Tháng ăn chay Ramadan là thời điểm linh thiêng nhất của đồng bào Chăm với nhiều lễ hội, nghi thức truyền thống được tổ chức. Tháng ăn chay Ramadan bắt đầu từ ngày 1/9 đến 30/9 theo Hồi lịch 1432 (tức lịch của người theo Đạo Hồi) được thực hiện với đầy đủ các nghi […]
Tháng ăn chay Ramadan là thời điểm linh thiêng nhất của đồng bào Chăm với nhiều lễ hội, nghi thức truyền thống được tổ chức.
Tháng ăn chay Ramadan bắt đầu từ ngày 1/9 đến 30/9 theo Hồi lịch 1432 (tức lịch của người theo Đạo Hồi) được thực hiện với đầy đủ các nghi thức Lễ nguyện I’Sha, đọc kinh Qur’an, cầu nguyện hòa bình và nhiều hoạt động xã hội từ thiện, hoạt động thể thao văn nghệ giao lưu truyền thống… Đây là dịp để mọi người Chăm tự kiểm điểm lại những hành vi đúng-sai của mình trong từng ngày, từng tháng của năm qua, từ đó quyết tâm khắc phục, sửa chữa và sám hối.
Trước ngày vào lễ Ramadan, bà con trong xóm tụ họp lại bàn tính việc cùng nhau mua sắm bánh trái hoặc bò (vì tuyệt đối không ăn thịt heo và chó, nên bà con không nuôi những con vật này) để khi "ra lễ" sẽ cùng nhau liên hoan vui vẻ tại một căn nhà rộng rãi hoặc tại Thánh đường.
Những ngày trong tháng ăn chay, từ rạng đông đến chạng vạng tối, mọi người phải tuyệt đối nhịn ăn, nhịn hút thuốc lá, nhịn uống rượi bia, không gây gổ, cãi vã làm mất đoàn kết trong cộng đồng. Trong thời gian thực hành tháng Thánh lễ, đồng bào không được tổ chức vui chơi, hát xướng.
Tháng Ramadan còn được biết đến là tháng của những điều tốt lành, những hành vi và cử chỉ nghĩa hiệp, nhân ái, qua đó để mọi người càng yêu thương, giúp đỡ người nghèo khó hơn mình. Trong tháng lễ Thánh linh thiêng này, người Hồi giáo làm những việc thiện, hữu ích cho cộng đồng, tránh mọi việc làm xấu, bất kính với thánh Ala.
Trong tháng Ramadan, mỗi ngày, các nhà giàu chuẩn bị hàng trăm suất ăn miễn phí và bày công khai, trang trọng tại các địa điểm công cộng để tặng người nghèo hay bất kỳ một người nào khác muốn ăn. Bởi vậy, người ta còn có thêm nhiều tên gọi nữa cho Tháng Ramadan như Tháng của lòng Nhân từ, Tháng việc thiện, Tháng tín nghĩa….
Ðây cũng là ngày "hẹn truyền thống" của những thành viên trong cộng đồng đồng bào Chăm theo Hồi giáo. Tất cả những người vì sinh kế, đi làm ăn phương xa đều trở về đoàn tụ với gia đình, thăm hỏi bà con thân thuộc, xóm giềng. Người Chăm ở An Giang xem đây là những ngày vui nhất, nhà nào cũng sẵn sàng cơm nước, và chuẩn bị đầy đủ đặc sản để đãi khách, bất kể thân, sơ, gọi là tết Roya, ngày này vui như người Việt ăn Tết Nguyên đán.
Nguồn: dantocviet