Sat, 05 / 2013 2:11 am | helios

Trong kho tàng dân ca và diễn xướng dân gian truyền thống của dân tộc, hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của quê hương đất Tổ Hùng Vương. Trải qua bao biến cố thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, nghệ thuật ấy vẫn mãi mãi trường tồn cùng […]

Trong kho tàng dân ca và diễn xướng dân gian truyền thống của dân tộc, hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của quê hương đất Tổ Hùng Vương. Trải qua bao biến cố thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, nghệ thuật ấy vẫn mãi mãi trường tồn cùng thời gian và khẳng định sức sống lâu bền với những giá trị nhân văn sâu sắc.

Hát Xoan còn có tên là "Khúc môn đình", là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng dựng nước (hơn 2000 năm trước Công nguyên). Ðây là loại hình dân ca lễ nghi, phong tục gắn với hội mùa, thờ thành hoàng, cũng như hát dặm, hát dô ở đồng bằng sông Hồng.

Thuở xa xưa người Văn Lang tổ chức các cuộc Hát Xoan vào mùa xuân, mở đầu cho múa hát để đón chào năm mới, không chỉ để vui chơi mà còn là để cầu Trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt và chúc tụng Vua Hùng. Xoan gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh.

Hãy cùng ngược dòng lịch sử để tìm về với cội nguồn của những điệu hát xoan mượt mà, mê đắm lòng người. Truyền thuyết xưa kể lại rằng: "Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sanh nở, đau bụng mãi mà không sanh được. Có một người hầu tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay, nên đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được. Vợ vua Hùng nghe lời, cho mời nàng Quế Hoa đến. Quế Hoa vâng theo lời triệu, đến chầu vua Hùng. Bấy giờ vợ vua Hùng đang lên cơn đau dữ dội, mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa vâng lời miệng hát, tay múa, đi qua, đi lại trước giường. Giọng hát trong vắt, khi cao, khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng say mê. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa không thấy đau nữa, hạ sanh được ba người con trai khôi ngô đẹp đẽ. Vua Hùng vui mừng khôn xiết và hết lời khen ngợi Quế Hoa, mới bảo nàng dạy múa hát cho các mỵ nương. Quế Hoa hát chầu vợ vua Hùng vào đầu mùa xuân nên các mỵ nương gọi lối hát ấy là Hát Xoan". Và những điệu Xoan mê đắm cứ thế được truyền khẩu qua các đời, trở thành một di sản phi vật thể đẹp trong lòng người dân đất Tổ.ads: tuyển sinh cao đẳng dược bộ quốc phòngxét tuyển học bạ THPT.     

Ngày nay, Hát Xoan chỉ thấy phổ biến ở vùng đất Tổ diễn ra vào mùa xuân, sau Tết Nguyên Đán. Mỗi phường Xoan giữ hát ở một số cửa đình nhất định. Tục giữ cửa đình cũng có ý nghĩa là tránh sự tranh chấp và dẫm chân nhau giữa các phường Xoan. Từ tục này đã dẫn đến tục kết nghĩa họ Xoan và người địa phương của đình sở tại. Tình nghĩa ấy rất được coi trọng. Xoan là tiếng hát làng chạ dâng thần linh cầu chúc, khấn nguyện thần linh ban phúc cho làng chạ với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…


Hãy cùng lắng nghe tiếng lòng của một người con đất Tổ khi xa quê hương vẫn đau đáu trong tim mình những điệu hát quê hương: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Dòng (nay là xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Làng tôi xa xưa chỉ một mầu tím hoa sim, mầu tím điệp trùng quanh những nương đồi gợi bao nhớ mong cho những người đi xa thương về miền đất khó. Đã bao nhiêu năm xa quê nhưng tôi vẫn nhớ về mầu tím ấy, nhớ những buổi chăn trâu tha hồ ăn sim chín, môi răng đứa nào đứa nấy cũng như được đánh một mầu son… Nhớ những đêm trăng theo mẹ ra giếng đình gánh nước, thả gầu va giếng đá ong… Và nhớ nhất là những buổi được theo Bác Cả sang xem làng bên vào đám hát xoan. Chiều khi ấy, khi tôi còn ngồi trên lưng trâu, đủng đỉnh tìm đường về nhà thì đã thấy Bác Cả khăn áo chỉnh tề, ra tận đầu ngõ đứng đón. Trông thấy tôi, bác vội mừng quýnh lên nhưng vẫn ra vẻ trách móc: "Bữa nay chú về muộn thế! mau cho trâu về chuồng rồi còn sang xem hội đám bên Kim Đức chứ…".

