Ngoài những bài ca nghi lễ như mo, cầu vía, cầu yên, hát rang, bộ mẹng, hát ru… vượt lên trên các loại dân ca trữ tình và các loại dân ca khác, trở thành một loại dân ca tiêu biểu của người Mường (Thanh Hóa) phải kể đến “Xường”. Loại dân ca dùng để […]
Ngoài những bài ca nghi lễ như mo, cầu vía, cầu yên, hát rang, bộ mẹng, hát ru… vượt lên trên các loại dân ca trữ tình và các loại dân ca khác, trở thành một loại dân ca tiêu biểu của người Mường (Thanh Hóa) phải kể đến “Xường”.
Loại dân ca dùng để giao duyên
“Xường” – là một loại dân ca không thể thiếu được trong đời sống của người Mường. Nó thường sử dụng trong hát giao duyên trai gái, bộc lộ những tâm tình nỗi lòng trong cuộc sống tình cảm. Nguồn gốc của “Xường” được các già làng truyền lại rằng: Xưa có mụ Dạ Dần (nữ thần sáng tạo) gánh xường đi qua miền đất xứ Thanh. Không ai biết mụ sẽ trao xường ở đâu và cho ai. Bỗng nhiên gánh xường đứt quai, một sọt rơi xuống mường Ai, còn đầu kia rơi xuống mường Ống, gánh xường còn rơi vãi khắp nơi, dân mường Ống, mường Ai bèn rủ nhau ra nhặt. Vì vậy mà xường mường Ống và mường Ai được cho đó là xường gốc. Với sự kiện mang đậm tính huyền thoại này đến nay dân gian vẫn hằng nhắc nhớ: “đứt gánh mường Ai, đứt quai mường Ống”, địa danh đứt này thuộc đồi Lai Ly, Lai Láng, mường Ai nay thuộc xã Văn Nho, Kỳ Tân; mường Ống thuộc các xã Điền Trung, Điền Quang huyện Bá Thước, nơi có dãy Pù Luông quanh năm mây phủ và dòng Mã giang hùng vĩ, cuồn cuộn đổ về xuôi. Bởi vậy, người Mường Thanh Hoá từ bao đời nay rất trân trọng và tự hào với di sản văn hoá – xường của các thế hệ cha ông truyền lại: Đất thì xường, mường thì rang/ Kẻ Chợ, Mường Ngoài còn đang có tiếng, cả một vùng Mường quê Thanh nơi đâu cũng cất cao khúc hát tâm tình.
Hát Xường – dân ca tiêu biểu của người Mường |
“Xường” của người Mường khi hát giao duyên chủ yếu là về đêm. Môi trường và không gian diễn ra trên ngôi nhà sàn. Nam ở gian ngoài, nữ ở buồng trong, có bếp lửa hồng và ngọn đèn dầu. Người ta còn gọi đó là áng Xường. Đến với áng Xường còn có nhiều trai gái người đứng tuổi ngồi nghe thưởng thức. Ở đó đôi trai gái lấy lời hay ý đẹp, giọng tốt để trao đổi tình cảm. Có nhiều “bạn đôi Xường” hát với nhau cả đêm còn chưa thấy mặt. Đó là các trường hợp trai, gái mường xa đến chơi, giữa chủ và khách cùng hát với nhau. Trong hát đối của các đôi nam nữ, tùy thuộc vào tài năng của chàng trai, cô gái mà lời hát là những câu hỏi ý tứ sẽ thể hiện được thái độ vui vẻ, giận hờn, trách móc hay nũng nịu, đằm thắm. Chính vì vậy, các chàng trai thường trổ hết tài năng của mình khi học hát xường.
Nhìn chung ở cái ngày xưa ấy, con trai, con gái lớn lên cùng với công việc đồng áng, nương rẫy, cày cấy, chăn tằm, con trai phải lo học thổi sáo, đàn môi, học Xường, con gái lo thêu dệt và học Xường. Không hát Xường được, không dám đi chơi xa và cũng không có bạn bè. Hát Xường trở thành một sinh hoạt, một nhu cầu và một đam mê tất yếu của người Mường, nhất là ở lớp trẻ.
