Trước lời đồn đại về những câu chuyện ly kỳ quanh ngôi đền Khai Long ngày một lan xa, tôi quyết định đến tận nơi để mục sở thị ngôi đền, đồng thời tìm hiểu thực hư những câu chuyện mang đậm màu sắc liêu trai huyền bí đã tồn tại từ lâu trên mảnh […]
Trước lời đồn đại về những câu chuyện ly kỳ quanh ngôi đền Khai Long ngày một lan xa, tôi quyết định đến tận nơi để mục sở thị ngôi đền, đồng thời tìm hiểu thực hư những câu chuyện mang đậm màu sắc liêu trai huyền bí đã tồn tại từ lâu trên mảnh đất này.
Dù ngày nay những tài liệu ghi chép về đền Khai Long đã không còn, nhưng nhiều giai thoại về ngôi đền này vẫn được người dân nơi đây truyền miệng từ đời này qua đời khác. Đến nơi đây hỏi về ngôi đền, tôi đã được nghe nhiều người kể lại những câu chuyện ly kỳ như thể họ đã thuộc lòng từ lâu.
Các bậc cao niên trong làng cho biết, không ai rõ đền Khai Long có từ bao giờ, nhưng có tuổi đời phải hàng trăm năm. Các cụ giải thích “ khai” có nghĩa là mở, “ long” là rồng. Theo các cụ, vùng đất nơi ngôi đền tọa lạc xưa kia rất thiêng liêng. Bởi theo truyền thuyết, vào một đêm trăng thanh vắng, tự nhiên xuất hiện một con rồng trắng dài hàng chục mét uốn lượn trên đỉnh ngọn núi, từ miệng rồng phát ra một luồng ánh sáng nhiều màu sắc làm sáng rực cả bầu trời, rồi sau đó rồng biến mất.
Và một điều kỳ lạ đã xảy ra, vùng đất nơi con rồng xuất hiện trước đó vốn khô cằn sỏi đá, đồi núi trơ trọi, không một bóng người sinh sống. Nhưng sau khi con rồng xuất hiện, vùng đất này trở lên phì nhiêu, màu mỡ, từ ngọn núi nhiều gỗ quý như lim, nghiến, gụ mật, trắc, sến… mọc lên dày đặc. Kỳ lạ hơn, vùng đất này sau đó xuất hiện nhiều mạch nước trong vắt phun thẳng đứng lên mặt đất, quanh năm không bao giờ ngừng chảy…
Sự xuất hiện của con rồng cùng những điều kỳ lạ khiến người dân cho rằng đây là vùng đất thiêng, được thần linh ban lộc nên họ kéo nhau đến đây xây dựng nhà cửa làm ăn sinh sống ngày càng đông đúc và chẳng bao lâu cuộc sống của họ trở lên giàu có. Để tạ ơn thần linh, họ tiến hành góp công góp của xây ngôi đền để người dân tới thắp hương cầu xin điều may mắn.
Theo cụ Phạm Hồng Sơn ( 77 tuổi) – người thôn Đông Bích thì trước đây khi chưa bị xuống cấp, đền Khai Long rất uy nghi, đồ sộ, khuôn viên đền rộng 3- 4ha. Đền được làm bằng gỗ lim được lấy ở vùng núi xung quanh, đá làm đế kê cột là loại đá trắng cổ ở Quỳ Hợp, trên văng, xà, cửa… đều được các thợ điêu khắc giỏi chạm trổ rất tinh xảo.
Đền được lợp bằng loại ngói vảy nung từ đất sét ở huyện Đô Lương, Thanh Chương (Nghệ An). Đền Khai Long có đầy đủ Thượng viện, Trung viện và Hạ viện. Thượng viện đặt bàn thờ bài vị, bình hương để người dân đến thắp hương cầu nguyện. Trung viện đặt lọng, gươm, đao, giáo, mác, có long bào, đồ đồng, gốm, sứ quý. Hạ viện là hai con ngựa đá trắng đứng chầu. Cổng Tam quan có binh lính tháp tùng rất uy phong, lộng lẫy…
Không ai dám mạo phạm đền “thiêng”
Mặc dù hiện nay ngôi đền đã xuống cấp, đổ nát nghiêm trọng, chỉ còn lại một phần mái và mấy hàng cột xiêu vẹo nhưng hầu hết người dân sinh sống tại thôn Đông Bích vẫn rất tôn kính ngôi đền. Với họ đền Khai Long không chỉ linh thiêng bởi khả năng trừng phạt những ai dám mạo phạm, xem thường ngôi đền mà còn ở khả năng ban phát những điều may mắn cho dân làng.
Vậy nên vào các ngày 30, ngày rằm hàng tháng hay những khi đau ốm, gia đình có người đi làm ăn xa, con cái thi cử… người dân nơi đây đều sắm sửa lễ vật mang vào đền thắp hương cúng tế, cầu mong điều may mắn, tai qua nạn khỏi.
Bà Nguyễn Thị Nhâm (người thôn Đông Bích) bị bệnh dạ dày đã nhiều năm, chạy chữa khắp nơi, uống đủ loại thuốc nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Bà cho biết: “sự thật thấy nhiều người đau ốm thường hái lá mang vào đền cầu xin thần linh phù hộ cho uống loại lá đó thì khỏi bệnh. Tôi không mê tín nên không tin nhưng do đã uống nhiều loại thuốc mãi không khỏi, tôi mới thử làm theo cách của họ, không ngờ sau đó bệnh đau dạ dày của tôi ngày càng giảm, tới bây giờ thì khỏi hắn, chắc đền này thiêng thật ”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi từ các cụ cao niên hiện còn sống trong làng Đông Bích, thì có một điều kỳ lạ là hầu hết người dân nơi đây đều tin rằng đền Khai Long rất linh thiêng. Bởi theo họ có nhiều sự việc hết sức kỳ lạ liên quan đến ngôi đền khiến người dân không thể giải thích nổi.
Cho đến nay người dân nơi đây vẫn đồn rằng những ai có ý tốt, tâm địa trong sáng, hướng thiện khi đến với đền đều được thần linh phù hộ, trái lại ai có tâm địa đen tối, làm điều xấu, mạo phạm đến ngôi đền đều bị quở phạt, nhẹ thì đau ốm, tai nạn…nặng thì chết bất thường không rõ nguyên nhân.
Cụ Sơn cho biết thêm: “ vùng đất này trước đây có rất nhiều ngôi đền nhưng uy nghi, đồ sộ, linh thiêng nhất vẫn là đền Khai Long. Khi tôi còn nhỏ, ngôi đền đã có rồi. Trước đây bất kỳ ai đi qua cũng phải kính cẩn ngả nón mũ cúi chào, ai nói tục, để trâu bò phóng uế, ăn trộm những thứ thuộc về ngôi đền đều bị trả giá. Lũ trẻ chúng tôi mặc dù rất nghịch ngợm nhưng tuyệt đối không dám bén mảng đến khu đền”.
Theo quan sát của chúng tôi, ngôi đền đã đổ nát nghiêm trọng, nhiều vật dụng quý hiếm bằng đá, xà, cột gỗ lim nằm chất đống quanh đền nhưng không ai dám lấy về sử dụng. Cụ Trần Văn Linh ( 75 tuổi ), nhà ở cạnh ngôi đền cho biết: “ ngôi đền này linh thiêng lắm! cho dù bất kỳ ai vô tình hay cố ý động chạm đến đều phải trả giá đắt. Mặc dù hiện nay thôn chúng tôi vẫn có nhiều gia đình sử dụng củi để nấu nướng, củi cũng phải mua với giá đắt nhưng gỗ từ ngôi đền thì có cuộc tiền cũng chẳng ai dám lấy…”.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Trưởng thôn cũng là người trông coi ngôi đền cho biết: “ sự thật ngôi đền Khai Long đã tồn tại từ rất lâu đời, rất được người dân tôn kính. Vào ngày rằm, ngày lễ không chỉ người trong làng mà người dân ở nhiều nơi cũng đến tham quan, cầu xin điều may mắn là có thật.
Hiện nay ngôi đền đã đổ nát, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng do chưa có kinh phí nên chưa thể trùng tu tôn tạo lại. Chúng tôi sẽ kiến nghị, báo cáo với chính quyền xã, và vận động bà con quyên góp để tôn tạo lại trong thời gian sớm nhất..”.
Nguồn: danviet