Trong chu kì đời người "Sinh – Lão – Bệnh – Tử", người Dao có nhiều quan niệm và phong tục. Khi trong nhà có người ốm yếu, gia đình sẽ mời thầy cúng về làm lễ "quét nhà" hoặc lễ "vác cầu giải hạn" cho người ốm nhanh khỏi bệnh. Ngày làm lễ "vác […]
Trong chu kì đời người "Sinh – Lão – Bệnh – Tử", người Dao có nhiều quan niệm và phong tục. Khi trong nhà có người ốm yếu, gia đình sẽ mời thầy cúng về làm lễ "quét nhà" hoặc lễ "vác cầu giải hạn" cho người ốm nhanh khỏi bệnh.
Ngày làm lễ "vác cầu giải hạn" phải chọn ngày tốt. Người Dao dựng một cây cầu mang tính tượng trưng, cầu làm bằng gỗ và chỉ được dùng bằng 3 loại cây Tờ bú, Tờ bẻ và Tờ dâu. Nếu làm bằng loại cây khác người ốm sẽ không khỏi bệnh. Xung quanh cầu có 6 cây trúc nhỏ vẫn còn lá, chặt bỏ ngọn và nối với nhau bằng những thanh trúc vót mỏng uốn theo hình vòng cung. Giữa cầu có đào một rãnh đất, tượng trưng cho sông, suối với ý nghĩa mong người ốm khỏe mạnh và sống lâu dài với mọi người trong gia đình như dòng sông, dòng suối.
Bên cạnh cầu để một chiếc gùi úp xuống làm bàn, trên để giấy tiền ma có ý nghĩa gọi thần trời xuống ủng hộ thầy cúng làm lễ "vác cầu giải hạn".
Lễ vật trong lễ "vác cầu giải hạn" gồm có: 1 con lợn, 3 chiếc bánh dày để ở đầu cầu; 2 con gà con, 7 chiếc bánh dày để ở cuối cầu.
Trong lễ "vác cầu giải hạn" có hai thầy cúng, một người cúng đầu cầu và một người cúng cuối cầu với nội dung: Cúng cho người ốm yếu khỏe mạnh, đi đâu không bị mất vía. Thầy cúng còn đan một phên nứa nhỏ hình vuông, ở trên có đặt tờ giấy trắng ghi "Chồi vần tịp đất này để đi tìm vía về nhà" có ý nghĩa gọi vía trở về nhà để người ốm được khỏi bệnh.
Khi cúng xong, thầy cúng đổ nước vào rãnh đất đã đào, sau đó người ốm đi từ cuối cầu đến đầu cầu với quan niệm vía về nhà. Còn nếu đi từ đầu cầu đến cuối cầu là vía đi mất, người ốm không khỏi bệnh.
Khi lễ "vác cầu giải hạn" hoàn tất, người ốm chỉ được ăn những lễ vật ở đầu cầu mà không được ăn lễ vật ở cuối cầu vì người Dao cho rằng như vậy bệnh cũ sẽ bị tái phát.
Nguồn: dan toc