Wed, 05 / 2014 3:04 am | trinhtram

Theo cụ Nguyễn Văn Nam, một cao niên người dân tộc Mường, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong kể lại: “Xưa kia, ở xứ Mường cổ, hình thái tổ chức xã hội đặc thù là chế độ Lang đạo, các dòng họ Lang đạo như: Đinh, Quách, Bạch, Hà… chia nhau cai quản các vùng. […]

Theo cụ Nguyễn Văn Nam, một cao niên người dân tộc Mường, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong kể lại: “Xưa kia, ở xứ Mường cổ, hình thái tổ chức xã hội đặc thù là chế độ Lang đạo, các dòng họ Lang đạo như: Đinh, Quách, Bạch, Hà… chia nhau cai quản các vùng.

Đứng đầu mỗi Mường có các Lang cun, dưới Lang cun có các Lang xóm hoặc Đạo xóm, cai quản một xóm. Trong áng mo “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường cũng có đoạn kể: Một hôm Lang Đá Cần, vị Lang đầu tiên cai quản đất Mường đi bẫy và bắt được một con rùa. Con rùa van nài Lang đừng giết thịt, bù lại rùa mách bảo cho cách làm nhà sàn. Rùa dạy: “Bốn chân tôi là bốn cột cái/Hai mai tôi là hai mái nhà/Xương sống tôi là đòn nóc/Chặt cây lim làm cột/Lạt buộc bằng cây giang/Cỏ gianh dùng để lợp”.


Những nếp nhà sàn đơn sơ của người Mường.

Câu chuyện này được coi như một điển tích về sự ra đời nhà sàn của người Mường. Nó gắn liền với những phong tục tập quán, sinh hoạt thường ngày của người dân bản. Và cho tới ngày nay, những nếp nhà sàn đó vẫn còn vẹn nguyên với người dân nơi đây.

Hình ảnh con rùa cho đến nay không chỉ là con vật linh thiêng được người Mường tôn thờ mà còn sáng tạo ra một cách tính ngày tốt, giờ tốt gọi là phương pháp “trừ đá Rò” (Rò ở đây được hiểu là Rùa). Phương pháp này dùng để tiến hành dựng nhà hay cưới hỏi và làm những việc quan trọng khác của làng và dân bản.

Trong truyền thống văn hoá của dân tộc Mường thì không cho phép dựng nhà thành hàng, lối nhưng bao giờ, nhà sàn cũng đều ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi để đón nhận tiết trời trong lành và tiện cho việc sinh hoạt, săn bắn, đi rừng. Ở giữa màu xanh thiên nhiên núi rừng, những nếp nhà sàn vẫn tồn tại như một minh chứng rõ nét nhất về sức sống lâu bền của văn hoá Mường hàng nghìn năm qua.


Những ngôi nhà sàn nằm tựa lưng vào thế núi.

Nhà sàn của người Mường thường phân ra ba mặt bằng: Mặt trên cùng là gác để đựng lương thực, đồ dùng gia đình; sàn nhà là nơi sinh hoạt nghỉ ngơi; còn gầm sàn nhà dùng để các dụng cụ sản xuất, nhốt gia súc, gia cầm. Mỗi nhà có thể bày biện, trang trí khác nhau nhưng cấu trúc cơ bản về gian, buồng giống nhau.

Nguyên liệu cơ bản được bà con sử dụng để dựng nhà sàn là gỗ, thường là các loại gỗ trai, chò chỉ, nghiến, sến, táu, dổi, de, đinh, lát…

Ngoài gỗ để làm các chi tiết chính, nhà sàn của người Mường cần sử dụng các loại tre, bương, hóp để làm đòn tay, đan vách… Cột nhà làm bằng gỗ tròn hoặc vuông nhưng phổ biến là tròn; chân cột thường được chôn xuống đất nhưng cũng có nơi dùng các hòn đá tảng để kê. Vì chân cột nhà sàn thường được chôn sâu xuống đất từ 80cm – 1m nên phải làm cột bằng thứ gỗ không bị mối ăn, không mục, không mọt.

 


Những bậc cầu thang của người Mường nhất thiết phải là số lẻ
Nguồn: danviet
Bài viết cùng chuyên mục