy là những con người có vẻ đẹp tâm hồn toả ra từ đôi mắt “lúng liếng”, cái duyên trong nụ cười “lúm đồng tiền”, trong vành “nón ba tầm thao tua”, biết làm “một nong tằm thành năm nong kén”, biết gắn đời mình với những thửa ruộng “năm sào” với những canh hát thâu đêm “bổng trầm, năn nỉ …”, cảnh và người ấy đã tạo nên một quê hương Quan họ và một tình yêu quê hương nồng thắm thiết tha. Sẽ là vô cùng xót xa đau đớn cho người Quan họ nếu phải chứng kiến sự phôi pha các giá trị Văn hóa, tinh thần mà nhiều thế hệ dày công tạo dựng.
Chính những tình cảm ấy đã góp phần hun đúc nên tâm hồn, tài năng của người Quan họ. Những làn điệu dân ca kì diệu tồn tại bền lâu từ bao đời nay, tắm đẫm thiên nhiên đất trời Kinh Bắc. Di sản văn hóa tinh thần ấy đã phả hơi thở nồng nàn vào trái tim con người bằng bầu không khí thơ mộng và quyến rũ, chúng như chất phù sa màu mỡ lắng đọng vào hồn thơ Hoàng Cầm để làm nên một hồn thơ Kinh Bắc – mềm mại, đa tình, tinh tế, trong trẻo mà đậm đà tình người, lấp lánh tài hoa.