Wed, 03 / 2013 4:44 am | helios

Nghệ nhân Hà Thị Cầu – người được coi là "báu vật sống" của nghệ thuật hát xẩm – trút hơi thở cuối cùng trưa 3/3. Nhiều tài liệu nhận định, nghệ nhân Hà Thị Cầu hưởng thọ 97 tuổi, nghĩa là cụ sinh năm 1917. Tuy nhiên, chị Mận, con gái cụ thành thực […]

Nghệ nhân Hà Thị Cầu – người được coi là "báu vật sống" của nghệ thuật hát xẩm – trút hơi thở cuối cùng trưa 3/3.

Nhiều tài liệu nhận định, nghệ nhân Hà Thị Cầu hưởng thọ 97 tuổi, nghĩa là cụ sinh năm 1917. Tuy nhiên, chị Mận, con gái cụ thành thực chia sẻ, việc khai năm sinh 1917 chỉ là một cách "khai sớm lên", để cụ đủ tuổi hưởng trợ cấp trong một dịp nào đó. Còn năm sinh thực của cụ Cầu là 1928. Theo gia đình, nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời ở tuổi 86.

Trước khi trở về với Tổ nghề hát xẩm, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã đau yếu một thời gian. Anh Nới (chồng chị Mận) – con rể của cụ – cho biết: "Cụ bị tai biến mạch máu não từ tháng 11/2012. Trước Tết Nguyên đán, cụ phải nhập viện nhưng sau Tết, bệnh viện trả về nhà để gia đình chuẩn bị hậu sự. Cụ rơi vào nguy kịch khoảng 10 ngày trước khi qua đời". Người con rể chia sẻ thêm nghệ nhân Hà Thị Cầu đã tiên liệu được cái chết của mình. Khi sức khỏe đã yếu nhưng vẫn còn nói được, cụ dặn con cháu treo hai cây đàn nhị thiết thân với mình lên bàn thờ chứ không được cho bất cứ ai.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu với cây đàn nhị quen thuộc.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, Phó ban biên tập Nhà xuất bản Âm nhạc, cho biết khoảng sau Rằm Tháng Giêng, anh cùng một số đồng nghiệp xuống Ninh Bình thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu, lúc này cụ đã cấm khẩu và gần như không nhận biết được mọi người nữa. Anh Long nhận định với cái chết của Bu Cầu (cách anh gọi nghệ nhân nổi tiếng), nghệ thuật hát xẩm có thể sẽ mất đi vĩnh viễn những yếu tố, những nét tinh túy chỉ có riêng ở người trọn đời hát xẩm này.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nghệ nhân Hà Thị Cầu là pho tư liệu sống, phong phú đặc sắc, chứa đựng mọi yếu tố của nghệ thuật hát xẩm. "Hát xẩm vốn bị coi là thứ nghệ thuật thấp kém, là công cụ kiếm sống của những kẻ mù lòa, kém may mắn. Nhưng qua cách thể hiện của Bu Cầu, nó toát lên tinh thần mạnh mẽ, lạc quan qua từng nốt nhấn nhá", anh Long nói. Vị nhạc sĩ này cho biết, anh từng tiếp xúc với các nghệ nhân xẩm nổi tiếng như Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Văn Gia và thấy ở họ có những nét tinh túy riêng nhưng vẫn chưa thể có được thần thái như cụ Cầu. "Ngay tiếng đàn của cụ cũng là một sắc thái của giọng hát mà khó có nghệ nhân nào thừa kế được", anh Long nói.

Đạo diễn Lương Đình Dũng – người từng thực hiện bộ phim tư liệu về nghệ nhân Hà Thị Cầu mang tên Xẩm đỏ – tâm sự, hát xẩm đã trở thành máu thịt trong cuộc sống của cụ Cầu. Anh kể: "Những năm cuối đời, cụ nhớ nhớ quên quên. Tên của các con nhiều lúc cụ còn bị lẫn lộn. Nhưng các câu hát cụ vẫn nhớ rất rành rọt. Chỉ có điều, lúc về già, giọng cụ đã yếu nên có khi hát đến giữa chừng thì mất giọng". Anh Dũng vẫn còn nhớ, khi bộ phim quay đến cảnh cuối cùng, cụ đã nắm lấy tay anh mà nói: “May mà con làm sớm chứ bây giờ sắp không hát được nữa rồi con ạ”.

dsc09212-1350379702-480x0-jpg-1362363886
Đạo diễn Lương Đình Dũng và cụ Cầu khi thực hiện bộ phim "Xẩm đỏ".

Nghệ nhân Hà Thị Cầu sinh ra tại Ý Yên, Nam Định, tên thật là Hà Thị Năm (Cầu là cách gọi theo tên anh con trai cả). Cụ là con gái của nghệ nhân xẩm nổi tiếng Nam Định. Lớn lên, cụ làm vợ thứ 18 của Chánh Trương Mậu – trùm xẩm Ninh Bình. Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, cụ có lẽ là người duy nhất sinh con cho Trương Mậu. Họ có 7 đứa con nhưng cuộc sống nghèo đói khiến cụ mất đi 4 đứa. Sau đó, hoàn cảnh khốn khó khiến cụ tiếp tục phải cho đi một đứa con gái. Cụ chỉ nuôi được hai là người con trai cả và cô con gái tên là Mận. Đứa con bị cho đi (em gái sinh đôi với chị Mận), về sau vẫn chạy qua chạy lại với mẹ. Nghệ nhân Hà Thị Cầu sống cùng chị Mận và anh Nới.

Tuy được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Nghệ sĩ ưu tú và giải thưởng Đào Tấn cho những đóng góp trong việc gìn giữ nghệ thuật dân tộc, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã trải qua một cuộc đời khó khăn, túng quẫn. Anh Nới cho biết lúc sinh thời, cụ cũng ít than phiền hay ca thán với con cái về cuộc sống. Nhưng cụ luôn thắc mắc tại sao một nghệ nhân nổi tiếng như mình mà chỉ được hưởng lương 180 nghìn đồng một tháng.

Lễ viếng nghệ nhân Hà Thị Cầu bắt đầu vào sáng 4/3. Lễ an táng diễn ra vào 9h30 ngày 5/3 tại nghĩa trang xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Nguồn: vnexpress

Bài viết cùng chuyên mục