Chúng tôi đến Kim Đức khi làng xóm đã lên đèn… Thoảng nghe có tiếng trống như tiếng trống chèo giục người vào đám. Trên con đường làng, đây đó, những tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới của những đôi nam nữ. Tôi gặp cả những cụ ông, cụ bà tay dắt theo cháu nhỏ, không ai bảo ai cùng đi về hướng đình làng như ở đó có một sức hút nam châm kỳ lạ.

Bác Cả giục:

– Ta đi mau lên… Có lẽ đám đã bắt đầu rồi.

Mặc dù đã cố bước thật nhanh nhưng dường như chúng tôi vẫn đến muộn.

Sân đình Kim Đức chật kín người đứng ngồi. Ánh sáng đèn măng-sông chỉ soi đủ một không gian hẹp nơi chính giữa ngôi đình. Trong ánh sáng mờ ảo ấy, tôi thấy hai đào tuổi chừng mười sáu, mặc áo tứ thân mầu nâu non, thắt lưng tím hoa sim, bao xanh lá mạ, đầu vấn khăn điều, tóc bỏ đuôi gà thật là xinh đẹp đang múa hát cùng hai kép mặc áo the dài, quần lụa trắng…

Ngồi rồi dệt gấm thêu hoa

Thêu chim loan phượng

Ta bớ ru hời

Qua ngõ ta thêu…

Người quê tôi gọi hát xoan là hát cửa đình, bởi nghi lễ này chỉ được hát trong đình hay cửa miếu. Trước bàn thờ lung linh đèn nến và thơm ngát hương trầm… Hát xoan có từ bao giờ tôi không rõ, nhưng theo các cụ kể lại thì hát xoan có từ thời Vua Hùng: vợ Vua Hùng đau đẻ dữ dội chỉ có thể hết đau khi được nghe hát xoan. Lại có thuyết rằng: nàng Nguyệt Cư công chúa mắc cái bệnh "khóc lâu" cũng lại nghe hát xoan thì khỏi khóc… Dù là giả thuyết nào chăng nữa, thì hát xoan cũng đã giúp cho con người ta quên đi khổ đau mà vui sống giữa đời. Phải chăng mà vì thế, từ bao đời nay, hát xoan đã được coi là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng Đất Tổ? Chung quanh Đền Hùng, không chỉ có các xã Kim Đức, An Thái, hay Cao Mại, Đức Bác mới có hát xoan và thành lập phường xoan mà nhiều địa phương khác như An Đạo, Tiên Du, Tử Đà, Phù Ninh, Hữu Bổ… đều có hát xoan.

Hát xoan được trình diễn theo trình tự, gồm ba phần: mở đầu là phần nghi lễ tôn giáo, rồi ông trùm xoan vào khấn lễ thánh, hát bài nhập tịch – đây là bài hát khai mạc mời thần linh về hưởng lễ và nghe hát thờ, sau mới phần trình diễn các quả cách và hát hội. Đêm hát xoan thật sự là những đêm hội làng náo nức. Tại sân đình, già trẻ gái trai đều có mặt và người hàng tổng, hàng huyện cũng đến dự. Hàng quán bày ra, đèn đuốc nhấp nháy mọi chỗ, tiếng cười nói ồn ào. Khói hương, ánh lửa đèn và hơi trầu cay làm đậm thêm không khí hội hè đình đám.

Mải mê xem hát, tôi bỗng nhận ra là dường như có một hơi ấm đang len vào mình. Quay lại nhìn Bác Cả, tôi thấy chúng tôi đang đứng giữa rất nhiều người. Và hình như từ lúc nào, họ đã quên ranh giới giữa gái làng và khách lạ, tất cả nắm tay nhau lần theo tiếng hát của một đoàn xoan, tình tứ:

Huê lúa mùa này nó chưa nở

Để một mai nó nở, thiếp lại bẻ cho chàng

Sợ chàng chẳng yêu, sợ chàng chẳng dấu

Để huê nụ héo, huê hời huê hỡi là huê…


Những câu hát hội xoan cứ nối tiếp nhau như một liên khúc. Từ "Trống quân", "Mời trầu" đến "Xẻ ván bắc cầu" và "Giã cá" là những làn điệu dân ca xoan luôn luôn thay đổi. Trên sân khấu, các đào và kép cũng có thêm những chiếc nón nhị thôn bỏ quai thao duyên dáng hoặc là cổ quấn thêm khăn nhiễu điều hay lụa bạch… Họ như đã "nhập đồng". Múa và hát theo những tiết tấu âm nhạc khi khoan, khi nhặt với những cái liếc mắt đưa tình, với những cánh tay dập dình sóng nước thể hiện những động tác khỏe mạnh, sôi nổi nói lên sự hứng thú, vui nhộn của tuổi trẻ.

