Fri, 04 / 2013 3:52 am | helios

Sự thay đổi của người Việt Nam từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20 có lẽ nhìn rõ nhất ở hàm răng. Hàm răng truyền thống của cả đàn ông lẫn đàn bà đều được nhuộm đen, không chỉ người Việt mà cả người Mường, người Lự và vài sắc tộc khác. Nhuộm đen […]

Sự thay đổi của người Việt Nam từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20 có lẽ nhìn rõ nhất ở hàm răng.

Hàm răng truyền thống của cả đàn ông lẫn đàn bà đều được nhuộm đen, không chỉ người Việt mà cả người Mường, người Lự và vài sắc tộc khác. Nhuộm đen vừa là vẻ đẹp của con người vừa là một tập tục văn hóa. Người Việt chỉ thay đổi tập tục này có lẽ trong phong trào Duy tân và Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỷ 20, mà cụ thể là những năm 1906 – 1908, khi các nhà Nho yêu nước hô hào tân học, cắt tóc ngắn, học chữ Quốc ngữ… bởi vì chỉ có duy tân mới làm cho dân tộc mạnh mẽ hiểu biết khả dĩ giành độc lập. Tuy nhiên thì thực tế cho đến nay vẫn có nhiều người nhuộm răng đen, tất nhiên là thiểu số trong cả cộng đồng dân tộc. Đó là thói quen sinh hoạt và gắn với tục ăn trầu. Răng đen hay răng trắng có lẽ không quá quan trọng, nhưng nó là một phần của sự đổi thay xã hội, từ xã hội phong kiến nông nghiệp sang một xã hội khác tạm gọi là hiện đại. Chúng tôi lấy đề mục này để nói về cái bản lề xoay chuyển đời sống dân tộc vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Răng đen và răng trắng
Bà cụ nông dân đồng bằng Bắc Bộ.
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.
Chụp tại Bút Tháp, Bắc Ninh, 2008

Lời tòa soạn: "Trong năm 2013, Tạp chí Tia Sáng sẽ đăng liên tục 24 bài nghiên cứu về đời sống ngày thường của người Việt Nam trong lịch sử của Phan Cẩm Thượng. Những bài viết này không phải rút ra từ cuốn “Văn minh vật chất của người Việt” (NXB Tri Thức, 2011) mà là những nghiên cứu ngoài lề, song song với cuốn sách; nhiều tư liệu, ý tưởng còn là phôi thai, thăm dò."

Vào cuối thế kỷ 18, khi ra hịch đánh quân Mãn Thanh, Quang Trung viết: Đánh cho để răng đen / Đánh cho để tóc dài / Đánh cho nó nhất chích luân bất phản / Đánh cho nó nhất phiến giáp bất hoàn / Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ. (Đánh cho nó một chiếc xe không quay lại / Đánh cho nó một mảnh giáp không trở về / Đánh cho sử biết Nước Nam anh hùng là có chủ). Để tóc dài, móng tay dài, răng đen, và xa xưa là xăm mình, là những tập tục lâu đời gắn bó với cơ thể người Việt. Móng tay dài có lẽ không thích hợp lắm với người nông dân lao động, nên chỉ vài ông đồ ưng dùng, vài người có bộ móng tay dài tới 20 – 30 phân nom như chùm dây, chắc họ không bao giờ phải làm việc gì nặng, hay mang vác. Tóc thì ai cũng để dài, không bao giờ cắt. Cần thì tỉa đôi chút. Đôi khi chải đầu, cắt móng chân móng tay, thì gom lại cho vào một cái túi vải, để khi chết mang theo. Đó là vật tùy thân của cha mẹ và trời đất cho mình. Tóc rối thừa giắt lên liếp tre còn đánh gió. Tục xăm mình gắn với thời hoang sơ, phần lớn là dân sông nước đánh bắt cá để mình trần, sau này còn sót lại ở vài tay anh chị giang hồ. ads: tuyển sinh cao đẳng dược hà nộicao đẳng y tế hà nội và cao đẳng dược phú thọ xét tuyển học bạ thpt.
Đàn bà tóc dài, nhiều người có mái tóc buông xuống tận gót chân, thường phải gội bằng bồ kết. Đàn ông ít gội hơn, thường nhật búi thành củ hành sâu phía sau gáy; ban tối gội đầu, thì ban đêm xõa ra cho khô, sớm mai mới búi lại ngay ngắn; hai lọn tóc mai dài người ta vắt lên hai tai nên gọi là mai gọng kính. Hiếm người ra đường mà không khăn áo chỉnh tề. Đàn bà hoặc tết thành lọn lớn vấn tròn lên đầu, nhưng phổ biến là chải thẳng buộc chặt thành một lọn dài, bọc vải vấn tròn lên đầu. Cái tấm vải quấn tóc đôi khi được làm chuyên như một con rắn có đuôi dài, để phụ nữ lồng qua khăn vấn khi kết thúc. Có khi lại dùng một khăn vành đội thêm ra ngoài, sau đó trùm một tấm khăn vuông đen, đuôi nhọn sau gáy, nên gọi là thắt khăn mỏ quạ. Đàn ông, khi đi vào Nam vấn đầu bằng một tấm khăn lớn theo kiểu người Chàm, ở Đàng ngoài người ta buộc một đầu khăn vào cột, đầu kia quấn dần vào đầu mình, rồi quay vòng theo, tiến dần ra cái cột, vì tấm khăn quá dài. Sau này đẽo một khuôn gỗ dạng đầu người, vấn khăn vào đó, đóng thành từng lớp gọn gàng gọi là khăn đóng. Cái khăn xếp, chỉ là vật làm sẵn của dạng khăn đóng xa xưa. 

