Nguồn lương thực thực phẩm của các dân tộc ở Lào Cai đều bắt nguồn từ sản xuất nông nghiệp, khai thác tự nhiên và trao đổi hàng hóa. Lương thực chủ yếu của họ là gạo tẻ, gạo nếp, ngô, khoai, sắn, các loại đậu. Họ ăn cơm tẻ là chính, ngoài ra còn […]
Nguồn lương thực thực phẩm của các dân tộc ở Lào Cai đều bắt nguồn từ sản xuất nông nghiệp, khai thác tự nhiên và trao đổi hàng hóa.
Lương thực chủ yếu của họ là gạo tẻ, gạo nếp, ngô, khoai, sắn, các loại đậu. Họ ăn cơm tẻ là chính, ngoài ra còn có xôi, cơm nếp, cháo thịt, cơm lam và các loại bánh (thường làm trong dịp lễ tết). Bên cạnh đó, đồng bào còn dùng ngô đồ, ngô bung. Họ thích ăn nhiều loại gia vị như ớt, riềng, xả, gừng, hạt dổi, lá chanh…Thực phẩm là các loại rau, cá, thịt, trứng. Để chế biến và bảo quản thức ăn người ta thường ướp muối, sấy khô, hoặc rán chín ủ trong mỡ.
Các dân tộc Lào Cai có nhiều loại rượu như: rượu San Lùng Bát Xát, rượu ngô Bắc Hà, rượu mầm thóc Sa Pa, rượu cẩm, rượu sắn…Nước uống hàng ngày là nước đun sôi, nước lá vối, lá chè và cả nước lã. Người Giáy thì còn uống cả nước cơm, nước rau.
Bên cạnh những điểm chung, các dân tộc còn có nhiều nét khác biệt trong ăn uống.
Do quan niệm Bàn Vương là thủy tổ của người Dao nên họ không ăn thịt chó. Họ cũng kiêng ăn một số loại chim thú như: chim "nọ din" (sống ở các con suối) hay quạ, cóc. Vào ngày mùng 1 tết hoặc trong đám cưới, họ không ăn rau xanh. Người Dao rất thích ăn món canh đắng được nấu từ một số loại rau rừng và mật lợn. Giống người Xa Phó, người Dao thường ăn hai bữa chính vào buổi sáng và buổi tối. Khi đến mùa làm nương mới ăn ba bữa để đảm bảo sức khỏe.
Bữa ăn hàng ngày của người Giáy thường có món xào và món canh, khi có khách thì thêm món luộc, rán, trong tiệc cỗ thì có thêm thịt quay, khẩu nhục, xá xíu, canh thịt nạc. Đặc biệt, người Giáy còn có món xôi bảy màu, ngoài hương vị thơm ngon còn có ý nghĩa để ăn mừng chiến thắng khi đồng bào đánh đuổi được quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Khi uống rượu người Giáy không bao giờ uống cạn, úp chén xuống bàn hoặc cất chén sang chỗ khác vì theo quan niệm của họ, như vậy là không tôn trọng chủ nhà.
Thắng cố là món ăn đặc sản của người Hmông, được làm từ thịt lợn, thịt ngựa, thịt dê và các loại gia vị như hoa hồi, thảo quả, quế chi… Đây là món ăn được khách du lịch rất ưa thích và họ thường có câu cửa miệng "chưa ăn Thắng cố là chưa đến Sa Pa". Một số dòng họ người Hmông lấy họ là tên những con vật như họ Sùng (gấu), họ Hờ (khỉ), họ Lồ (lừa), họ Má (ngựa)…Vì vậy, họ Giàng kiêng ăn tim, họ Hờ kiêng ăn thịt khỉ, họ Lý kiêng ăn lá lách, họ Và lên rẫy không mang rau ớt để ăn cơm nắm…
Người Tày, trong đám tang họ kiêng ăn những gì ám chỉ đến bộ phận cơ thể con người như không ăn bánh tro (được coi như xương cốt), nhãn (được coi là con ngươi), bún (được coi là gân của người chết)…và một năm sau đó, những người trong gia đình người chết cũng kiêng ăn những thứ này.
Nguồn: dantri