Tue, 04 / 2014 7:23 am | trinhtram

Để lễ cầu mưa diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, trưởng bản và thầy cúng họp bàn với bà con dân bản thống nhất việc chọn ngày lành tháng tốt thống nhất các khoản đóng góp lễ vật, cách thức tổ chức lễ hội Ngoài những đồ dâng lễ, các gia đình chuẩn […]

Để lễ cầu mưa diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, trưởng bản và thầy cúng họp bàn với bà con dân bản thống nhất việc chọn ngày lành tháng tốt thống nhất các khoản đóng góp lễ vật, cách thức tổ chức lễ hội

Ngoài những đồ dâng lễ, các gia đình chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống của dân tộc để tham gia nghi lễ, các đạo cụ sử dụng trong các trò chơi. Trước ngày lễ diễn ra các gia đình phải dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, bản làng.

* Tiến trình lễ cầu mưa.

Lễ cúng tổ tiên.

Theo quan niệm của đồng bào, trước khi làm lễ cầu mưa phải khấn mời tổ tiên về phù hộ thì thầy cúng làm lễ cầu mưa, cầu các vị thần thánh cai quản sông suối, gió mưa mới linh nghiệm. Chiều hôm trước ngày diễn ra lễ, khi công việc đã chuẩn bị tươm tất tại nhà thầy cúng, trước bàn thờ tổ tiên và mâm lễ, thầy cúng khấn mời tổ tiên của  gia đình và tổ tiên của bà con dân bản. Đồ dâng lễ của mâm cúng tổ tiên gồm: Một con gà trống (dia te); một chai rượu (bui rò); một đĩa xôi (ma); một bát nước (xừ đê ôm); hai đôi đũa (thu); hai cái thìa (ha vịt); hai cái chén, hai bát nhỏ, một bát canh.

Thầy cúng trong trang phục cổ truyền thành kính trước mâm lễ, khấn mời:

“Mơi pâu pú, da là cam dùng ma, cù ni cồm pi ma. Âng dung ma pẩu pú ma, ma hội, lầm pầu xa cu cuông, co hem, a lơ de la ma, cư ni mơ, xừ băng cò che do tê lễ hội am cơm mưa pô xa ơ rê ở hơ na, mờ chơ mô ho, xư xì li, xư rư rum, quai âng lơ tu pu tu ra, la pờ lam chép, pờ liếm ho, a vang bờ xong bờ va, thu hom thu ma ve, a bưu ki ga ki châu ơm, dong ma pu gang lam cam ơi”.

(Sáng mai con cháu sẽ làm lễ cầu mưa, chúng con mời ông bà, tổ tiên về hưởng thụ lễ. Chúng con xin dâng đồ lễ mời ông bà, tổ tiên về ăn, về uống cho no đủ và phù hộ cho con là người đại diện dân bản cầu xin các thần, các thánh, các ma cai quản gió mưa phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sản xuất gặp nhiều thuận lợi, mọi sự may mắn, tốt đẹp, cuộc sống dân bản no ấm, hạnh phúc nhé, kính mời ông bà, tổ tiên và các thần).

Lễ cúng cầu mưa.

Đến hôm sau là ngày làm lễ cầu mưa, khoảng 6 giờ sáng thầy cúng tự tay chuẩn bị mâm lễ cầu mưa, gồm: hai con gà (một trống, một mái); hai bộ quần áo của phụ nữ (gấp đặt lên mâm); một vòng tay (xinh nha); một vòng cổ (xinh Plôi);

 Có 4 loại vải màu tự dệt của dân tộc Khơ Mú (màu đỏ, màu trắng, màu đen, màu xanh); một quả bầu (dùng để đựng nước) (Xư cô rê nưng); hai chén rượu đặt trên đĩa; một chai rượu; vôi (pun); lá trầu (cơ toi); thuốc lá (ya ươm); xôi (ma); muối (ma rợ); một bát canh (xừ gông).

