Đây cũng được xem là lần đầu tiên, một loại hình nghệ thuật của vùng đất Nam bộ được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Có mặt từ rất sớm tại lễ trao bằng công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành Di sản phi […]
Đây cũng được xem là lần đầu tiên, một loại hình nghệ thuật của vùng đất Nam bộ được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Có mặt từ rất sớm tại lễ trao bằng công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành Di sản phi vật thể của nhân loại , GS.TS Trần Văn Khê đã xúc động chia sẻ cảm xúc vui mừng của mình trước sự kiện ý nghĩa này. Song song đó, GS.TS cũng cho rằng, sự kiện này sẽ góp phần “đánh thức” thế hệ trẻ ngày nay không bỏ quên những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc mình. Tuy nhiên, GS.TS cũng bày tỏ lo ngại rằng, dù Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại nhưng trong cuộc sống hiện đại bây giờ, điều quan trọng vẫn là sự ý thức và chung tay giữ gìn, phát huy của giới trẻ, làm thế nào để loại hình nghệ thuật mang đậm tính văn hóa sông nước miệt vườn này không bị biến chất.
Thực tế cho thấy, mặc dù Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật đã hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, sau đó đã được người dân vùng Nam bộ gìn giữ và phát huy qua bao đời. Đờn ca tài tử cũng đã được một số tỉnh ở Nam bộ quy hoạch đưa vào phục vụ du lịch, đặc biệt là các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi cuộc sống ngày càng hiện đại thì giới trẻ lại càng ít quan tâm hơn đến những loại hình nghệ thuật như thế này.