Fri, 04 / 2013 3:49 am | helios

Do mực nước biển xuống thấp và cũng do phù sa của sông Cửu Long nên đồng bằng miền Tây Nam Bộ mới xuất hiện vào thế kỷ thứ V trước công nguyên. Trong khi đó miền Đông Nam Bộ hơn 5 nghìn năm về trước đã có cư dân sinh sống. Điều kiện địa […]

Do mực nước biển xuống thấp và cũng do phù sa của sông Cửu Long nên đồng bằng miền Tây Nam Bộ mới xuất hiện vào thế kỷ thứ V trước công nguyên. Trong khi đó miền Đông Nam Bộ hơn 5 nghìn năm về trước đã có cư dân sinh sống. Điều kiện địa lý, lịch sử của vùng đất trẻ trung cùng với cư dân đầy biến động đã hình thành đặc điểm của người Việt miền Tây Nam Bộ, miền đất hứa đa văn hóa trong vườn hoa đa dạng của dân tộc.

 
Ngày nay ở đồng bằng sông Cửu Long, đời sống tinh thần hướng ngoại, hiện thực, ưu thế thuộc về người Việt đa số, trong khi đời sống tâm linh, hướng nội, ưu thế vẫn thuộc về người Việt thiểu số. Tín ngưỡng hay tôn giáo của người Việt thiểu số thường là tín ngưỡng, tôn giáo ngoại nhập, có lịch sử lâu đời với hệ thống kinh điển vừa có tính tôn giáo vừa có tính triết học sâu sắc. Tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt đa số như Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ ân hiếu nghĩa…ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của tôn giáo của người việt thiểu số và nói chung đều xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XX. Có thể gọi đó là những tôn giáo “cập nhật”, có tính “tình thế”, thiên về “hành” hơn là “tu”, chủ yếu nhằm phản ánh và giải quyết nhu cầu đời sống tâm linh của người Việt Nam Bộ lúc bấy giờ. Phải chăng đời sống tâm linh của người Việt thiểu số có thể được xem như là chiều sâu của đời sống tâm linh của người Việt đa số.

1) Về đặc điểm của dân tộc thiểu số ĐBSCL.

– Người Việt thiểu số hay đa số biến động theo dòng chảy của lịch sử.

Trước hết hãy xem người Việt thiểu số ở đây là ai? Phải chăng họ vừa là “thiểu số” nhưng cũng vừa là “đa số”?

Hiện nay, người Việt thiểu số ở ĐBSCL có ba dân tộc chiếm tỷ lệ dân số đông nhất, đó là người việt gốc Khmer (1,3 triệu người), người Việt gốc Hoa (20 vạn người) và người việt gốc Chăm (1 vạn người)(Theo điều tra dân số 1999). Ngoài ra còn có những tộc người như Stien, Chơ rao, Mạ…

Ai là chủ nhân ban đầu của vùng đất hứa này? Cho tới nay không phải là không có người đặt đi đặt lại về vấn đề gọi là “nam tiến” của chúa Nguyễn. Người Hoa và người Chăm ở ĐBSCL từ trước đến nay vẫn là thiểu số, người Khmer hiện nay là dân tộc thiểu số (1,3 triệu/ 17 triệu dân ĐBSCL) nhưng trước đây vốn không phải là thiểu số. Họ vốn là chư hầu của người Chăm. Nhưng vào năm 612 – 628, họ đã đánh bại người Phù Nam và chiếm toàn bộ lãnh thổ của Phù Nam. Họ chia lãnh thổ thành hai vùng: Lục chân Lạp (Lào) và Thủy Chân Lạp (Căm pu chia và Nam bộ ngày nay) (từ 630 – 802). Sau đó Chân Lạp suy yếu dần. Từ năm 1623 nhân quan hệ thông gia hữu hảo với vua Châp Lạp Chey Chetta II, Nguyễn Phúc Nguyên được lập trạm thu thuế tại Sài Gòn. Năm 1658 Nguyễn Phúc Tần có công giúp Batom Reachea lên ngôi vua nên được cấp vùng đất Sài Gòn, Đồng Nai, Bà Rịa. Và cứ thế cuối cùng Nguyễn Phúc Khoát vào năm 1757 đã hoàn thành việc thôn tính hai địa điểm cuối cùng Châu Đốc và Sadec của Chân Lạp.

