Theo phong tục của người Mông, dù là cầu phúc hay cầu mệnh, gia chủ đều phải nhờ tới thầy cúng trong bản làm chủ hội, sắm vai nhân vật thay thế người trần giao tiếp với Tổ tiên hoặc thổ công. Thông thường, gia chủ tổ chức lễ hội Gầu Tào trong ba năm […]
Theo phong tục của người Mông, dù là cầu phúc hay cầu mệnh, gia chủ đều phải nhờ tới thầy cúng trong bản làm chủ hội, sắm vai nhân vật thay thế người trần giao tiếp với Tổ tiên hoặc thổ công.
Thông thường, gia chủ tổ chức lễ hội Gầu Tào trong ba năm liền, mỗi năm từ 3-5 ngày. Trong trường hợp chỉ làm một năm, lễ hội sẽ kéo dài tới 10-12 ngày. Ngay từ ngày 25-26 Tết, các chàng trai trong bản đã đi chặt tre để dựng cây nêu. Cây nêu được trồng ở một quả đồi thoai thoải hay ở một bãi đất bằng phẳng, rộng rãi mà gia chủ chọn làm trung tâm lễ hội. Trên ngọn cây nêu treo một bầu rượu, một miếng vải đỏ để kính báo với thần linh. Sự xuất hiện của cây nêu báo hiệu cho cả bản biết năm nay sẽ có gia đình tổ chức lễ hội Gầu Tào. Lễ hội Gầu Tào dù tổ chức ở một gia đình hay ở một số gia đình đều trở thành ngày vui chơi, thu hút sự tham gia của cả bản.
Chiều 30 Tết, đích thân gia chủ chuẩn bị lễ vật dâng cúng gồm: thịt lợn, bánh chưng, bánh dày, cơm, rượu, giấy bản…Thầy cúng lo việc cúng lễ ngay dưới gốc cây nêu để cầu Trời Đất, thần linh phù hộ cho gia đình gia chủ cầu được ước thấy, khoẻ mạnh, hạnh phúc, ăn nên làm ra, trồng trọt được mùa, chăn nuôi sinh sôi nảy nở. Từ mồng 3-5 Tết, thầy cúng cùng gia đình chọn ngày tốt, giờ tốt để mở hội Sau vài lời tuyên bố lý do mở hội của gia chủ, trai gái Mông trong các bộ y phục dân tộc rực rỡ sắc màu, vòng tay, vòng cổ lấp lánh cùng nhau hát những bài hát chúc tụng, ngợi ca bản mường, những bài hát vui, bài hát giao duyên tình cảm… Tiếp theo đó, hàng trăm người cùng nhau toả đi khắp các núi đồi, đường đi, những đồng ruộng cạn… Họ vui đùa, trò chuyện, chơi các loại nhạc cụ dân tộc như thổi kèn lá, sáo, khèn môi, kéo nhị, múa khèn…; các trò chơi dân gian như đánh quay, đẩy gậy…tạo nên không khí ngày hội hấp dẫn.
Thơ mộng nhất là những đám hát giao duyên của nam nữ thanh niên. Giữa lãng đãng mây ngàn gió núi, các chàng trai áo chàm quấn quít bên những cô gái váy áo rực rỡ sắc màu. Họ vừa hát vừa thi thố tài nghệ, vừa ước mong được tìm hiểu nhau để nên vợ nên chồng sau những đêm hội đầu xuân. Còn với khách xa gần, ai đến hội đều được gia chủ đón tiếp thịnh tình bằng những bát rượu ngô nồng ấm trong làn điệu khèn tha thiết, ân tình.
Cuộc vui kết thúc, thầy cúng thay mặt gia chủ tạ ơn Tổ tiên, Trời Đất, thần linh, xin phép hạ cây nêu, đốt giấy sớ, đem bầu rượu buộc trên ngọn nêu tưới khắp các hướng của đồi núi. Mảnh vải đỏ được gỡ xuống đem về treo ở cửa ra vào, ngụ ý cầu xin sự chở che của thần cửa. Gia chủ nhờ một đôi trai gái, một cặp vợ chồng khoẻ mạnh, giỏi sản xuất, đông con khiêng cây nêu về dựng phía sau nhà hoặc làm giát giường mong sớm có con, ngăn ma quỷ.
Nguồn: khampha