Khi đồ lễ được chuẩn bị xong, mọi người dân trong bản cũng có mặt đông đủ trước nhà thầy cúng để tham gia lễ. Thầy cúng trong bộ trang phục truyền thống màu chàm đen, đầu quấn khăn mang đồ lễ ra một mảnh nương cuối bản, đến nơi, thầy cúng nhờ người trồng một cây chuối, sau đó thầy cúng bày mâm lễ  bên cạnh. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong thầy cúng thắp một cây hương sáp ong trên mâm lễ, chắp tay lạy bốn hướng và bắt đầu khấn:

 “Xừ ghi co công, cong mạ to, xo bương, mờ lơ mừ th-ro chi te lễ hội ang cơm ma, mơi chậu nam châu nêm mơi chậu thêm chậu mốc  câu công, châu plơ o khiên rai, dò pơ do ma, phơ ma tẹ xơ ghi, ma hôi lai phô lai xa, dàn to cuông làm ang cơm ma lơ, tơ rơ cơn nhom, cơm a lơ đơ phìa gió àng phô xa dàn Tọ Cuông. Xi ho xừ xi li, xi ru ram, xừ quai ang bút ang bưa cơ ma, ang ngọ ang xi li, khơ lơ, ang to bo pli hài tu xo ong khửu co, tù bo pli plia to, dù bưng ôm ang bư lũ lụt, hạn hán, áng am ôm, rọ đờ na, ang teng ma, bưng la lơi, ro mua thu ho bờ, ma vu đê gang ang xưng li khơ má, liên tô, hôi lìa trang trai tếch laing ve khơ mu rơ răng, ang khớ mú, ang co hen do ếp xừ, ang xài ninh phục vụ cong gang. Mơi bưng thơi, các thần rơi ma ương hôi la nếnh, đa cong tang gang ma bưng bo cán vễnh xu, mù dòng rưng co vang, đa bo da. Ơm cho na cho ni, cho bản, cho mường”.

 (Hôm nay là ngày lành tháng tốt, nhân dân bản Tọ Cuông có mâm lễ xin dâng lên các vị thần, vị thánh, thần sông, thần núi, thần thổ địa về hưởng thụ, về ăn, về uống đồ lễ của bà con dân bản. Khi ăn no, uống đủ hãy phù hộ cho bà con dân bản Tọ Cuông năm 2014 này mưa thuận gió hòa, để bà con gieo cấy hạt thóc, hạt ngô, hạt đỗ, cây sắn…được nảy mầm tốt tươi, đến mùa màng được bội thu, hãy phù hộ để mưa thuận gió hòa cho cây rừng xanh tươi để nguồn nước các khe, các suối chảy  về phục vụ tưới tiêu ruộng đồng, hãy phù hộ không cho xảy ra lũ lụt, xói mòn, thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của bà con trong làng bản nhé).

Khấn xong, thầy cúng tay cầm quả bầu đựng nước trên mâm cúng dội lên lá chuối và hô: “Cơ mạ lêu!”  (có mưa rồi!). Khi thầy cúng hô lên như vậy, đồng thời có hai người gồm một nam một nữ chạy vào ẩn nấp dưới lá chuối. Đồng bào quan niệm rằng, đây là những hạt mưa của các vị thần linh cai quản sông, suối, gió mưa sau khi về thụ lễ của bà con dân bản xong vừa cho mưa xuống, cả năm sẽ cho mưa thuận hòa để phục vụ cho bà con làm nương rẫy, cấy ruộng đồng, gieo hạt, trồng cây gặp thuận lợi.                

Lễ cúng thần thổ địa.

Nghi lễ cầu mưa trên nương kết thúc về đến cửa ngõ của bản, thầy cúng cúng mời thần thổ địa về chơi hội. Theo quan niệm của đồng bào Khơ Mú, thần thổ địa là vị thần cai quản và bảo vệ bản làng trước điều xấu, điều ác. Vì vậy, để phần hội được diễn ra vui vẻ, nhảy múa không ngã, uống rượu không say, không cãi cọ mất đoàn kết thầy cúng khấn mời thần thổ địa của bản làng về cùng chung vui, phù hộ cho bà con nhân dân trong bản. Đồ lễ dâng cúng gồm: Hai con gà (một trống, một mái); Hai chén rượu; Một bát canh; Một đĩa trầu.

