Tue, 05 / 2013 1:30 am | helios

Những ngôi nhà trình tường làm bằng đất mát mẻ vào mùa đông, ấm áp vào mùa hè luôn tạo nên một nét kiến trúc nhà ở độc đáo của đồng bào dân tộc Hà Nhì trên vùng núi cao các tỉnh phía Bắc. Nhà trình tường có bộ khung nhà rất đơn giản   […]

Những ngôi nhà trình tường làm bằng đất mát mẻ vào mùa đông, ấm áp vào mùa hè luôn tạo nên một nét kiến trúc nhà ở độc đáo của đồng bào dân tộc Hà Nhì trên vùng núi cao các tỉnh phía Bắc.

Nhà trình tường có bộ khung nhà rất đơn giản
 
Đồng bào Hà Nhì thường sinh sống trên những vùng núi cao, khí hậu khắc nghiệt. Chính vì thế, để sống chung với thiên nhiên, họ đã tạo ra những ngôi nhà trình tường độc đáo, ấm cúng. Theo phong tục của họ, trước khi làm nhà trình tường, các gia đình xem ngày giờ tốt, chọn miếng đất bằng phẳng và thực hiện nghi lễ khởi công nhà. Đây là nghi lễ rất đơn giản nhưng lại có ý nghĩa. Trước giờ đào móng, gia chủ nhà thả 3 hạt thóc xuống nền nhà tượng trưng cho con người (con đàn cháu đống), chăn nuôi (đầy đàn), hạt thóc (được mùa). Sau 3 giờ làm lễ, đồng bào bắt đầu đào móng độ sâu khoảng 1m, xếp đá để tránh ẩm ướt và có độ bền.
Bà con Hà Nhì luôn chọn loại đất núi có độ kết dính cao. Hướng nhà bao giờ cũng tựa lưng vào đồi và hướng về thung lũng. Bởi theo cách nghĩ của người Hà Nhì, với hướng nhà đó, của cải trong nhà bao giờ cũng đầy đặn, tốt lành. Nếu hướng nhà quay vào khe thì sẽ không tốt cho gia chủ.

Nhà trình tường là loại nhà phổ biến của một số dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì lại có những nét độc đáo riêng, với kỹ thuật ghép đá làm phần móng và kè chân tường, kỹ thuật trình tường bằng đất, kỹ thuật ráp nối bộ khung nhà bằng gỗ, 4 mái hình thang cân, lợp gianh tạo thành hình chóp nhọn. Nhà có phần nền đất, phần sàn gỗ và sàn gác để thích ứng với điều kiện môi trường và khí hậu.

Độc đáo nhà trình tường của người Hà Nhì

Để làm được một ngôi nhà vững chãi, bền lâu thì người Hà Nhì luôn tỉ mẩn trong giai đoạn làm móng nhà. Trước tiên, họ chọn loại đá núi bằng phẳng đem về đặt móng nhà. Móng nhà được đào sâu khoảng hai gang tay rồi kè bằng đá kết hợp với chất kết dính là đất trộn nhuyễn lên cao hơn mặt sân khoảng hai gang tay.
Tường nhà được người hà Nhì làm đất được chế tạo đủ độ ẩm và đầm lèn chặt. Với những khuôn ván gỗ được nẹp chắc chắn, họ đổ đất vào rồi cầm chày gỗ giã đến khi nào đất kết dính chắc lại với nhau. Hết lượt tầng thứ nhất tiếp lượt tầng thứ 2, thứ 3, mỗi lượt tầng ván khuôn cao cỡ 40 cm. Thường mỗi ngôi nhà làm cao 5-6 lượt tầng ván khuôn là đủ. Với sự khéo léo, điêu luyện của đôi tay cùng sức mạnh của mình, những bức tường phía ngoài dần hiện lên một cách chắc chắn, vững chải, phẳng phiu, các góc tường – cửa đi – cửa sổ sắc nét. Người Hà Nhì dùng cỏ gianh để lợp mái, họ dùng nguyên cả bó gianh để rải ra từng lớp, phần gốc quay xuống dưới rồi dùng nẹp để cố định các bó gianh lại với nhau.
Ngôi nhà của người Hà Nhì thường có từ 3 đến 4 ô cửa nhỏ, những ô cửa này chủ yếu mở ra để thông gió và lấy ánh sáng. Bên trong nhà bố trí phòng ngủ của bố mẹ, khu vực tiếp khách, tại phần hành lang thường đặt giường dành cho khách và con trai chưa vợ trong gia đình, bếp lò cũng được đặt trong nhà và có khoảng trống không gian để làm chỗ ăn cơm khi đông khách.
Với người Hà Nhì, những ngôi nhà trình tường không hiện đại, đồ sộ nhưng nó mang được nét đẹp hoang sơ của núi rừng, thích hợp với cuộc sống, với khí hậu khắc nghiệt trên những vùng núi cao của họ.
 
 
Theo cinet
Bài viết cùng chuyên mục