Như vậy, người Chân Lạp (hay Khmer) vốn không phải là dân tộc thiểu số. Còn người Chăm cũng vậy. Người Chăm vốn là cư dân của vương quốc Chăm pa. Vương quốc hình thành từ thế kỷ thứ 7 với lãnh thổ rộng lớn chiếm gần hết miền trung, bắt đầu từ dãy Hoành Sơn đến Ninh Thuận, Bình Thuận, bao gồm cả Tây Nguyên. Thời kỳ hưng thịnh nhất của vương quốc Chăm pa là vào thế kỷ thứ IX thứ X. Đến hế kỷ XI bắt đầu bị triều nhà Lý xâm chiếm. Năm 1069 vua Rudravarman (Chế Cũ) phải nhường ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính cho vua Lý Thánh Tông. Lần lượt về sau đó, năm 1306 Jayasimhavarman (Chế Mân) nhương hai châu Ô và Lý cho nhà Trần và được đổi thành Thuận Hóa (Thừa Thiên- Huế-Đà Nẵng). Lê Thánh Tông tiếp tục chiếm nốt Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận vào năm 1471.

Như vậy, người Chăm vốn không phải là dân tộc thiểu số. Hiện nay ngoài một vạn người chăm ở ĐBSCL ra, họ còn có hơn 60.000 người Chăm “gốc” Javat) ở Ninh Thuận, Bình Thuận và rải rác ở miền Đông Nam bộ.

– Dân tộc thiểu số ở ĐBSCL không phải là người bản địa.

Người Khmer và người Chăm vừa là dân tộc “thiểu số vừa là dân tộc “đa số”. Hơn nữa họ đều không phải là người bản địa ở vùng đất này. Kể cả người Hoa là dân tộc đông thứ ba sau Khmer và người Chăm, đều từ nơi khác di dân đến. Vậy ai lá người bản địa đầu tiên ở vùng đất này? Cho đến nay, vương quốc đầu tiên được biết đến ở vùng đất này là vương quốc Phù Nam. Vương quốc Phù Nam là do một nhân vật có tên là Hỗ Điền, chẳng biết từ đâu đến, “tiên dụng binh” bắn một mũi tên thần uy hiếp nữ chúa Liễu Diệp ở bản địa, sau đó “hậu dụng lễ” kết hôn cùng nữ chúa lập ra vương quốc Phù Nam. Bản thân người Phù Nam có lẽ cũng từ nơi khác đến. Phù Nam, Bơ Nam, Bờ Nông… có nghĩa là núi, cho nên thiên hạ ngờ rằng họ chính là người từ dãy Trường Sơn đến. Vậy có nghĩa là mọi người đều từ nơi khác đến, cho “biết đâu Hiệp Phố mà mong châu về”!

Từ đó có thể thấy rằng người Việt thiểu số ĐBSCL rất khác với dân tộc thiểu số ở các tỉnh Việt Bắc. Dẩu sao hai dân tộc Khmer và Chăm, không nhiều thì ít cũng vươn vấn về một thời dĩ vãng, mặc cảm vong quốc không thể hoàn toàn xóa bỏ. Cho nên phải tạo điều kiện để họ được thanh thản trong tâm hồn cùng làm chủ quê hương đất nước.

2) Đời sống tâm linh của người Việt thiểu số ĐBSCL.

Người Khmer, người Chăm hay người Hoa, hay người Việt, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng. Người Khmer tôn sùng Bà La Môn giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo tiểu thừa. Người Chăm chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn độ, Trung Quốc và cả Căm pu chia. Nhưng vào khoảng thế kỷ thứ X, người Chăm lại chịu ảnh hưởng của đạo Hồi do cư dân Pexic truyền sang. Từ thế kỷ XV về sau, hầu hết người Chăm đều theo đạo Hồi. Đặc điểm văn hóa-tôn giáo dĩ nhiên cần phải hiểu biết và cần được tôn trọng. Không những vậy mà ngay như bản thân mỗi dân tộc cũng không hoàn toàn giống nhau. Người Chăm chẳng hạn, cũng không phải không có những khác biệt. Người Chăm Bà la Môn khi nằm kiêng quay đầu về hướng Nam, còn người Chăm Paxe lại kiêng quay đầu về hướng Bắc.

