Mon, 05 / 2013 3:18 am | helios

Khu di tích danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách thành […]

Khu di tích danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long khoảng hơn 40 km, cách thị xã Uông Bí khoảng 14 km.

Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068 m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào Danh sơn đất Việt.

Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng, thông, đại, trúc, mai mọc ở hai bên đường toả bóng mát làm cho du khách thập phương quên nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo.

Hiện nay hệ thống cáp treo ở Yên Tử đã đi vào hoạt động, đưa du khách tới chùa Hoa Yên ở độ cao 534 m so với mực nước biển, nơi có hai cây đại 700 năm tuổi. Từ đây du khách tiếp tục leo núi, tới các ngôi chùa nằm rải rác trên đường đi tới chùa Đồng. Đường lên chùa Đồng du khách có cảm tưởng như đi trong mây. Gặp khi trời quang mây tạnh, từ đỉnh núi này, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp của vùng Đông Bắc.

Vào mùa xuân, khách thập phương thường đến Yên Tử rất đông vừa để hành hương, vừa để vãn cảnh. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng âm lịch và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch.

Ngay từ thời Lý, Yên Tử đã có chùa thờ Phật gọi là chùa Phù Vân và đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã tu hành đắc đạo ở đây. Nhưng Yên Tử thật sự trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một giáo phái Phật giáo đặc trưng của Việt Nam đó là phái Thiền Trúc Lâm và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh: Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330) vị tổ thứ hai của phái Trúc Lâm. Trong 19 năm tu hành, ông đã soạn ra bộ sách "Thạch thất ngôn ngữ" và cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trong nước với hàng nghìn pho tượng có giá trị, trong đó có những chùa nổi tiếng như viện Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên ở Đông Triều… ở trung tâm truyền giáo của Pháp Loa còn có Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254-1334) – vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm.

Sang đến thời Lê, Nguyễn thì Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam và được vua quan các triều đại quan tâm tôn tạo, sửa chữa nên khu di tích Yên Tử là sự kết tinh, sự hội tụ của nền văn hoá dân tộc với dáng dấp kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn của các thời đại.

 

Nguồn: tonghop

Bài viết cùng chuyên mục