Mon, 05 / 2013 1:37 am | helios

Với 4 màu sắc cơ bản là đỏ, đen, vàng và trắng, người dân Gia Rai đã biết cách kết hợp từng màu sắc đó lại và dệt đan xen nhau để màu này tôn lên cho màu kia, đứng gần nhau mà không chọi nhau trên màu nền màu chàm truyền thống.   Để […]

Với 4 màu sắc cơ bản là đỏ, đen, vàng và trắng, người dân Gia Rai đã biết cách kết hợp từng màu sắc đó lại và dệt đan xen nhau để màu này tôn lên cho màu kia, đứng gần nhau mà không chọi nhau trên màu nền màu chàm truyền thống.

 
Để có những tấm vải thổ cẩm đẹp với những đường nét, hoa văn độc đáo là cả một quá trình lao động khá công phu và mệt nhọc. Cả màu sắc và hoa văn đều được dệt cùng một lúc nên có thể nói, người thợ dệt đồng thời là những thợ thêu tài ba.
Màu sắc của sợi được nhuộm từ các loại cây khác nhau. Màu đen được nhuộm từ lá cây mo, màu chàm nhuộm từ cây truôn nhây, kpai, lá cây tơ rum; màu đỏ từ cây hoang nâu… Theo quan niệm của các dân tộc Tây Nguyên, nền vải màu đen đặc trưng cho đất đai mà cả cuộc đời họ gắn bó lúc sống cũng như lúc chết, màu đỏ biểu tượng cho sự đam mê, cho sự vươn lên, cho khát vọng, tình yêu, màu xanh là màu của đất trời, cây lá, màu vàng là màu của ánh sáng, là sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Với người Gia Rai, màu đen và đỏ là 2 màu được ưa chuộng nhất. Các mô hình bố cục và cách thức tranh trí trên thổ cẩm đều thể hiện theo chiều ngang của tấm vải khi dệt.

 

Đối với váy phụ nữ, người thợ dệt tập trung vào phần chân váy bởi ở đây sẽ tập trung nhiều hoa văn nhất, với loại hoa văn chủ đạo là pngan tơngan – một loại hoa văn biến thể của hoa văn rau dớn (ktoanh) nằm giới hạn trong hai dải hoa văn dọc. Bên cạnh đó, chân váy còn được bố trí bằng các dải hoa văn ngang viền đậm dài hoặc tạo thành các hình gẫy góc nối dài thành những đường ngoằn nghèo, uốn lượn thành một dải ngang được sắp xếp trên và cả phía dưới hoa văn chính pnga tơnga. Còn trên thân váy, người ta thường trang trí hoa văn pnga tơnga thành từng cặp và là hoa văn chủ đạo, được dệt lặp đi lặp lại trong một ô hình chữ nhật, được bố trí thành dải ngang.
Trong khi đó, hoa văn trên khố ở nam giới khá đơn giản, tập trung chủ yếu ở phần chân khố và được dệt theo dải ngang. Hoa văn chủ đạo được dệt nơi chân khố là mô típ rau dớn được dệt ở vị trí trung tâm và có các dải hoa văn nhỏ được dệt đối xứng với hoa văn trung tâm. Ngoài ra, còn có các dải hoa văn phụ được dệt cách điệu hình mắt chim nhằm phân biệt giữa các dải hoa văn khác nhau đã tạo cho phần chân khố thêm nổi bật. Và để trang trí cho chiếc khố thêm đẹp hơn, người ta còn gắn các hạt cườm và các rua đỏ, rua đen…

Một vật dụng gần gũi trong đời sống người dân Gia Rai là chiếc chăn đắp cũng người thợ dệt tạo nên những tác phẩm độc đáo. Những đường nét hoa văn đều tập trung ở khoảng giữa, tạo thành một mảng lớn với những nhân vật được lấy cảm hứng từ cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, hoa văn trên những tấm vải gồm những chi tiết mang tính cách điệu cao và thường thể hiện bằng hình bông hoa, con chim, con ba ba, chiêng, ché hay ngà voi…

Nhìn chung, hoa văn trên trang phục của người Gia Rai khá đa dạng về mô típ và màu sắc. Đó có thể là hoa văn hình học, hoa văn hình người và hoa văn hình động vật, thực vật.
Theo kinh nghiệm của những người thợ dệt, trang trí hoa văn hình động vật – thực vật trên quần áo là loại hoa văn phổ biến nhất, trong đó phải kể tới hoa văn hình cây rau dớn (k’toanh). Đây là loại rau có liên quan mật thiết với người Gia Rai ngau từ khi độc người này bắt đầu sinh sống trên mãnh đất Tây Nguyên hùng vĩ này. Ngoài ra, còn có một số hoa văn trang trí hình hoa trái kdăk, hoa văn chân rết (lê pan), hoa văn hình mắt chim (mta buh), hoa văn hình con chó, hình con rùa…
Hoa văn hình người (mơ nuih) là loại hoa văn dệt khá phức tạp, nó đòi hỏi trình độ tay nghề của người dệt và tùy vào trang phục mà họ còn sử dụng kỹ thuật đục thủng vải tạo thành hình người với các kiểu trang trí khác nhau, như: hình người múa kiếm, uống rượu cần, cưỡi voi,… hay là dệt hình người cầm ô múa với những họa tiết cách điệu đơn giản.
>> Xem thêm các món ăn đặc sản Tây Nguyên nổi tiếng hay tìm hiểu về công dụng của mật ong nguyên chất, phấn hoa đối với sức khoẻ
Có thể nói, hoa văn là một biểu tượng giàu cảm xúc được con người sáng tạo, gửi gắm theo những ước mơ giản dị về cuộc đời và đó còn là một thứ ngôn ngữ không lời gìn giữ những ký ức về văn hóa một tộc người. Đặc biệt, hoa văn còn là biểu hiện của nền văn hóa tâm linh, tâm tư tình cảm, quan điểm thẩm mỹ, và cả niềm tin tôn giáo… của người Giarai chứ không còn chỉ là một giá trị vật chất đơn thuần.
 
Theo dtv
Bài viết cùng chuyên mục