Tue, 03 / 2014 10:11 am | buithiha

Bí quyết để làm ra những tờ giấy “giữ hồn dân tộc” sẽ bị thất truyền, mai một trong tương lai gần. Chỉ còn thoi thóp… Về thăm làng giấy dó nức tiếng một thời nhưng không còn nghe tiếng chày thậm thịch giã dó lúc nửa đêm, tiếng seo giấy dềnh dàng. Làng Dương […]

Bí quyết để làm ra những tờ giấy “giữ hồn dân tộc” sẽ bị thất truyền, mai một trong tương lai gần.

Chỉ còn thoi thóp…

Về thăm làng giấy dó nức tiếng một thời nhưng không còn nghe tiếng chày thậm thịch giã dó lúc nửa đêm, tiếng seo giấy dềnh dàng. Làng Dương Ổ (xã Phong Khê, huyện Yên Phong) giờ đã là khu công nghiệp giấy ồn ào với những nhà xưởng lớn chứa đầy đủ các loại giấy, xe tải chở giấy tấp nập trên đường làng.

Lang thang khắp làng, hỏi thăm mãi chúng tôi cũng đã tìm đến được nhà anh Phạm Văn Tâm – một trong hai nhà còn giữ được nghề làm giấy dó truyền thống.

Điều đầu tiên khách cảm nhận được đó là mùi hăng hắc thoát lên ở bể ngâm nguyên liệu và bể seo giấy. Giữa trưa nhưng vẫn có 3 công nhân đang miệt mài bóc vỏ dó. Ngừng tay ép giấy, anh Tâm trò chuyện với chúng tôi, và cứ thế câu chuyện về nghề giấy dó dần được mở ra…

Nghề giấy dó có nguồn gốc từ thời Tiền Lê và thực sự nổi tiếng khi gắn liền với tranh Đông Hồ. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi làng pháo Bình Đà còn thì đây chính là thời kỳ hoàng kim của giấy dó vì giấy dó được sử dụng để làm ngòi pháo. Tuy nhiên những năm trở lại đây khi ngành công nghiệp giấy phát triển mạnh mẽ thì nghề giấy dó đã bị mọi người dần quên lãng. Hơn nữa, nguồn lao động thực sự khan hiếm nên nghề giấy dó đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền.

Xưa kia làng Yên Thái và làng Nghĩa Đô (Hà Nội) chính là cái nôi của nghề giấy dó nhưng nghề ở 2 làng giấy dó này đã mất, nên Dương Ổ là làng giấy dó duy nhất ở nước ta còn tồn tại. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện tại ở làng Dương Ổ chỉ còn có 2 nhà làm nghề giấy dó thủ công. Số người còn làm được giấy dó cũng chỉ còn 15-20 người, chủ yếu là người già. Các hộ còn lại chẳng ai còn làm giấy dó mà chuyển sang làm giấy công nghiệp. Vì thế nguồn nhân lực chính là bài toán khó mà nghề giấy dó đang phải tìm hướng giải.

Để làm được nghề giấy dó phải ít nhất có 10 năm kinh nghiệm, bản thân anh Tâm cũng học nghề từ năm 14 tuổi và trải qua 31 năm trong nghề mới tự mình làm ra được những tờ giấy dó đẹp. Hơn nữa thu nhập từ làm giấy dó thấp hơn rất nhiều so với làm giấy công nghiệp.

Tính ra mỗi ngày nhà anh Tâm làm được 300 tờ giấy to với giá mỗi tờ là 10.000 đồng. Trong khi đó, tiền trả lương công nhân 2,5 triệu đồng/người/tháng, rồi trừ chi phí nguyên liệu, tính ra một tháng vợ chồng anh cũng chỉ thu về tầm 6 – 7 triệu đồng. Trong khi đó, một thanh niên tốt nghiệp THPT xong đi làm công nhân ở các khu công nghiệp cũng có lương được tầm 5 – 6 triệu đồng mà không phải thức khuya dậy sớm.

Chị Nguyễn Thị Xuyên- người seo giấy thuê cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng làm giấy dó nhưng nghề truyền thống này đã chấm dứt bởi anh em trong nhà chẳng ai muốn nối tiếp nghề của cha mẹ”.

Chị Xuyên bảo, có theo nghề mới thấy hết nỗi vất vả cực nhọc, cả ngày nhúng tay trong bể nước, mùa hanh khô hai bàn tay nứt nẻ chảy máu, mùa hè thì nước ăn mòn hết các kẽ móng. Do vậy rất ít người còn nặng lòng với nghề giấy dó. Bên cạnh đó, nguyên liệu cho nghề giấy dó cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nguồn nguyên liệu để làm giấy dó phải mua từ Tuyên Quang, Hà Giang… nhưng việc khai thác cây dó tự nhiên đang dần cạn kiệt trong khi người dân trên đó không trồng thêm cây mới.

Cần lắm một chữ tâm

Hiện tại ở làng Dương Ổ chỉ còn có 2 nhà làm nghề giấy dó thủ công. Số người còn làm được giấy dó cũng chỉ còn có 15- 20 người, chủ yếu là người già.
Nguồn ra của giấy dó rất ổn định, các gia đình làm giấy dó trong làng Dương Ổ thường được người làng tranh Đông Hồ và Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đặt hàng với số lượng lớn. Đặc biệt, trong những năm gần đây giấy dó Việt Nam đã được xuất sang Pháp và Nhật. Tuy nhiên nghề giấy dó vẫn không thu hút được người làm.

Các nhà sản xuất giấy dó cho hay nhiều lúc rất muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng bế tắc vì không có nguồn lao động. Để níu giữ nghề, nhiều nghệ nhân giấy dó như anh Tâm, anh Hiến đã nghĩ đến chuyện dạy nghề cho các bạn trẻ trong làng, nhưng điều đáng tiếc là không có bạn trẻ nào chịu học nghề.

Anh Tâm thở dài: “Điều đáng buồn nhất hiện nay là đa số các bạn trẻ không biết đến nghề giấy dó thì hỏi sao các bạn trẻ lại chịu học nghề được. Ngay nhà tôi có 2 đứa con, ngày ngày được tôi chỉ dạy nghề mà chúng nó cũng không chịu học huống hồ là những bạn chưa biết đến nghề này”.

Trên thực tế, Bảo tàng Dân tộc học vẫn thường mời các nghệ nhân giấy dó ở làng Dương Ổ đi trình diễn, nhưng sau những buổi biểu diễn đó, giấy dó vẫn im hơi lặng tiếng. Gần đây nhất, ngày 9.3, Tổ chức Zó Project có mời anh Tâm đến giao lưu chia sẻ tại Triển lãm “Vũ điệu của giấy” ở Hà Nội, tại đây anh và vợ đã biểu diễn công đoạn seo giấy.

“Phải có một thế hệ yêu giấy dó mới giữ nổi nghề nếu không nghề giấy dó chắc chắn sẽ bị mai một trong 20 năm tới. Chúng tôi đây cũng chỉ cố “đánh đu” với nghề, được ngày nào biết ngày ấy” – anh Tâm nói vậy khi tiễn khách ra về.

Nguồn: vietbao

Bài viết cùng chuyên mục