Tuồng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam từng có một thời kỳ hoàng kim với những vở diễn được đông đảo khán giả đón xem. Tuy nhiên, cùng chung số phận với những loại hình nghệ thuật khác như ca trù, chèo, cải lương… […]
Tuồng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam từng có một thời kỳ hoàng kim với những vở diễn được đông đảo khán giả đón xem. Tuy nhiên, cùng chung số phận với những loại hình nghệ thuật khác như ca trù, chèo, cải lương… tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một.
Nghệ thuật Tuồng – Một giá trị di sản
Tuồng còn gọi là hát bội, hát bộ, bộ môn nghệ thuật cổ điển và bác học bậc nhất Việt Nam. Là một loại văn nghệ trình diễn cổ truyền, được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ 18, Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Trong thế kỷ 19, Tuồng đã có một giai đoạn phát triển cực thịnh trong lịch sử hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật này.
Chúng ta biết rằng trong cùng thời kỳ này tại vùng đồng bằng Bắc Bộ còn có Chèo và Múa Rối. Tuy nhiên, hai loại hình nghệ thuật kể trên chỉ tồn tại trong khu vực nông thôn ở miền Bắc Việt Nam, không phổ biến trên quy mô toàn quốc như Tuồng. Ngày nay môn nghệ thuật này vẫn được coi là “quốc hồn, quốc túy” của người Việt, sánh như Kinh kịch của Trung Quốc hay kịch Noh của Nhật Bản.
Trong những ngày hội hè, tế, lễ, nhân dân thường tổ chức những trò diễn xướng dân gian, nội dung thoả mãn tình cảm, nguyên vọng của dân chúng. Mối quan hệ giữa sân khấu với người xem gần gũi, thân thiết, khán giả cùng giao lưu, tưởng tượng, khích lệ diễn viên sáng tạo làm cho buổi biểu diễn phong phú, hấp dẫn và hoàn chỉnh khung cảnh nghệ thuật. Sân khấu Tuồng biến không thành có, biến cái hạn chế thành cái vô hạn. Cùng với người diễn viên, cảnh tượng sân khấu hiện dần lên, địa điểm, thời gian vở Tuồng được xác định. Bằng các phương tiện hát, múa và nhạc đệm, nghệ thuật biểu diễn của diễn viên Tuồng làm sáng tỏ ý nghĩa của câu chuyện, tạo ra sự khoái cảm về thẩm mỹ của trí tuệ…
Nghệ thuật Tuồng đã từng có một thời hoàng kim… |
Múa tuồng:
Người diễn viên Tuồng sử dụng vũ đạo (múa), hệ thống nói lối, bài bản, làn điệu (hát) là hai phương tiện chính để lột tả tính cách, tâm trạng của nhân vật để cho khán giả thấy được, hiểu được…
Múa Tuồng được hình thành từ những động tác sinh hoạt và hành động tâm lý trong cuộc sống xã hội của con người. Các thế hệ diễn viên đã chắt lọc những động tác trong sinh hoạt, lao động hàng ngày, tiếp thu những tinh hoa của những hình thái múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo, trong tế lễ, hội hè, trong múa cung đình và trong võ thuật dân tộc để xây dựng vũ đạo Tuồng theo một hệ thống động tác từ đơn giản đến phức tạp.
Hát tuồng:
Hát Tuồng xuất phát trên cơ sở tế lễ, tụng niệm trong nhà chùa, trong lối kể chuyện, hát xướng dân gian; được viết theo các thể thơ lục bát, tứ tuyệt, song thất lục bát… Hát Tuồng có một hệ thống nhịp điệu từ nói thường chuyển sang nói lối. Nói lối Tuồng viết theo văn biền ngẫu từ 4 đến 8 từ.
Diễn xuất:
Lối diễn xuất thường được khuếch đại hơn sự thật ngoài đời để khán giả dễ cảm nhận. Các động tác càng nhỏ càng nhanh, khi lên sân khấu càng cần tăng cường điệu thì khán giả mới kịp nhận thấy. Kiểu cách đi đứng còn dùng để biểu lộ cái “tâm” của nhân vật thiện, ác.
Ngoài ra, âm nhạc trong Tuồng đóng một vị trí vô cùng quan trọng, có sức thu hút kỳ lạ, thôi thúc mọi người đến xem hát. Dàn nhạc Tuồng chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ cho biểu diễn của diễn viên.
Trong dàn nhạc Tuồng gồm có bộ gõ: (trống, thanh la, mõ..), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn); bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu…) bộ gảy (tam, tứ, nguyệt, tranh…).
Những thực trạng vẫn còn tồn tại
Từ ngàn xưa, người Việt Nam đã có một đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Có lẽ đời sống tinh thần đó là cốt lõi của ý thức hệ đã chi phối cả vào trong đời sống nghệ thuật. Nên chăng, công cuộc bảo tồn và phát huy những bản sắc của dân tộc Việt về văn hóa nói chung, nền nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng cũng phải bắt đầu từ đó.
Quay nhìn lại một chặng đường từ khi hình thành cho đến nay, chúng ta có thể thấy rằng: Hiện nay, cũng giống với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, nghệ thuật Tuồng đang bị lớp trẻ xa rời do họ đang được tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật cũng như nhiều trào lưu văn hóa mới, nhưng đó chỉ là yếu tố khách quan. Cái chính vẫn là do chúng ta chưa phổ cập rộng rãi trong giới trẻ để họ cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống. Đã nhiều lần nghệ thuật Tuồng cũng đã được đưa vào giới thiệu ở các học đường nhưng chỉ mới mang tính hình thức…
Ngoài Nhã nhạc cung đình Huế – một kiệt tác đã được UNESCO công nhận, thì nghệ thuật Tuồng vẫn đang tìm cho mình một hướng đi để làm sao vừa bảo tồn, nhưng cũng vừa phát huy được những giá trị của nó. Đây là câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ?