Trong các loại dân ca Mường, hát “Xường” không dễ, nhất là loại Xường gốc “Xường cân” (trừ loại Xường tự do). Bởi vì loại Xường gốc, Xường cân bản thân nó đã có cấu tứ riêng biệt chặt chẽ. Nó đòi hỏi người hát phải tuân theo các bước, các cung và các bậc nhất định. Trong các bậc của Xường lại có “dắt hoa” (cái Wa), “theo tiếng chim” (pẳt siềng chim) đôi khi trong một bậc lại có “rẽ ngang, dán cách” (T,reẻ Zán) hoặc giam bậc, chài ra (xán xa) nghĩa là một bên muốn nhanh lên bậc trên, nhưng một bên lại muốn giữ lại, ghìm lại, đòi hỏi “đôi bạn Xường” phải gỡ, gỡ ra được mới là tay cao Xường. Tương tự như vậy ở cung đầu, mặc dù bên khách đã có thể bằng lòng cùng nhau hát Xường đêm nay “cho vui áng” hát “cùng nhau cho rạng đêm”. Nhưng khi vào cuộc là “đối tác” (nhất là bên nữ) không phải đã dễ hát ngay. Muốn bên nữ (khách) hát thì bên nam phải có Xường chào, hỏi, mời hát. Mời chưa hát thì nài, nài không được thì dỗ, dỗ không được thì khích:
Em có cồng vui sao em không gióng
Em không gióng nhiều cũng nên
gióng ít
Dẫu em tiếc, em kẹt cũng gióng vài dùi
Thử xem âm thanh còn vui hay đã
mất tiếng!?
Kết thúc cuộc Xường có thể là một đêm có thể là ba đêm. Buổi kết thúc có khi họ đã mê nhau thì họ hát Xường thề, nhưng phổ biến là Xường tiễn biệt với lời thương nhớ quyến luyến, nhắn gửi:
“Xường” của người Mường, nhất là Xường bậc có vị trí lớn trong văn hóa dân gian Mường. Nó làm cho tiếng Mường trở nên trong sáng, làm cho tâm hồn Mường trở nên phong phú và nâng cao giá trị nhân văn trong văn học dân gian Mường. Nó có giá trị đóng góp vào nền văn học dân gian của các dân tộc Việt Nam.
“Xường” Thanh Hóa có thể phân làm các loại sau:
Xường tự do và Xường cân, còn gọi là Xường bậc. Xường tự do thường là thể hiện sự cảm xúc tản mạn về nhiều mặt của cuộc đời, thân phận con người. Xường tự do là hình thức “độc” diễn phản ánh mọi sắc thái tình cảm của cư dân Mường trong cuộc sống, người hát tự do sáng tác hoặc hát theo lời ca có sẵn được trao truyền trong cộng đồng
Xường bậc là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ, có thể thức, cung cách riêng, người hát có tài ứng đáp và giọng hát truyền cảm, có sức lan toả và lay động tâm hồn. Xường là làn điệu hát dân gian, được dùng để ca ngợi, phản ánh tâm tư tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, để trai gái tỏ tình, làm quen với nhiều hình thức đa dạng. Xường có nhiều loại: xường chúc, xường kể, xường Đang, xường trai gái – giao duyên.
Xường bậc có quy mô lớn, dài hơi hơn, có quy củ, căn cốt hơn. Ở đó có các bước, các cung bậc. Có thể thấy ở loại Xường này có hai cung rõ rệt. Cung đầu có thể gọi đó là cung mở đầu để đi vào Xường bậc. Người Mường gọi đó là cung “lượn áng”. Cung này thường thấy có các bước: Xường chào hỏi, Xường mời, nài, Bước chân ra đi, Ngoái trông, Khen đất khen mường, Khen giàu có, Đánh thức Xường, Sự tích Xường, Trồng bông trồng hoa, Trồng Kè, Mở đường. Như vậy ở cung đầu này cũng đã ít nhất có 11 bước, từ Chào hỏi cho đến Mở đường. Mở đường (Phảt Khà) được biểu tượng như là mở đường cho đường vào đêm hát, đường tình, đường nghĩa. Khi đã phát được đường, bắc được cầu: “Nên lối em đi nên đường anh lại” thì Xường chuyển sang cung thứ hai là “lên bậc”.