Cả ba dân tộc Khmer, Chăm và Hoa đều có tryền thống văn hóa khác nhau, nhưng giữa họ cũng có những điểm chung. Điểm chung lớn nhất là cả ba dân tộc đều theo hoặc đã từng theo Phật giáo. Tuy nhiên, Phật giáo của người Khmer là Phật giáo Nam tông (tiểu thừa), có nghĩa là Phật giáo ở thời kỳ nguyên thủy. Do đó, Phật giáo tiểu thừa thường đan xen với Bà la Môn giáo và Ấn Độ giáo. Thậm chí ranh giới giữa chúng cũng rất khó phân biệt. Người Chăm đã từng theo Phật giáo cả tiểu thừa lẫn đại thừa. Nhưng về sau, từ thế kỷ thứ X lại chịu ảnh hưởng của Islam giáo. Hiện nay Islam giáo trở thành tôn giáo chính thức của người Chăm.

Có thể thấy tín ngưỡng thần quyền vẫn còn đậm nét trong đời sống tâm linh của người Khmer và người Chăm. Cho nên cũng như người Ấn Độ trước đây (bây giờ đã bắt đầu thay đổi), người Khmer và người Chăm thường chú trong đời sống tinh thần hơn là đời sống vật chất. Tin vào thuyết luân hồi quả báo cho nên hướng về thế giới bên kia, nhiều hơn là thế giới bên này. Đó là trở ngại lớn đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng bất cứ sự vật gì cũng đều có hai mặt.

Hiện nay, khoa học – công nghệ phát triển như vũ bão, đời sống vật chất, kinh tế ngày một nâng cao, đồng tiền lên ngôi, nhưng đời sống tinh thần, đạo đức lại có chiều suy giảm. Trong phát triển, trong thịnh vượng đã tiềm ẩn nguy cơ suy thoái, không bền vững. Suy giảm đến mức mà có người đã cảnh báo rằng nếu không kịp thời ngăn chặn thì nhân loại chưa chắc đã sống còn đến hết thế kỷ XXI. Ai bảo Nhật Bản không phải là đất nước công nghệ phát triển, mức sống vào loại cao nhất ở châu Á cũng như trên thế giới. Nhưng Nhật cũng là quốc gia có số người tử tử cũng vào loại cao nhất thế giới. Ai bảo nước Áo, kinh tế không phát triển? Nhưng tỷ lệ người tự tử ở Áo đứng vào hàng đầu ở Âu châu. Năm mối quan hệ mà nhân loại đang loay hoay chưa thể nào tháo gỡ được, đó là: quan hệ giữa con người và tự nhiên, quan hệ cá nhân và cộng đồng, quan hệ giữa cá nhân và cá nhân, quan hệ giữa thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài, quan hệ tự thân.

Chính cái mà thiên hạ đang thừa lại là cái mà ĐBSCL đang thiếu, còn cái mà thiên hạ đang thiếu lại chính là cái mà ĐBSCL đang thừa. Có người cho rằng ĐBSCL ngoài nông nghiệp và vị trí địa lý gọi là thế mạnh ra thì không còn thế mạnh nào khác nữa. Đó là cách nhìn ĐBSCL với nhãn quang kinh tế duy nhất. Có lẽ không phải hoàn toàn như vậy. Ngày nay làm kinh tế mà chỉ biết kinh tế là quá lôi thời rồi. Kinh tế không thể phát triển bền vững được nếu không đặt kinh tế trong quan hệ với văn hóa và môi trường.

“Thế mạnh” của người Việt thiểu số ĐBSCL trong đời sống tâm linh.

