Tue, 04 / 2013 4:04 am | helios

Không biết từ bao giờ cây khèn đã gắn với quan niệm sống, văn hóa sống và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mông. Chiếc khèn trở thành cầu nối giữa tràng trai và cô gái Mông. Ảnh: Internet Cây khèn của đồng bào Mông có từ […]

Không biết từ bao giờ cây khèn đã gắn với quan niệm sống, văn hóa sống và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mông.

Chiếc khèn trở thành cầu nối giữa tràng trai và cô gái Mông. Ảnh: Internet

Cây khèn của đồng bào Mông có từ khi nào đến nay vẫn còn chưa rõ. Nhưng truyền thuyết của người Mông kể rằng: ngày xưa, một gia đình nọ có 6 anh em, ai cũng hát hay, sáo giỏi. Lúc chưa lập gia đình, tiếng sáo của họ khi thổi cùng nhau lúc vi vút, xào xạc như cây rừng gặp gió, lúc véo von tựa chim trên đỉnh núi cao, lúc lại ào ào như thác đổ. Những dịp hội hè, họ đều đến thổi sáo giúp vui. Sau này, khi họ có gia đình, những lúc không hợp đủ cả 6 người, tiếng sáo trở nên lạc điệu. Họ bèn bàn nhau chế tác ra thứ nhạc cụ hợp nhất nhiều thứ. Người anh cả nghĩ ra cái bầu, anh thứ hai nghĩ ra ống thổi dài, 4 người còn lại nghĩ ra những ống thổi tiếp theo. Tất cả là 6 ống, thay cho 6 anh em. Lạ thay, thứ nhạc cụ lạ lùng ấy khi hoàn thiện, thổi lên tạo ra nhiều tầng âm thanh có sức quyến rũ kỳ lạ vật đó trở thành chiếc khèn Mông ngày nay.

Vật liệu để chế tạo nên cây khèn Mông chủ yếu là tre nứa và gỗ lấy trong rừng. Cấu tạo của một chiếc khèn Mông khá đơn giản, bao gồm 5 ống tre con và 1 ống cả dùng để ghép nối các ống con. Người ta chọn những nhánh tre già, đem vuốt cho sạch mắt và hong trên gác bếp từ 2 – 3 tháng. Sau đó mang xuống thông mắt và đục mỗi ống 1 lỗ nhỏ bằng nhau ở đầu ống khèn. Ống khèn cả được làm bằng gỗ xoan hoặc gỗ pơ-mu tiện nhẵn mặt ngoài và đục rỗng ruột bên trong, dùng mũi dao nhọn khoét các lỗ để ghép 5 ống con vào tạo thành hình dáng của khèn.

Trong chiếc khèn Mông, bộ phận quan trọng nhất là chiếc lam đồng nằm bên trong các ống khèn. Đây được coi là thanh quản của khèn. Trước kia, người Mông thường dùng kim loại đồng để tán mỏng, sau đó cắt nhỏ và ghép vào các ống khèn. Ngày nay, họ đã có những chiếc lam đồng đã được chế tạo sẵn, sau đó chỉ việc dùng dao rạch một đường nhỏ để lắp vào các ống khèn. Việc ghép nối các ống khèn con với ống khèn cả phải khít vào nhau, không để không khí lọt vào trong, như thế âm thanh của tiếng khèn mới đảm bảo độ vang.


 

Vật liệu để chế tạo nên cây khèn Mông chủ yếu là tre nứa và gỗ lấy trong rừng. Ảnh: Internet

Trải qua bao thời gian, thay đổi của cuộc sống, nhưng tình yêu và sự gắn bó của người con trai Mông với cây khèn vẫn vậy. Tiếng khèn tìm bạn của các chàng trai Mông không chỉ khiến các cô gái Mông nghe thấy phải đỏ mặt làm duyên, mà còn phải say đắm để rồi không thể kìm lòng mà tự nguyện xòe ô xoay tròn theo vòng múa nhịp nhàng, khỏe khoắn nhưng không kém phần duyên dáng, tình tứ. Những giai điệu ấy còn đánh thức tiếng lòng của bất kỳ ai từng nghe xem một lần.

Tình yêu của người Mông là vậy, bắt nguồn từ tiếng khèn thật giản dị nhưng cũng vô cùng lãng mạn, tạo nên những đêm tình yêu đắm say mà không kém mãnh liệt. Đó là nét văn hóa trữ tình độc đáo trên những vùng đất rẻo cao với những đêm huyền diệu của tiếng khèn, đêm thổn thức của tiếng lòng, đêm của những khát khao mang vị ngọt ngào của tình yêu – tình bạn; chất chứa trong đó là những cảm xúc thiết tha, bồi hồi mà rạo rực của những chàng trai cô gái người Mông trong những vũ điệu xoay tròn quấn quýt bên nhau.

Giờ đây, Khèn không chỉ là nhạc cụ thân thiết, gần gũi  với chàng trai Mông mà mặc nhiên trở thành nét biểu trưng cho văn hóa Mông trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam


Nguồn: cinet.gov.vn

Bài viết cùng chuyên mục