Toàn bộ trang phục của người Sán Dìu do chính đôi bàn tay người phụ nữ Sán Dìu nhuộm màu cho vải để có những màu sắc ưng ý. Đối với bộ trang phục phụ nữ người Sán Dìu, công đoạn nhuộm chàm mất khá nhiều thời gian, trồng cây chàm nhuộm vải cũng vất […]
Toàn bộ trang phục của người Sán Dìu do chính đôi bàn tay người phụ nữ Sán Dìu nhuộm màu cho vải để có những màu sắc ưng ý. Đối với bộ trang phục phụ nữ người Sán Dìu, công đoạn nhuộm chàm mất khá nhiều thời gian, trồng cây chàm nhuộm vải cũng vất vả, cầu kỳ.
Toàn bộ trang phục của người Sán Dìu do chính đôi bàn tay người phụ nữ Sán Dìu nhuộm
Người phụ nữ Sán Dìu đến nơi ở mới không quên mang theo hạt chàm giống. Chàm được trồng vào tháng 2 và thu hoạch vào tháng 7, tháng 8. Cây có thân, lá và quả nhỏ, trung bình đến khi thu hoạch cây cao khoảng 60-70cm, cây có nhiều quả nhỏ, quả có ở trên khắp thân cây. Sau khi thu hoạch về họ lấy cả thân cây bẻ gập làm 3 hoặc 4 lần cho vào vại sứ ngâm, cho đầy nước, ngâm trong vòng một đến ba ngày thì có thể vớt được, khi đó màu nước trong vại đã chuyển sang màu xanh, đen.
Sau một tuần thì bắt đầu thả vải vào ngâm. Đây là công đoạn thứ 2, vải nhuộm một lần có màu xanh lợt, dễ phai, nhuộm nhiều lần rồi mang phơi nắng, sắc xanh nhạt sẽ thẫm lại thành sắc chàm sẫm như màu của núi rừng. Vải đem nhuộm phải là vải tấm, dày, sợi chỉ bắt màu.
Tiếp đó lấy một ít vôi bột và tro bếp cho vào ca, cho nước vào khoắng rồi để cho nước vôi đó lắng, chắt bỏ nước đi và lấy vôi bên dưới ca cho vào nước chàm khuấy đều lên, đợi để cho nước lắng thì chắt bỏ nước trong đi, cặn còn lại trong vại sứ dùng để nhuộm vải, khi này nước có màu hơi vàng, đem phơi khô chất này sau dùng để nhuộm vải.
Để cho màu được bền đẹp lâu phai, người Sán Dìu lên rừng tìm cây chỉ thiên (chu chăm thoi), cây lau sau (bêng méo), cây dáp thanh (tạp thanh) và vỏ cây núc nác, cùng với củ nâu đỏ, sau khi tìm đủ mang về ngâm cùng cốt chàm khô, sau một tuần thì bắt đầu thả vải vào ngâm cho nước ngấm đều khắp tấm vải, sau đó vớt vải ra phơi trên hai thanh cây dài, vải nhuộm một lần có màu xanh nhạt dễ phai, cho vải vào ngâm lại nhiều lần nữa rồi đem phơi đến khi vải khô, nước chàm ngấm vào vải chuyển thành màu xanh đen, nhìn rất đẹp.
Công đoạn nhuộm vải là công đạo khá công phu và mất nhiều thời gian, từ khâu lấy hạt giống cây chàm về ươm trồng, đến chăm sóc cho cây lớn lên, rồi thu hoạch cây mang về lấy làm nguyên liệu nhuộm, nhưng có lẽ vất vả hơn cả là việc lên rừng tìm những cây thuốc rừng về chộn lẫn chất nhuộm để màu của những tấm vải nhuộm được bền lâu phai.
Nhuộm vải nói ra thì có thể đơn giản, nhưng đó là cả một sự học tập, rèn luyện những kinh nghiệm của những thế hệ đi trước. Qua nhuộm vải thể hiện sự khéo léo tỉ mỉ của những người phụ nữ Sán Dìu trong truyền thống nơi đây.
Khi tấm vải đã không còn là màu trắng mà đã chuyển sang xanh đen thì công việc đầu tiên cho việc tạo ra bộ trang phục là nhuộm vải đã hoàn thành, cùng với những tấm vải màu xanh ánh lên dưới ánh nắng mặt trời, những đôi bàn tay của những người phụ nữ cũng xanh màu chàm, đây là dấu ấn của những lần nhuộm chàm, những lần tô điểm cho bản thân, gia đình và xã hội.
Người phụ nữ Sán Dìu khi đã làm mẹ có nghĩa vụ dạy bảo con gái trồng chàm và nhuộm vải chàm. Người Sán Dìu đánh giá tài năng, đức hạnh của người phụ nữ thông qua khả năng nhuộm chàm. Trang phục của người Sán Dìu được hình thành theo tháng ngày nhọc nhằn của người phụ nữ. Đó là một tác phẩm nghệ thuật người Sán Dìu làm ra với sự cần cù, khéo léo góp phần tô điểm cho vườn hoa văn hoá các dân tộc.
Tóm lại, trang phục Sán Dìu thường có trang trí bằng chỉ màu, những nét thêu vừa đơn giản vừa cầu kỳ thể hiện những đường kim mũi chỉ khéo léo của người phụ nữ, trên trang phục với những cách ghép vải, ghép màu tạo nên sự độc đáo trong văn hóa của tộc người mình, thể hiện quan điểm thẩm mỹ riêng biệt, không phải là sự pha tạp của văn hóa tộc người khác.