Hiện nay, môn nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ mai một! |
Trong những năm gần đây, một số nhà hát nghệ thuật truyền thống đã tiến hành phục hồi và cho tiến hành dàn dựng một số trích đoạn Tuồng cổ, một số cuộc hội thảo mang tầm quốc gia cũng được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Tuồng. Tuy vậy, những cố gắng đó vẫn chưa đem lại kết quả khả quan.
Theo GS. Hoàng Chương, trong lịch sử sân khấu Việt Nam, chưa có ngành nghệ thuật nào có nhiều vấn đề như nghệ thuật Tuồng. Những mâu thuẫn trong hai cách nhìn nhận và bảo tồn nghệ thuật Tuồng kéo dài qua nhiều thập kỷ.
Một quan điểm cho rằng phải giữ lấy Tuồng truyền thống bằng việc phục hồi nguyên xi vở cổ. Ngược lại, tồn tại quan điểm đối nghịch rằng Tuồng truyền thống đã lỗi thời với thị hiếu của người hiện đại, sinh ra những vở diễn cách tân mang hình thức gần như kịch nói.
Ngoài ra, nghệ thuật Tuồng còn quá nhiều vấn đề bế tắc mà chưa có hướng khai thông, đặc biệt là Tuồng Bắc hiện đang rất ít khán giả.
Có thể thấy nguyên nhân khiến việc bảo tồn nghệ thuật Tuồng ngày một khó khăn: Công tác phục hồi các vở Tuồng truyền thống cần có sự đầu tư tốn kém, nhưng do thiếu kinh phí, các vở diễn thường bị chắp vá.
Bên cạnh đó, do đặc thù ngôn ngữ nghệ thuật, kịch bản Tuồng thường sáng tác theo lối văn biền ngẫu, cộng với khó khăn về kinh phí, hoạt động sáng tác kịch bản Tuồng chưa thể phát triển được.
Không những thế, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tuồng ngày càng ít đi. Do không được đảm bảo về chế độ, nhiều nghệ sĩ, diễn viên tuồng dù yêu nghề vẫn phải ngậm ngùi dứt nghiệp để lo cuộc sống mưu sinh. Trong khi đó, đội ngũ nghệ sĩ trẻ lại chưa đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe khi diễn những vở tuồng khó.
Một thực tế đáng buồn đối với sân khấu Tuồng ở Việt Nam hiện nay là: Khán giả trẻ không hiểu Tuồng là gì. Hầu hết, các khán giả ở độ tuổi thanh niên đều không có chút kiến thức cơ bản nào về nghệ thuật Tuồng dẫn đến không mặn mà với sân khấu Tuồng. Có những đêm diễn Tuồng, lượng khán giả ở các rạp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “khủng hoảng” khán giả ở sân khấu tuồng bao gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan.
Trong đó, yếu tố chủ quan nằm ở chính chất lượng của các vở Tuồng. Nhiều vở Tuồng mang tính cổ điển, khuôn mẫu của chế độ phong kiến đã không còn phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ hiện nay của khán giả.
Còn nguyên nhân khách quan như đã nói ở trên, sự phát triển của nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí đa dạng, hấp dẫn đã khiến nhiều khán giả không quan tâm đến những loại hình nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương…
Không những thế, Tuồng là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi người xem phải trang bị những kiến thức nghệ thuật nhất định mới có được năng lực cảm nhận cái hay, cái đẹp. Phải hiểu ngôn ngữ Tuồng, khán giả mới có thể hiểu hết được những sắc thái mà diễn viên tuồng biểu diễn cũng như nội dung của vở tuồng. Chính vì thế, nhiều khán giả dù có ý định tiếp cận với nghệ thuật Tuồng cũng đành ngậm ngùi khi sau vài lần thưởng thức các vở diễn Tuồng mà không thể hiểu được ý nghĩa của các vở diễn này.
Rõ ràng, để tìm hướng bảo tồn và phát huy những giá trị của nghệ thuật Tuồng, những người làm công tác bảo tồn cũng như những nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật Tuồng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Muốn khắc phục những khó khăn ấy, không có cách nào khác ngoài việc phải đưa việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có nghệ thuật Tuồng, trở thành mục tiêu quốc gia. Song song với đó, cần tiếp tục đưa nghệ thuật Tuồng vào các cơ sở đào tạo phổ thông, duy trì và gây dựng lớp khán giả cho Tuồng, phát triển hoạt động nghệ thuật Tuồng không chuyên.
Đặc biệt, chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng, nhuận bút, thù lao của nghệ sĩ, diễn viên Tuồng cần có sự ưu tiên, đảm bảo được chất lượng cuộc sống, nhằm giữ cho những nghệ sĩ có thể an tâm và chuyên tâm với nghề. Ngoài ra, các cơ quan quản lý văn hóa du lịch cần xây dựng đưa nghệ thuật Tuồng cùng các nghệ thuật sân khấu truyền thống khác thành sản phẩm du lịch. Thông qua đó, vừa quảng bá được văn hóa truyền thống tới bạn bè quốc tế, vừa có nguồn thu để duy trì, bảo tồn và phát huy vốn quý của cha ông
Nguồn: cinet