Thu, 02 / 2013 10:26 am | helios

Ở Việt Nam, việc thờ bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán phản ánh được nhiều bình diện cuộc sống, thể hiện được những quan niệm về vũ trụ – nhân sinh. Phong tục thờ bánh chưng vào dịp Tết là sự thể hiện nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Việt […]

Ở Việt Nam, việc thờ bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán phản ánh được nhiều bình diện cuộc sống, thể hiện được những quan niệm về vũ trụ – nhân sinh.

Phong tục thờ bánh chưng vào dịp Tết là sự thể hiện nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, được nhân dân lưu truyền từ thời Hùng Vương (đời thứ Sáu) cho đến ngày nay, đồng thời giải thích ý nghĩa biểu trưng (khuôn hình) của bánh chưng, bánh giầy (bánh tét, bánh tày) (sẽ được bàn ở phần dưới). Hơn hết, phong tục này còn là sự khẳng định tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hóa lúa nước.

Biểu trưng của vũ trụ – nhân sinh quan

Những ý nghĩa biểu trưng về vũ trụ – nhân sinh quan qua bánh chưng, bánh giầy được thể hiện từ tên gọi, hình thể cho đến nguyên liệu làm nên nó. Trước hết, tìm hiểu bánh chưng với tư cách như một thuật ngữ. Ngỡ tưởng loại bánh này trong quá trình nấu chín, người ta phải luộc lên, nhưng nếu là “luộc” thì có gì đáng bàn. Song gọi là bánh chưng có thể rơi vào trường hợp: trong quá trình nấu bánh, người ta không cho nước tiếp xúc với vật liệu được luộc (tức là bánh), thì ắt có lẽ là hình thức hấp hoặc chưng (nấu cách thuỷ). Bởi vậy, giải thích cho tên gọi bánh chưng theo cách này có vẻ rất hợp lí.

 

Bánh chưng là loại bánh vuông với hình khối, còn bánh giầy được xem là loại bánh hình trụ tròn. Như vậy, chúng ta thấy rằng bánh chưng, bánh giầy đã là sự biểu trưng về quan niệm vũ trụ. Bánh giầy, tròn và dài biểu trưng cho trời, bánh chưng vuông biểu trưng cho đất, phù hợp với triết lí Trời tròn – Đất vuông của biện chứng Đông Phương nói chung và Việt Nam nói riêng.

Mặt khác, với quan niệm nhân sinh thì đây là một trong những tín ngưỡng phồn thực của người Việt Nam, bánh giầy tượng trưng cho sinh thực khí nam giới (Linga); bánh chưng, tựng trưng cho sinh thực khí nữ giới (Yoni). Tín ngưỡng phồn thực này, mới nghe tưởng như dung tục, nhưng xét cho cùng, nó rất phù hợp với quan niệm của người Việt thời tiền sử. Con người thời đó quá “bé nhỏ”, yếu ớt trước thiên nhiên huyền bí.

Người ta thường áp hai bánh chưng, hoặc hai bánh giầy với nhau thành từng đôi một, thể hiện mong ước, quan niệm nhân sinh của con người rằng trong cuộc đời cần có đôi có cặp để sống với nhau đến đầu bạc răng long. Như vậy, chỉ qua hình thức của bánh và cách bày trí nó thôi, cũng đủ cho chúng ta thấy người Việt rất sâu sắc giàu quan niệm về vũ trụ, nhân sinh.

Còn ruột và nhân bánh có hàm ý biểu trưng gì chăng? Nhân bánh được nếp phủ xung quanh và phía ngoài lại được lá bao bọc, tượng trưng cho sự biết ơn công lao cha mẹ sinh thành đã thương yêu con cái mà đùm bọc, chở che, khác nào áo choàng lấy thân vậy!

 

Trong những ngày Tết đến, xuân về, những hương vị và những vật phẩm đã trở thành quen thuộc trong dịp tết như: thịt mỡ, dưa hành, bày trí trong nhà một cành đào hay một cành mai, một bức câu đối được cắt làm đôi treo cân xứng hai bên xà nhà. Trên bàn thờ tổ tiên bày trí đủ các loại: mâm ngũ quả, kẹo bánh, mứt, rượu,… đặc biệt là bánh chưng. Tất cả đã tạo nên một không khí, không gian rất “Tết”!

Bánh chưng sau khi đã thờ cúng tổ tiên xong, được dọn xuống để mọi người cùng thưởng thức. Hẳn chúng ta sẽ không ngớt lời tấm tắc rằng bánh chưng đúng là một trong những loại thức ăn vừa ngon, béo, thơm và trông thật mĩ quan! Nó đã tôn lên niềm tự hào về văn hóa ẩm thực của người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Đó là loại thức ăn vừa độc đáo, vừa gần gũi. Độc đáo ở chỗ: là loại bánh do chính người Việt Nam (Hoàng tử Lang Liêu – đời Hùng Vương thứ 6) sáng tạo nên (theo cách giải thích huyền sử về nguồn gốc bánh chưng). Từ xưa tới nay, bánh chưng, bánh giầy Việt Nam không lẫn, không phỏng theo bất kỳ thứ bánh nào của các quốc gia khác. Nó là loại thức ăn rất gần gũi với người Việt Nam, được làm nên từ những nguyên liệu không đến nỗi hiếm hoi trong dân gian như: gạo nếp, thịt heo, hành, tiêu, đậu xanh, lá dong rừng (hoặc lá chuối, lá tre…), lạt giang…và có khi thêm những nguyên liệu phụ như: quả chùm phù (lúc chín có màu đỏ), quả gấc… để tăng phẩm màu cho nhân bánh thêm đẹp.

Ngẫm ra, phong tục truyền thống thờ cúng và thưởng thức bánh chưng ngày Tết của người Việt Nam thật lắm điều thú vị. Nó vừa mang nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh, vừa mang nét văn hóa ẩm thực. Cả hai cùng quyện lẫn vào nhau trong một chỉnh thể cân xứng giữa một bên là vẻ hình thức bề ngoài, một bên là những nguyên liệu bên trong của bánh chưng. Chỉnh thể cân xứng, thống nhất đó được thể hiện bằng “quy trình”: gói, thờ cúng và thưởng thức bánh chưng như sự mặc định sở hữu về một trong những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam.

Trong những ngày cuối cùng của tháng Chạp hàng năm, mọi người từ miền xuôi cho tới miền ngược, từ ven biển, đồng bằng cho tới vùng cao, từ nông thôn cho tới thành thị, thậm chí cả những kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đều hòa chung bầu không khí an lành: đón Tết Nguyên đán. Mọi người lại hồ hởi bắt tay vào công việc gói bánh bánh chưng thờ Tết. Nếu những gia đình ở đô thị vì bận công việc, buôn bán, không có thì giờ để gói bánh chưng thì họ lại đặt mua. Thế là “thịt mỡ”, “dưa hành”, “câu đối đỏ”, mai (đào), kẹo, mứt, rượu cùng bánh chưng xanh lại được bày biện lên bàn thờ của nhà nhà trên dải đất hình cong chữ S này trong một nét văn hóa, một nét phong tục truyền thống đặc trưng rất Việt Nam: đón Tết cổ truyền và thờ bánh chưng xanh.

Mời các bạn xem thêm: Máy nước nóng năng lượng mặt trời

Nguồn: langvietonline

Bài viết cùng chuyên mục