Cùng với thế giới, dân tộc Việt cũng có truyền thuyết về tổ phụ và tổ mẫu của riêng mình. Để hết thế hệ này đến thế hệ khác, chúng ta cùng nhau viết tiếp về sự hưng thịnh của nòi giống “con Rồng cháu Tiên”, và để cùng hướng về ngày giỗ Tổ… học […]
Cùng với thế giới, dân tộc Việt cũng có truyền thuyết về tổ phụ và tổ mẫu của riêng mình. Để hết thế hệ này đến thế hệ khác, chúng ta cùng nhau viết tiếp về sự hưng thịnh của nòi giống “con Rồng cháu Tiên”, và để cùng hướng về ngày giỗ Tổ…
Như một niềm kiêu hãnh sâu trong tâm linh, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có truyền thuyết riêng cho nguồn gốc của mình. Nếu người Trung Quốc giải thích sự ra đời của vũ trụ, của đất nước họ bằng truyền thuyết Bàn Cổ, người Nhật giải thích nguồn gốc dân tộc mình bằng truyền thuyết Izanagi và Izanami, người Việt có truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Ngày 10/3 âm lịch- ngày Quốc Giỗ của cả dân tộc Việt
Một ngày, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, không ở cùng nhau được”. Vì thế hai người đành chia con ra 50 người theo cha về biển, 50 người theo mẹ về núi và cùng nhau cai quản các vùng. Đây chính là tổ tiên của người Việt. Và cũng từ truyền thuyết này, dân tộc Việt Nam được coi là dân tộc của “con Rồng cháu Tiên”.
Sau khi chia tay, người con cả trong số những người con theo mẹ lên Phong Châu (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) đã được tôn làm vua gọi là Hùng Vương lập ra nước Văn Lang. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Các vua Hùng chọn núi Nghĩa Lĩnh- ngọn núi cao nhất vùng để đóng đô, bàn việc nước, đồng thời thực hiện những ghi lễ thờ cúng theo tín ngưỡng cư dân nông nghiệp thờ thần lúa, thần mặt trời, cầu mưa thuận gió hòa, cho muôn dân thái bình, yên ấm.
Văn học dân gian có câu: Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhờ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3. Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh trong mỗi người dân nước Việt. Cứ đến ngày này, dù ai ở xa, dù ai đang bận rộn, dù đi đâu về đâu, cũng tìm đường về chân núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.
Ngày 6/1/2001, chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định về quy mô, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ngày 10 tháng 3 trở thành ngày Quốc Giỗ của cả dân tộc.
Tháng 12/2012, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng của dân tộc Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự công nhận của thế giới trước tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng chính là sự đánh giá tầm quan trọng bậc nhất việc một dân tộc luôn biết gìn giữ văn hóa nguồn cội trong “vòng xoáy” hội nhập.
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”, lễ giỗ Tổ đang đến rất gần- đó không chỉ là ngày hội quần tụ của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta- mỗi người dân Việt khẳng định sức mạnh giống nòi, và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc.