Khác với trang phục của nhiều dân tộc khác, trang phục của người Ba na rất giản dị với những đường nét khỏe khoắn nhưng không kém phần duyên dáng. Đàn ông mặc áo chui đầu, cổ xẻ, hở ngực, cộc tay, đóng khố hình chữ T. Phụ nữ mặc áo chui đầu, không xẻ […]
Khác với trang phục của nhiều dân tộc khác, trang phục của người Ba na rất giản dị với những đường nét khỏe khoắn nhưng không kém phần duyên dáng.
Đàn ông mặc áo chui đầu, cổ xẻ, hở ngực, cộc tay, đóng khố hình chữ T. Phụ nữ mặc áo chui đầu, không xẻ cổ kết hợp với váy. Váy của phụ nữa Ba Na không được may lại mà nó chỉ là một tấm vải đen được quấn quanh thân dưới. Trong các ngày lễ, trang phục của người Ba na có phần sặc sỡ hơn.
Ngay từ thời xa xưa, người Ba na đã biết trồng bông, dệt vải để tạo ra những tấm vải thổ cẩm bền đẹp. Không chỉ vậy, người Ba na còn biết tạo ra mùi hương đặc biệt cho trang phục của mình. Sau khi quay tơi những sợi bông ra, những người phụ nữ Ba Na lấy mật ong để làm mềm vải và tạo ra hương thơm nhẹ nhàng không lẫn vào trang phục các dân tộc khác.
Trong trang phục, chính các họa tiết làm nên sự độc đáo. Với lối tư duy đơn giản, các họa tiết trong trang phục của người Ba na là những hình khối đối xứng mang tính biểu tượng cao. Họa tiết đối xứng phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời – đất, âm – dương lấy thiên nhiên làm hình mẫu. Mỗi tấm thổ cẩm được làm ra là một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ từ những nét cách điệu hình học.
Để làm nên sự độc đáo, tươi mới cho trang phục của mình, người Ba Na luôn tỉ mẩn, khéo léo trong cách chọn và phối hợp màu sắc.
Họ nhuộm vải bằng màu mực của các loại cây rừng. Mỗi màu sắc đều mang một ý nghĩa riêng, một tiếng nói riêng . Màu đen được nhuộm bằng lá cây chàm, cây mô, thường là màu nền của mỗi tấm vải, biểu hiện cho đất đai, cho sự nảy mầm từ mặt đất, độ che phủ của cây rừng mà suốt cả cuộc đời con người phải gắn chặt với nó kể cả khi họ đã trút hơi thở cuối cùng.
Theo quan niệm của người Ba Na, màu đen là màu chủ đạo, gây ấn tượng mạnh mẽ về phong cách. Đây chính là những hoa văn phản ánh đường nét văn hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người họ. Màu đỏ biểu hiện cho màu của lửa, của máu, tượng trưng cho sức sống, sự vươn lên, niềm đam mê, tình yêu và khát vọng, được nhuộm bằng nhựa cây Kxang, Kơ bai. Màu vàng biểu hiện cho ánh sáng mặt trời, sự kết hợp hài hòa giữa con người và tự nhiên, được nhuộm bằng củ nghệ hay màu của cây Kmếch. Màu xanh biểu hiện cho màu da trời, màu của cây lá được nhuộm bằng nhựa cây truông nhây, cây Kpai…
Hoa văn trên thổ cẩm Ba na chủ yếu chạy dọc theo tấm vải. Điểm nhấn cho các bộ trang phục chính là các đường kẻ sọc. Những đường sọc ngang đỏ, trắng ở gấu áo của nam giới thể hiện sự mạnh mẽ của những người đàn ông quanh năm sống với núi rừng. Trên áo của nữ giới có sọc ở chỗ khuỷa tay, ở cổ, ngang ngực và gấu áo, váy có sọc thân và gấu thể hiện được sự đơn giản trong con người và sự duyên dáng của họ.
Bên cạnh đó, với người Ba na, các phụ kiện là một phần không thể thiếu để tô điểm cho các bộ trang phục và có vai trò trừ tà ma. Các phụ kiện như: hoa tai, lược cài tóc, nhẫn ở 2- 3 ngón tay… Tục lệ đeo nhẫn bắt nguồn từ quan niệm: mỗi ngón tay đều mang một sức mạnh. Ví như ngón cái tượng trưng cho cha, ngón giữa tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực, ngón nhẫn tượng trưng cho sức mạnh của tình yêu. Và, đeo nhiều nhẫn ở các ngón tay là thể hiện sức mạnh tối cao.
Đặc biệt, các thiếu nữ Ba Na còn có khăn đội đầu để làm duyên. Chiếc khăn có những hàng cúc trắng, chuỗi cườm tua tủa, cúc bạc lung linh thể hiện được tình yêu thủy chung và niềm ước mơ hạnh phúc.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, người Ba na vẫn giữ nguyên được những nét văn hóa trên trang phục của mình. Để sau này, mỗi làn nhắc đến dan tộc Ba na, người ta sẽ không quên những bộ trang phục độc đáo về họa tiết, ấn tượng về màu sắc và ngạc nhiên với ý nghĩa của từng đường nét.