Bẵng đi một thời gian dài, tôi không còn được nghe hay xem hát xoan nữa. Nhưng cái đêm mưa phùn, đi theo Bác Cả sang làng Kim Đức xem hát xoan ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi đến tận bây giờ. Điều đó giống như một nguồn suối trong veo và mát mẻ mỗi khi tôi đi xa nhớ về quê mình – Đất Tổ”. (Nguyễn Xuân Ngọc)

Vâng, nghệ thuật hát Xoan đã đi vào tâm thức và có sức sống thật lâu bền trong lòng mỗi người dân đất Tổ là như thế. Lý giải nét đặc sắc tạo nên sức sống lâu bền cho hát Xoan, nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh tác động trực tiếp đến nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân thông qua các làn điệu hát Xoan. Và giải pháp đề ra nhằm giữ gìn, phát triển hát Xoan cũng đã được xác định rõ. Đó là phải nằm trong chiến lược giữ gìn, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc ở vùng đất cội nguồn này. Trong đó có việc khai thác yếu tố nội sinh của văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa khu vực với phương châm xã hội hóa. Có vậy, hát Xoan mới ngày càng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, thu hút ngày càng nhiều người hiểu hát Xoan, thích hát Xoan, yêu hát Xoan.

Tuy nhiên, cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, hát Xoan đang chịu những tác động tiêu cực của xã hội hiện đại. Trước nguy cơ bị mai một, di sản văn hóa hát Xoan cần được bảo tồn và giữ gìn một cách nghiêm túc. Vấn đề đặt ra hiện nay là việc bảo tồn và lưu giữ nó như thế nào để vừa phát huy được giá trị, vừa làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân?

Đề cập đến vấn đề giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật hát Xoan, GS Tô Ngọc Thanh cho biết: Chúng ta cần đầu tư kinh phí mua trang phục, đạo cụ liên quan đến hát Xoan; đồng thời phục dựng lại những di tích gốc để tạo không gian biểu diễn cho Xoan. Bên cạnh đó, việc đưa hát Xoan vào trường học và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân hát Xoan để khuyến khích họ duy trì và phát triển nghệ thuật hát Xoan cũng là một biện pháp thiết thực. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Vì vậy, bằng mọi giá chúng ta phải giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật hát Xoan để cho thế hệ mai sau nhận diện được một trong những tài sản tinh thần quý giá của ông cha.


Mô hình bảo tồn tốt nhất mà UNESCO đề xướng là bảo tồn trong cộng đồng-nơi diễn xướng của loại hình nghệ thuật dân gian đó. Bởi chính cộng đồng sở hữu di sản phải ý thức được giá trị sản phẩm văn hóa của mình để gìn giữ và phát huy nó. Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, muốn để Xoan duy trì và phát triển thì phải khôi phục được cả 18 làng Xoan trước kia. Ngoài không gian đình làng, một trong những cái thiếu dẫn đến khó khăn trong quá trình phục hồi di sản văn hóa phi vật thể, là chúng ta thiếu không gian văn hóa làng quê.

Và một niềm vui thật lớn lao vừa tới với của chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ – nơi sinh ra loại hình hát xoan – nói riêng và trên 80 triệu trái tim người VIệt Nam nói chung đó là, hát Xoan đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban Liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO được tổ chức tại Bali (Indonesia) vào ngày 24/11/2011 vừa qua. Với sự kiện này, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ xây dựng và triên khai các chương trình, kế hoạch cụ thể với tầm chiến lược dài hơi để bảo vệ, phát huy di sản hát Xoan”.

Tin rằng, với sức sống bền bỉ, sức lan tỏa mãnh liệt và lộ trình bảo tồn cụ thể, Hát Xoan sẽ mãi mãi trường tồn, không chỉ bừng sáng trong lòng mỗi người dân nước Việt mà còn của bạn bè khắp năm châu.

Một mùa xuân mới nữa lại sắp về trên mảnh đất quê hương, hòa chung trong không khí đón xuân, những người yêu Xoan lại cùng hẹn nhau trở về đất Tổ để được nghe những làn điệu mượt mà, mê đắm lòng người. Để lại được đắm mình trong bầu không khí xưa xửa xừa xưa, với những Xoan nương thuần nét "chân quê" với dáng áo nâu sồng, chiếc khăn mỏ quạ, chiếc quần nái đen… như những bông "hoa chanh nở giữa vườn chanh" bước ra từ thơ Nguyễn Bính. Và những trai làng chân chất, mạnh mẽ, chít khăn đầu rìu, quần thô áo mộc mà vẫn lộ rõ nét phong trần… Và những làn điệu giao duyên mọc mạc mà vẫn nuột nà, như chỉ khẽ chạm vào mà đã khiến những sợi tơ lòng xao xuyến trong ta cứ ngân lên, ngân lên…


Theo cinet

Bài viết cùng chuyên mục