2.1 Văn hóa đạo đức “Thiện tâm”.

Chẳng phải trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, hàng hóa sản xuất ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao… nhưng hàng gian hàng giả cũng không ít, hàng kém chất lượng cũng rất nhiều, gian dối lừa đảo chẳng ở nơi nào, lúc nào mà lại không có. Chẳng phải xã hội đang cần chữ “tín”, đang rất cần làm ăn lương thiện đó sao? Chẳng có tôn giáo nào mà không khuyên răn tín đồ làm điều thiện tránh điều ác cả. Có lần tôi đến thăm một ngôi chùa ở Vĩnh Long, ở đấy người ta đang bốc thuốc từ thiện. Trên tường có ghi dòng chữ bình dị: “Một việc thiện dù khó khăn cũng không từ, một việc xấu dù nhỏ cũng phải tránh”. Tôi tin người dân ở đây có thể thực hiện điều đó một cách tự nguyện. Đạo Phật với tinh thần “từ, bi, hỹ, xả” (tứ vô lượng tâm), phổ cập trong dân chúng chứ không riêng gì tín đồ Phật giáo, cho nên “thiện tâm” luôn được đặt ở hàng đầu. Người ta có thể “qua mặt” luật pháp để làm những điều phi pháp, nhưng chẳng ai có thể “che dấu” được lương tâm của mình cả. Voltaire nói rằng nếu không có Thượng đế thì cũng nên tạo ra ra một ông Thượng đế ở bên trong của tâm hồn. Không riêng gì Phật giáo, Ấn Độ giáo, Bà La môn giáo, Hồi giáo… đều khuyên tín đồ làm điều thiện tránh điều ác mà ngay cả Nho giáo ảnh hưởng nhiều ở người Việt gốc Hoa hay người Việt di cư từ Bắc vào cũng luôn xem trọng việc “tu thân tích đức”. (Tích thiện chi gia tất hữu dư khương, tích ác chi gia tất hữu dư ương). Sở dĩ “thiện tâm” ở đây chất phác hơn, nghĩ sao nói vậy chứ không phải như “xã hội văn minh” thường hay “khẩu Phật tâm xà” là vì do môi trường, do điều kiện sống. Chẳng phải quan hệ giữa con người và tự nhiên quy định quan hệ giữa con người với con người đó sao? Phải vật lộn, chống trả với môi trường hoang sơ khắc nghiệt, con người trở nên dễ thân thiện với nhau hơn cũng là điều dễ hiểu. Cái tự nhiên cũng là cái siêu nhiên, “thiện tâm” là chuẩn mực đạo đức hiện thực ở thế giới bên này đồng thời cũng là chuẩn mực ở thế giới bên kia. Thuyết nhân quả mách bảo với họ về điều đó. Tuy nhiên họ không hoàn toàn giống như quan niệm của những người dân xứ chùa Tháp cho rằng những người tàn tật ở kiếp này là hậu quả của “ác tâm” kiếp trước. Có lẽ Nho giáo của người Việt đa số đã ít nhiều kéo họ về với thế giới bên này nhiều hơn là để họ siêu việt về thế giới bên kia. Tuy nhiên kinh tế thị trường cũng đã làm cho “thiện tâm” của họ đã “ít nhiều bay đi”. Hãy giữ gìn nó đừng để quá muộn.

2.2 Văn hóa “chúng sinh bình đẳng”.

Người ta thường nói đến tinh thần bình đẳng của Phật giáo. Chúng sinh ai cũng có Phật tâm và ai cũng có thể trở thành Phật. Giải thoát là việc của mình chứ không ỷ lại vào bất cứ ai kể cả Phật Thích Ca. Bình đẳng, tự do trong đời sống tinh thần không phải là điều kiện tốt để phát huy tài năng, để sáng tạo hay sao? Bình đẳng trong quan hệ xã hội thường tạo ra môi trường thân thiện, gần gũi, tương thân tương trợ. Người Việt ở Nam bộ, kể cả đa số lẫn thiểu số đều gọi nhau thân mật bằng số thứ tự trong gia đình chứ không phải bằng chức vụ hay cấp bậc.

Có điều là hướng phát triển, sáng tạo lại không phải là ở kinh tế, ở đời sống vật chất. Vậy tại sao không thể điều chỉnh cho thích hợp trong hoàn cảnh mới? Ân Độ là dân tộc có trình độ tư duy trừu tượng phát triển rất cao, nhưng đời sống kinh tế xã hội lại chậm phát triển là vì lý do gì? Người ta cho rằng Hông Công và Ấn Độ trước đây đều là thuộc địa của Anh, nhưng kinh tế Hồng Công lại phát triển hơn Ấn Độ chính là do nền văn hóa của hai bên khác nhau. Một bên thường hướng xuống đất còn một bên lại hướng lên trời.