Sự thay đổi chậm chạp, nhất là khi người ta gắn các tập tục truyền thống với lòng yêu nước. Cái gì của Tây không dùng, giống Tây không làm, nhưng sau khi những nhà Nho kêu gọi phải đổi mới mới có thể cứu nước thì người ta lại sẵn sàng thay đổi. Đầu thế kỷ 20, một số người Hoa sống ở Sài Gòn, Chợ Lớn vẫn để tóc đuôi sam. Việc này bên Tàu được thay đổi từ cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911, nói như Lỗ Tấn, thì cách mạng với những người như AQ chỉ là vấn cái đuôi sam lên đầu. Trong vòng 30 năm từ 1900 đến 1930, xã hội Việt Nam thay đổi hẳn không phải chỉ là diện mạo mà là rất nhiều thói quen và tập tục. Đầu tóc, quần áo, nhà cửa, đô thị, xe máy, ô tô, và sau là máy bay… một xã hội nông nghiệp cổ truyền, đóng khố cởi trần, chân đất, chỉ thuần lúa nước rùng mình bước sang xã hội tiền tư bản. Ông vua không còn độc quyền và thiêng liêng nữa. Ông chỉ còn cai trị một miền bé tý ở Huế và cũng đã đi theo Tây. Bút lông và chữ Nho gác lại, chuyển sang học chữ Quốc ngữ, chữ Tây, ăn sữa bò và uống rượu sâm banh. Tùy từng địa phương, có nơi thay đổi nhanh chóng, nhất là đô thị, có nơi chẳng thay đổi gì, thậm chí đến sau 1954. Nhưng nói chung làn sóng thay đổi, manh nha công nghiệp và đô thị hóa đã đến với xã hội Việt Nam trong ba mươi năm đầu thế kỷ 20, và vì thế nhân tâm con người cũng khác.

Xã hội phong kiến Việt Nam chia con người làm tứ dân, bốn giai tầng: sỹ – nông – công – thương. Sự ăn mặc của bốn lớp người bình nhật có lẽ không khác nhiều, nên thường chỉ gọi là quan phục và dân phục, tức là quần áo quan và quần áo dân, cũng có thời bốn lớp người đó phải có những ký hiệu khác nhau trên phục trang, thậm chí khác đến cả nhà sư, đạo sỹ, đến mức nhìn vào phục trang người ta biết ngay họ thuộc loại người nào. Cái này chỉ quy củ ở bên Tàu. Người nông dân ra đồng, nữ mặc váy, và yếm, đôi khi tránh nắng và bụi bặm họ mặc áo cánh, quấn chặt khăn che mặt. Lội ruộng sâu thì xắn váy đến tận bẹn. Nam thì cởi trần đóng khố đi cày, bừa, và cứ thế đi nghễu nghện trong làng rất bình thường. Ai nấy đều có một chiếc áo dài nam thì hai thân, nữ thì bốn thân (áo tứ thân), gặp việc quan, lễ lạt, tết nhất thì mặc, thế là trang trọng. Cho đến cuối thế kỷ 19, trang phục này vẫn chưa có kiểu gì mới. 