Mâm lễ chuẩn bị xong, thầy cúng chắp tay lạy một lạy trước mâm cúng và khấn:

“Mơi h-rơ cung, h-rơ mạ do ma do ươm phơ ghi ang bo bơ bo ma, lâu bó nưng, co cung tọ cúng chuẩn bị ư rơ muôn, chi ta bra, ta brinh tê muông mùng ang đen lễ hội, cơ ma, ang bưa lơ, di ơm”.

 (Hôm nay là ngày hội, ngày vui của bản làng, xin mời các vị thần thổ địa về ăn về uống đồ lễ của bà con và phù hộ cho dân bản vui hội, ném còn, múa sạp, tăng bu, múa vòng tròn, múa hưng mậy… được vui vẻ đoàn kết nha).

Các lễ thức của phần nghi lễ kết thúc, phần hội diễn ra trong niềm vui phấn khởi, ước vọng về một vụ mùa mới đầy khởi sắc và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những chàng trai, cô gái trong bản ngoài làng nô nức về chơi hội để được dịp thể hiện tài năng qua các lời ca, tiếng hát, điệu múa, trò chơi dân gian truyền thống đậm đà sắc thái bản địa.

 

Phần hội sau các nghi lễ diễn ra hết sức tưng bừng

Nếu phần lễ được thực hiện trang nghiêm theo nghi thức cúng tế truyền thống thì phần hội được diễn ra tưng bừng, náo nhiệt với các trò chơi, điệu múa, câu hát theo bản sắc văn hóa của dân tộc Khơ Mú. Đây cũng là ngày hội đoàn kết của toàn cộng đồng dân tộc, đưa mọi người đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, để chung sức xây dựng và phát triển bản làng. Các trò trơi dân gian truyền thống là một phần không thể thiếu trong lễ cầu mưa của dân tộc Khơ Mú, có thể nói các hình thức chơi như tỏ lòng biết ơn của con người đối với các vị thần, tổ tiên, thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời, niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp. Một số trò chơi, văn nghệ, thể thao dân gian gắn liền với Lễ cầu mưa như: Kéo co (rù chi mớ); đẩy gậy (nhút dọ); múa sạp (tẹ khiệp); múa tầm đao (tăm đao); múa tăng bu (tăm rờ bang – múa theo tiếng chiêng), ném còn (tọt còn)… Sắc màu rực rỡ của những bộ trang phục truyền thống đồng bào dân tộc Khơ Mú mặc trong lễ hội không chỉ biểu hiện tính cần cù, nhẫn nại và bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú cùng với con mắt thẩm mỹ mà còn góp phần tạo cho lễ hội không khí thêm vui tươi, trong sáng. Phụ nữ lựa chọn cho mình những bộ váy áo đẹp nhất, còn nam giới cũng lựa chọn cho mình bộ quần áo mới, tuy không có nhiều màu sắc nhưng thể hiện những nét khỏe khoắn hồn nhiên của những chàng trai vùng sơn cước. Mọi người dân trong bản không kể nam nữ, già trẻ, trai hay gái đều có thể tham gia góp vui và hòa vào không gian náo nhiệt của lễ hội. Sau khi mọi người đã tham gia múa hát, các trò chơi dân gian vui vẻ, đến khi chuẩn bị kết thúc có 02 người cầm 02 ống tre to, bên trong có đựng nước, họ cầm ống tre vẩy nước vào tất cả những người tham gia lễ và nói: “Cơ mạ lêu!” (Trời mưa rồi!), những người tham cũng đồng thanh hô rằng: “Cơ mạ lêu, hờ rụ tai hem” (Trời mưa rồi, anh em ơi nghỉ thôi). Đến đây Lễ cầu mưa kết thúc, mọi người ai trong niềm vui hân hoan, phấn khởi, họ hẹn nhau năm sau lại về dự lễ, họ tin tưởng vào một mùa vụ mới tốt tươi hơn.

Lễ cầu mưa của dân tộc Khơ Mú diễn ra trong không khí vui vẻ, nhộn nhịp, những nét đẹp truyền thống được biểu đạt trong lễ và sự thành kính với các vị thần linh. Mỗi lần diễn ra lễ càng tăng thêm sự đoàn kết của cả cộng đồng và những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc được nuôi dưỡng, khơi dậy từ những con người bình dị, tràn đầy sức sống ở miền Tây Bắc.

Bài viết cùng chuyên mục