2.3 Văn hóa “cận tự nhiên”.

Cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số ĐBSCL thường gần với tự nhiên hơn là với chính trị. Siêu nhiên, thần thánh trong đời sống tâm linh của họ là tự nhiên được siêu việt hóa. Thần quyền ở đây không gắn chặt với vương quyền như ở phương Tây thời Trung thế kỷ. Nói chung là họ ít bị vương quyền hay chính trị bóp méo trong đời sống tinh thần. Nói cách khác là họ bị tha hóa trong đời sống tâm linh chứ không bị tha hóa hoặc ít bi tha hóa trong đời sống chính trị. Tuy nhiên trong đời sống tâm linh họ cũng vẫn có thể tìm thấy đời sống trần tục. Thần Brahma là vị thần tối cao nhưng vẫn có những thói hư tật xấu chẳng khác gì người thường. Thần ham chơi, mê nữ sắc, thậm chí còn loạn luân nữa. Thần Brahma, visnu và Siva tuy ở vị trí cao nhưng thường hay tranh chấp với nhau, thậm chí còn ăn gian nói dối…

Những điều đó, dân tộc nào hình như cũng phải trãi qua, nhưng một khi đã qua rối thì chẳng bao giờ có thể quay trở lại. Không phải người lớn bao giờ cũng hơn em bé. Chẳng phải người ta thường kêu gọi hãy trở lai với đạo đức của em bé (anh anh nhi vị hài) đó sao? Một khi họ không đặt đồng tiền và quyền lực lên hàng đầu thì tự nhiên đối với họ vẫn có giá trị cao nhất. Hơn ai hết, họ chính là những vệ sĩ trung thành của giới tự nhiên.

3) Đời sống tinh thần và đời sống vật chất trong quá trình phát triển và quản lý xã hội phát triển.

Lê-Nin nhận xét rằng quan hệ giữa vật chất và ý thức có tính tuyệt đối ở tính thứ nhất và tính thứ hai, ngoài ra chỉ có tính tương đối.

Hiểu như thế nào về tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội? Nên nhớ rằng tồn tại xã hội và ý thức xã hội không có cái nào có trước cái nào có sau cả.

Sở dĩ ở thời đại Ánh sáng (Age Enleigtenment) sản xuất một ngày bằng 20 trước đó cộng lại không phải là kết quả của đổi mới “tư duy kinh tế” mà là kết quả của đổi mới tư duy về con người – chủ nghĩa nhân văn (humanism).

Con người làm ra tiền chứ không phải tiền làm ra con người. Con người làm ra tiền thì tiền đó không thể đưa con người vào quan tài được, nhưng nếu để tiền làm ra con người thì tiền cũng có thể đưa con người vảo quan tài.

Kinh tế không bao giờ có thể phát triển bền vững nếu không phát triển về con người. Chính vì không hiểu điều đó cho nên chỉ tiêu GDP ở ĐBSCL càng ngày càng tụt: 1993: 23%, 1996: 18,4%, 2000: 17,2%…

“Muốn có chủ nghĩa xã hội thì trước hết phỉ có con người xã hội chủ nghĩa”. Lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh ai cũng biết cả, nhưng có phải ai cũng nhận thức được đâu!

Phát triển xã hội ở ĐBSCL hãy bắt đầu từ nhận thức về con người, hãy đổi mới tư duy về con người chứ không phải đổi mới tư duy về kinh tế. Cũng đừng quá ư quan ngại về dân trí, về trình độ học vấn của đồng bào dân tộc thiểu số. Nào là 45% người ở lứa tuổi đi học không đến trường. Nào là tỷ lệ bỏ học rất cao: 14-17%… Đương nhiên trình độ nhận thức của đồng bào người Việt thiểu số, kể cả người Việt đa số chưa cao, nhưng cũng không nên quá bi quan về điều đó. Nhà Việt Nam học người Úc Philip Taylor cũng không đồng tình với cách nhận xét đó. Trình độ nhận thức thấp về người Việt đồng bằng sông Cửu Long mới chính là trở ngại lớn nhất.

Với đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số, tại sao không phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, văn hóa- nghệ thuật cận tự nhiên… Qua đó phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Phát triển về con người là cơ sở bền vững của phát triển kinh tế-xã hội. Ngược lại, thì kinh tế tăng trưởng một, xã hội sẽ xuống cấp hai. Hậu quả có lẽ không cần phải bàn làm gì.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Văn hoá phi vật thể người Việt miền Tây Nam bộ, 2010
Bài viết cùng chuyên mục