Đô thị hình thành, người đô thị cũng muốn ăn diện hơn, nên các kiểu quần áo cũ được sửa sang may mặc cho đẹp. Âu phục tràn vào, hoặc người ta mặc luôn Âu phục, hoặc cải tiến kết hợp giữa phục trang truyền thống và phục trang phương Tây. Chiếc áo dài tân thời là một kiểu mới, một sản phẩm đặc trưng của khoa design những năm 1930. 

Khi văn minh phương Tây vào Việt Nam và phương Đông nói chung, nó vấp phải sự phản kháng quyết liệt bởi nó đi cùng sự xâm lăng của chủ nghĩa Thực dân. Người phương Đông tự coi mình là văn minh và coi những gì người phương Tây đem đến là man rợ của giống Bạch quỷ. Song phương Đông đã thất bại trước đại bác và súng trường cùng tàu chạy hơi nước của phương Tây, nên từ chỗ từ chối đồ dùng phương Tây đến chỗ ngược hẳn lại là sùng bái. Cái gì của phương Tây cũng là tốt. Cái này đã được khái quát trong câu nói của một nhân vật trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố: Đồng hồ Tây có bao giờ sai. Sự hòa nhập dần dần giữa hai nền văn hóa tất yếu diễn ra trong sự phản tỉnh lại những giá trị dân tộc và bản địa, dẫn đến nhận thức đồ dùng để sử dụng, càng tiện lợi càng tốt và có lẽ chúng không ảnh hưởng đến lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, cuối cùng là chọn lọc và kết hợp những giá trị thuộc về nhân loại nhưng khác nhau ở địa lý, quá trình lịch sử và thói quen dân tộc. Từ tấm áo manh quần, cái bánh mỳ, cái xe lôi, xe xích lô… đến xe điện, ô tô, máy bay… xã hội Việt Nam thay đổi chóng vánh trong vòng một thế kỷ và thay đổi trong những cuộc chiến tranh vẫn diễn ra. Khi hình thái nghệ sỹ xuất hiện, có họa sỹ vẽ tranh giá vẽ, có họa sỹ và kiến trúc sư vẽ thiết kế, một nền vật chất mới ra đời bất chấp sản xuất công nghiệp còn lâu mới theo kịp phương Tây. 

Lời đề từ đồng dao trên có câu: Cái đanh thổi lửa. Người ta cho rằng đây chính là sự mô tả của trẻ con về cái bật lửa Tây khi đem vào Việt Nam. Trước đó, giữ lửa luôn là vấn đề nan giải với nhà nông. Buổi tối trước khi đi ngủ, người ta phải dúi một cục than hồng vào đĩa giấm với trấu và đặt con giấm bằng đất chèn lên, vừa có khói xông cho trâu bò vừa giữ lửa đến sớm mai thổi cơm còn đi cày. Khi ra đồng, thì mang theo một cái bùi nhùi rơm, trong đó cũng để cục than để khi cần lửa hút thuốc lào, nướng cá thì thổi lên. Ngày nay chúng ta dùng diêm, bật lửa đánh xoẹt một cái là có thể hút thuốc, thì cách đây một trăm năm, người nông dân phải dùng một phương tiện thô sơ như vậy. Cũng cách đây một trăm năm, bếp lửa của người Tây Nguyên và người Mường không bao giờ tắt. Con người đã đi qua một thời sống với tự nhiên và rất thô sơ, những tưởng hạnh phúc văn minh sẽ đến với thời đại công nghiệp. Nhưng không hề, xã hội công nghiệp có những mặt trái của nó, nó dễ dàng biến con người thành cái máy như chính nó, còn văn minh hạnh phúc tùy thuộc vào rất nhiều vấn đề xã hội khác có lẽ không phụ thuộc vào các mức độ tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Bài viết cùng chuyên mục