Xường có cung có bậc thì đã rõ, nhưng có bao nhiêu bậc? Dân gian bảo rằng có 12? Cũng cần làm quen trong FolKlore con số ít khi là con số số học, phần lớn đều là con số ước lệ. Đừng vội tin rằng con số 3, số 9, số 12, 18 và 36 là con số chính xác. “Mười hai bà mụ”, “mười hai bến nước”, “ba mươi sáu chước”… đó chẳng qua là để nói số nhiều mà thôi. Cho nên nói Xường có 12 bậc cũng theo kiểu cách đó. Nhưng nhiều bậc trong đó thì đã rõ. Tên của các bậc đều là tiếng Mường cổ mang tính tượng hình theo một chiều cao dần phù hợp với cung bậc tình yêu hoặc gợi lên một cái gì cụ thể. Bậc 1 có tên “góp nhặt” (cu nhu cỏp nhỏp), ở đây là sự tìm tòi, gom góp, nhặt nhạnh những ý hay lời đẹp để hát Xường với nhau. Các bậc có tên tiếng Mường mang tính gợi hình: Lêu lao lên lồm, poong soong poót soót, Zờm Zờm, Zằng Zắng… Cách hát, còn có thể gọi là trình diễn ở mỗi bậc đều có gài hoa (cái Wa) theo tiếng chim (pẳt siềng chim) khác nhau. Đôi trai gái hát với nhau đều phải theo “căn cốt” của Xường có đối có đáp nhưng lại phải có vận dụng, sáng tạo “theo nó mà vượt lên nó”. Đó mới là người giỏi Xường. Cung bậc, căn cốt không làm hạn chế sự sáng tạo của người hát Xường.
Xường chúc thường được sử dụng trong những ngày vui như vào dịp năm mới, cầu chúc cho: Dưới sân lắm trâu nhiều bò/Trên nhà nhiều lúa chăm, lúa nếp… Có nhiều con trai/Có nhiều con gái/Con trai đan lưới gian ngoài/Con gái dệt vải gian trong… cuộc sống sung túc, an lành, mạnh khỏe, chúc về nhà mới, chúc mừng đám cưới, đứa trẻ chào đời… Xường kể (mo) thường hát khi có chuyện buồn trong tang ma. Xường kể về sự ra đời của vũ trụ, con người, muôn vật, lời dặn của người mất đối với gia đình, làng nước, niềm thương xót, nhớ nhung không quên đối với người đã khuất khi từ biệt cõi đời…
Trong số các loại xường thì xường trai gái là hình thức phong phú và có nhiều bài hát nhất. Xường trai gái là các bài ca trao duyên, trao tình giữa một bên là trai thanh và một bên là gái lịch, thông qua lời hát để bén duyên nhau mà nên chồng vợ. Xường trai gái là lời hát cất lên từ trái tim rạo rực thương yêu, không phân biệt địa vị cao thấp trong xã hội hay hát xường vì vật chất.
Xường giao duyên chủ yếu là hát về đêm: Đêm nay anh lắng em xường/Nghe chưa liền anh đường cố chấp/Em xường chưa liền khúc anh chớ có cười/Hát “cho vui áng” hát “cho rạng đêm”. Môi trường và không gian diễn ra trên ngôi nhà sàn, còn gọi đó là áng xường. Trong những cuộc hát xường thường có đầy đủ trà nước, trầu, thuốc lào… mọi người dùng chung và đèn đuốc cũng được thắp sáng để tiện cho việc trai gái có thể nhìn mặt chọn bạn tìm hiểu lẫn nhau… nam ở gian ngoài, nữ ở buồng trong. Đến với áng xường còn có người già và trẻ nhỏ ngồi nghe thưởng thức. Hát xường diễn ra giữa trai gái trong làng hay từ mường xa đến chơi, giữa chủ và khách cùng hát với nhau.
