Sun, 02 / 2013 8:08 am | helios

Lưu giữ nét văn hóa hội họa của đồng bào Khmer Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) Nghề vẽ tranh kiếng (hay vẽ tranh trên kính) là một trong những nghề thủ công truyền thống của đồng bào Khmer ở ấp Phước Thuận (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Sóc Trăng) được hình thành vào khoảng […]

Lưu giữ nét văn hóa hội họa của đồng bào Khmer

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Nghề vẽ tranh kiếng (hay vẽ tranh trên kính) là một trong những nghề thủ công truyền thống của đồng bào Khmer ở ấp Phước Thuận (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Sóc Trăng) được hình thành vào khoảng những năm 60 và phát triển cho đến tận ngày nay.

Đây không chỉ là một nghề truyền thống của người Khmer Phú Tân nói riêng mà nó còn tiêu biểu cho nét văn hóa hội họa rất riêng của đồng bào Khmer Sóc Trăng.

Với đặc thù là địa phương có tập trung đông đồng bào Khmer nhất của huyện Châu Thành (với hơn 80% dân số là đồng bào Khmer), từ lâu Phú Tân không chỉ được biết đến là nơi có làng nghề đan lát truyền thống của đồng bào Khmer, mà đây còn là nơi lưu giữ nghề họa trên kính truyền thống của đồng bào với hàng chục nghệ nhân, tập trung tại ấp Phước Quới.

Điểm qua những nghệ nhân có tuổi và gắn bó lâu dài với nghề truyền thống này thì không thể không nhắc đến đôi vợ chồng nghệ nhân già Sơn Bol và Lý Thị Thiên, những người được xem là gạo cội trong nghề vẽ tranh trên kính tại Phước Thuận. Họ là những người đang bước tiếp trên hành trình lưu giữ những giá trị truyền thống trước nhịp sống hối hả của thời đại.

Ngày trước, Phước Thuận được đồng bào Khmer cả trong và ngoài tỉnh biết đến bởi nơi đây có hẳn một làng nghề chuyên vẽ tranh trên kính. Lúc ấy, hàng chục hộ gia đình chuyên sống bằng nghề vẽ tranh trên kính, không những vậy, tại làng nghề này còn có hẳn một đội ngũ những người chuyên đi bán những bức tranh trên kính.

Họ đi khắp các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi nào có đồng bào Khmer sinh sống là nơi đó có bước chân những người bán kính Phước Thuận.

Cũng nhờ họ mà một thời gian dài hàng chục năm, những gia đình vẽ kính Phước Thuận rất sung túc. Điểm nổi trội của làng nghề Phước Thuận so với những làng vẽ tranh trên kính khác của đồng bào Khmer là nét vẽ rất đẹp và tỉ mỉ, màu sơn được phối theo “bí quyết” riêng nên tồn tại rất lâu theo thời gian, mỗi bức vẽ bình thường có thể đứng vững 20 năm trước thời gian mà không phai nhạt.

Theo thời gian, cái thời thịnh vượng của làng nghề vẽ tranh trên kính cũng dần trôi qua, từ hàng chục gia đình gắn kết với nghề đã dần thưa đi, những bút vẽ, những khuôn hình mẫu đã phải xếp vào góc nhà, dần dần, đến nay chỉ còn 2 vợ chồng ông gắn chặt với nghề này nhất.

Quanh năm suốt tháng, không phút nào, ngày nào mà đôi tay của đôi vợ chồng già này ngơi cọ. Họ được xem là những người còn lại cuối cùng cho thời vàng son của những người chuyên sống bằng nghề vẽ tranh trên kính ở vùng này.

Đơn giản, nghề này được hưng thịnh nên cũng nhờ họ là lớp người định hình và gắn nó vào đời sống của người dân Phước Thuận. Dù nghèo nhưng với họ, bỏ nghề là bỏ gốc.

Ông Bol tâm sự: “Cái nghề đã gắn chặt với cuộc đời tôi từ lúc tuổi 16, đến nay tôi đã gần 70 thì làm sao tôi có thể bỏ được nó khi mà xung quanh chẳng còn mặn mà. Là người đầu tiên nên mình cũng cố gắng lê những bước cuối cùng còn lại của cái nghề này”.

Những ngày cận Tết, đồng bào Khmer Sóc Trăng đang hối hả với những vụ mùa bội thu, những người làm ăn xa quê cũng bắt đầu trở về thì đôi tay của 2 vợ chồng già này cũng càng bận bịu hơn. Vì là lớp người cuối cùng còn giữ nghề nên khi các thương lái có nhu cầu đều tìm đến nhà ông. Mới đây, gần 100 bức tranh đã được giao cho thương lái ở Trà Vinh.

Khoảng thời gian được xem là cao điểm và thu nhập cao nhất của 2 vợ chồng ông chính là những ngày giáp Tết Nguyên đán hay Chol Chnăm Thmây. Theo lý giải của ông, đây chính là thời điểm nhiều người đi làm ăn xa về quê ăn Tết hay vừa thu hoạch lúa nên có tiền, vì vậy, họ sắm sửa đồ đạc và trang hoàng nhà cửa nhiều hơn. Ông Bol cho biết: Trung bình, 2 vợ chồng ông có thể vẽ được 3-4 bức tranh thành phẩm và gần chục tranh thô mỗi ngày.

Với nguyên tắc vẽ ngược, người thợ lật 1 mặt của kính lên và vẽ theo 1 hình mẫu được đặt phía dưới kính. Trước khi vẽ, người thợ phải dùng 1 loại sơn nhám để quét lên kính nhằm tạo độ bám cho kính trước khi tranh được vẽ bằng sơn.

Để tiết kiệm thời gian và tiện cho việc phối màu, những nghệ nhân thường vẽ những đường nét cơ bản trước rồi sau đó mới đến công đoạn phối màu.

Chủ đề chính của tranh trên kính có thể là những chuyện kể về Phật Thích Ca, tranh hình về Phật, cảnh chùa chiền, hay là phong cảnh quê hương… Phải mất 1 năm học miệt mài thì mới có thể vẽ được các sản phẩm đẹp, phối màu không bị đối nghịch.

Ngoài tranh trên kính, gia đình ông Bol còn vẽ cả tranh trên vải, vẽ hoa văn cho các mô hình sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong làng.

Hơn 50 năm trong nghề, vợ chồng nghệ nhân già Sơn Bol và Lý Thị Thiên đã vẽ nên hàng trăm ngàn bức tranh trên kính, mà mỗi bức tranh ấy, nét văn hóa Khmer luôn được họ thể hiện sinh động và đầy đủ nhất.

Với đồng bào Khmer, dù trong cuộc sống hiện đại, mọi vật dụng gia đình có thể đều rất hiện đại và tiện nghi, thì trong ngôi nhà của họ bao giờ cũng có những bức tranh kính mang những ảnh tượng trưng có nét đặc trưng riêng của văn hóa Khmer như ảnh Phật Đản sinh, Phật ngồi thiền, Visssavon (bảo vệ gia đình) đặt ở cửa chính trước nhà, hình Apsara…

Chính những bức tranh trên kính ấy đã tạo nên một nét rất khác trong tâm thức của đồng bào Khmer so với những cộng đồng dân cư sống trên mảnh đất hình chữ “S.” Đó chính là nét rất đáng trân trọng mà đôi vợ chồng già người Khmer này đã cố công gìn giữ./.

Bài viết cùng chuyên mục