Fri, 03 / 2014 7:02 am | trinhtram

Nhiều nhà dân tộc học cho rằng, áo vỏ cây là trang phục cổ xưa nhất của người Vân Kiều còn lại đến bây giờ, phản ánh sự sáng tạo độc đáo của con người trước cuộc sống gắn liền với ngút ngàn với rừng cây, núi đá. Độc đáo áo vỏ cây của người […]

Nhiều nhà dân tộc học cho rằng, áo vỏ cây là trang phục cổ xưa nhất của người Vân Kiều còn lại đến bây giờ, phản ánh sự sáng tạo độc đáo của con người trước cuộc sống gắn liền với ngút ngàn với rừng cây, núi đá.

Độc đáo áo vỏ cây của người Vân Kiều

 

Công phu “thợ may”

Làm được một chiếc áo bằng vỏ cây rất công phu. Đầu tiên phải chọn người thợ khéo tay vào rừng bóc vỏ cây pi. Người Vân Kiều không đốn cả cây pi, mà chỉ dùng rựa đẽo quanh thân cây một vòng tròn để lấy vỏ cây đập dập cho mềm.

Ở nhà, người trong gia đình nấu sẵn một thùng nước có thêm các gia vị như lá mía, cây sả, củ gừng (mỗi loại từ 1kg đến 2kg). Vỏ cây được bỏ vào thùng nước sôi ấy rồi đem ngâm trong thời gian 10 ngày cho mủ độc thải ra hết. Ngâm xong, vỏ cây pi được đưa ra phơi sương, phơi nắng trong vòng 7 ngày đêm. Phơi xong, đem cất miếng vỏ cây vào chỗ khô ráo, sạch sẽ, đợi đến ngày 14 âm lịch mới đưa vỏ cây ra khâu áo.

Loại áo cổ xưa của người Vân Kiều

Thông thường, mỗi chiếc áo vỏ cây được thiết kế có ba thân. Hai thân trước và một thân sau. Áo được may theo kiểu cổ tròn, không có tay. Chỉ dùng để khâu áo làm bằng sợi mây rừng rất mảnh mai. Toàn bộ chiếc áo chỉ có hai đường khâu kín đáo ở hai bên nách. Mặt trong chiếc áo rất láng vì được mài nhẵn, mặt ngoài sần sùi. Tuy làm bằng vỏ cây nhưng loại trang phục này có đặc điểm mềm mại, rất dai, lâu rách, phù hợp mặc vào mùa đông. Người Vân Kiều dù là phụ nữ hay đàn ông đều thích mặc áo vỏ cây, họ xem đó là niềm tự hào.

Ngày trước, người Vân Kiều thường dùng loại áo này để đi săn bắt thú dữ, làm nương rẫy hoặc đối đầu với kẻ thù. Nhiều nhà dân tộc học cho rằng, áo vỏ cây là trang phục cổ xưa nhất của người Vân Kiều còn lại đến bây giờ, phản ánh sự sáng tạo độc đáo của con người trước cuộc sống gắn liền với ngút ngàn với rừng cây, núi đá.

Chỉ còn vài người biết may áo

Ông Hồ Tả Khư kể rằng xung quanh chiếc áo vỏ cây còn có nhiều điều rất bí ẩn, rồi buông giọng buồn: “Hiện nay chỉ còn một số ít người Vân Kiều biết được “công nghệ” làm áo bằng vỏ cây. Bởi vì ngoài việc phát hiện cây pi rồi đến công đoạn bóc vỏ, khâu áo là cả một quá trình gửi gắm tâm hồn của người khâu áo đến với chiếc áo, điều mà được người Vân Kiều xem như là tâm linh của dân tộc mình”. Vì thế không phải người bình thường nào cũng may được áo vỏ cây. Nên áo vỏ cây đã độc đáo lại càng khan hiếm, không phải dân tộc nào cũng có được.

Ông Lê Đức Thọ – Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị, một nhà nghiên cứu văn hóa – cho biết: “Áo vỏ cây được xem như niềm kiêu hãnh trong nghệ thuật trang phục của người Vân Kiều, là một lưu ảnh nguyên bản cuộc sống đầy huyền thoại của người Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn. Đây là bộ trang phục quý hiếm, có một không hai”.

Bài viết cùng chuyên mục