Với xường giao duyên, thường trong cuộc hát có hai bước chính là “lượn áng” và vào bậc. Bước thứ nhất có các chặng đó là xường chào và xường mời. Xường chào là lời chào khách của chủ, thăm hỏi, thể hiện sự kính trọng lịch sự và lễ độ giữa chủ và khách. Xường chào thường mở đầu bằng những lời hỏi thăm quê quán:“Em từ cửa nhà đi ra chơi áng/Em đi đến nơi Cun Khang bán đất/ Em đi khuất chỗ Cun Khang bán đạo/ Em ở đất mường nào lắm cun nhiều quan?… Xường mời thông thường bên chủ mời bên khách hát xường, nếu chủ mời không được thì chủ nài nỉ khách. Chủ đã hát xường nài rồi mà khách vẫn chưa chịu hát thì phải dỗ, tiếp tục nài và dỗ bằng được cho đến khi khách lên tiếng để rồi cả hai bên cùng nhau đối đáp với lời hát vừa thăm dò vừa khiêm nhường, ý nhị:
Nữ: Em xường chưa liền anh
đừng cố chấp
Em xường chưa liền khúc anh
chớ có cười
Nam: Lắng xường em nói chưa liền
anh đâu dám chấp
Xường em chưa liền khúc
anh đâu dám chê…
Xường “lượn áng” là khúc dạo đầu của cuộc hát xường, chưa gửi lời thương trao lời nhớ, nhiều khi tuy chỉ mới là lời hát chào mời mà đã thâu đêm suốt sáng.
Bước hai của xường giao duyên là xường lên bậc: Xường đã có căn có cốt/Tìm đặt câu đẹp lời hay/ Để đêm nay ta lên chơi xường bậc… Xường có nhiều bậc và thường cho là 12 bậc ứng với mười hai tháng của một năm và phải hát tuần tự: Bậc một gọi là “cu nhu cọp nhọp” thể hiện sự tìm tòi, thu lượm những lời hay ý đẹp để trao duyên trao tình với nhau. Các bậc tiếp theo là: Zờm Zờm, poong soong poót soót, Zằng Zắng, lêu lao, lên lồm,… Cách hát ở mỗi bậc đều có gài hoa (cái wa) để lên bậc, trong mỗi bậc lại có phần phát triển “trẻ zán” khác nhau làn cho cuộc hát thêm sinh động và hấp dẫn. Trai gái hát đối đáp với nhau đều phải tuân thủ theo quy tắc của xường vừa phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với chủ đề, cách thức mà người hát đối với mình đưa ra.
Thông thường, cuộc xường có thể là một đêm, cũng có khi là ba đêm. Khi kết thúc có xường thề, xường dặn, và xường tạm biệt. Xường thề, xường dặn thường kết hợp với nhau, còn xường tạm biệt hát sau cùng với lời hát gửi thương, gửi nhớ, thiết tha sâu nặng: Ước chi ta đi củi chung một vác/Đi nác chung một giếng/Náu nướng chung một bóng râm/ Trời mưa lam thâm đội chung nón kín…, đến lúc chia xa thì: Em về chốn xa đất xa mường/Anh gửi em nón trắng đi đàng/ Gửi em trầu nang ăn sá… và cùng hẹn nguyền kết tóc, xe tơ: Muốn cho tiện nẻo đi về/Anh sang làm rể em về làm dâu…
Như vậy ta thấy ở các cuộc hát “Xường” nổi lên ở hai điểm, đó là cuộc sinh hoạt văn hóa: thi hát lời hay giọng tốt, đối đáp thông minh và quan trọng là đôi bạn tình tìm đến nhau bởi cảm mến vì tình.
Khác dân tộc Thái, dân tộc H'mông có tục bắt vợ, hay tục ngủ thăm của một số dân tộc phía Bắc thì tục tìm bạn đời của người Mường, Thanh Hóa trước đây lại mang một màu sắc khác. Hát “Xường” phải luôn được sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh, tình cảm của người hát.
Nguồn: dantocviet