Trước kia người Khơ mú không ăn tết Nguyên Đán, lễ cơm mới mặc dù tổ chức trong quy mô gia đình nhưng lại được xem như tết vui nhất của đồng bào. Khi lúa chuyển sang màu vàng rộ là thời điểm mà bà con tiến hành nghi lễ này. Ta dễ dàng nhận […]
Trước kia người Khơ mú không ăn tết Nguyên Đán, lễ cơm mới mặc dù tổ chức trong quy mô gia đình nhưng lại được xem như tết vui nhất của đồng bào. Khi lúa chuyển sang màu vàng rộ là thời điểm mà bà con tiến hành nghi lễ này.
Ta dễ dàng nhận biết gia đình nào đó đang làm lễ cơm mới bởi dấu hiệu kiêng kỵ hình mắt cáo (tà lè) cắm dưới chân cầu thang. Tà lè được cắm trên 1 cây sặt nhỏ cao khoảng 0,5m, cắm để cho các loại ma quỷ xấu nhìn thấy mà không dám lên nhà. Ngoài ra còn là tiếng đàn môi hay nhị của các cụ cao tuổi thổi khi đã ngà ngà say, là tiếng sáo, tiếng “thẳm đao” – một nhạc cụ độc đáo của thanh nam, nữ tú dưới sàn.
Để chuẩn bị cho nghi lễ này, sáng sớm hôm làm lễ khi còn tờ mờ sáng, người phụ nữ trong gia đình lên nương mang theo “Bem hót” một dụng cụ đựng thóc cùng gùi (y giăng) để tuốt thóc mang về. Trước khi tuốt lúa, người ta tuốt một vài hạt thóc lên một chiếc lá xanh để xin phép thần đất cho tuốt lúa, bà con tuốt lúa bằng tay, tay nắm vào bông lúa và tuốt lấy thóc, khi đầy bem thì đổ vào gùi, cứ như thế cho đến khi đủ lượng thóc đủ dùng trong lễ cơm mới.
Thóc được cho vào nồi luộc rồi đem ra phơi, nếu không có nắng bà con đem hong trên bếp lửa. Sở dĩ phải luộc vì lúa lúa này vẫn còn sữa. Khi thóc đã khô, bà con đem giã và sẩy lấy gạo. Khi sẩy gạo bà con làm một nghi lễ nhỏ đó là cho công cụ lao động “ăn” để cầu mong không bị đứt chân, đứt tay khi lao động. Bà con lấy tất cả cuốc, xẻng, dao, liềm, đá mài để lên một cái mẹt và sẩy cám, trấu lên đó. Gạo sau đó được ngâm qua rồi đồ thành xôi.
Lễ vật cúng bao gồm có xôi được đồ từ lúa mới, cá nướng, dưa chuột, chẩm chéo (một thứ nước chấm của người dân tộc).
Ở một số dòng họ như họ Quàng còn có gà tuy nhiên không phổ biến ở tất cả các dòng họ. Ngoài chuẩn bị lễ vật ra bà con còn chuẩn bị một con lợn để thiết đãi anh em, họ hàng đến dự chúc mừng thu hoạch lúa mới. Hàm dưới của con lợn được mổ bao giờ cũng được giữ lại để sau này con cháu có thấy được tình hình kinh tế mỗi năm, bởi hàm dưới to cũng nghĩa là năm đó mổ lợn to đồng thời với mùa màng bội thu.
Nghi lễ bắt đầu khi trời đã sẩm tối, bởi khi đó công việc chuẩn bị mới hoàn tất. Chủ lễ là người chủ nhà – thường là người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình – tiến hành tại gian thờ tổ tiên (Hrôi gang). Bàn thờ là một tấm phên đan rộng 50cm x 50cm được gác trên gác gian thờ, khi cúng chủ lễ lấy xuống và bầy các lễ vật lên trên. Lời cúng là những lời mời với tổ tiên: “bố ơi, mẹ ơi, hôm nay chúng con làm lễ mừng cơm mới, mời bố mẹ về ăn cùng nhé, rồi phù hộ cho năm tới lúa cũng tốt, con cháu được khỏe mạnh nhé”. Sau đó, ông nắm lấy một chút xôi, chấm vào chẩm chéo rồi bỏ ra góc bàn. Cứ như thế với các lễ vật còn lại, vừa làm ông vừa nói tên các lễ vật, sau đó ông rót 2 chén rượu, cuối cùng ông ăn một chút tượng trưng và bỏ những nhúm cơm lúc nãy ra góc gian thờ.
Kết thúc việc cúng lễ cũng là lúc chủ nhà mời tất cả anh em, họ hàng ngồi vào mâm cùng uống rượu cần và ăn cơm mới. Trước khi dùng bữa, các cụ cao tuổi bói đầu và chân gà để xem có tốt không? Nhìn vào đầu và chân gà các cụ có thể biết được mùa tới có được mùa không, mọi người trong gia đình có khỏe mạnh không? Theo các cụ cao tuổi thì xem đầu và chân gà trong lễ ăn cơm thường là tốt, với những tín hiệu vui mừng thế cả gia đình sẽ yên tâm và hăng hái sản xuất hơn.
Bữa cơm mừng cơm mới bắt đầu với lời chúc tốt đẹp của những người đến dự, họ cùng chung chum rượu cần, truyền tay nhau men rượu và cả niềm hy vọng về mùa màng bội thu.
Lễ mừng cơm mới của người Khơ mú ngày nay chịu ảnh hưởng nhiều của sự phát triển kinh tế xã hội nhưng các giá trị văn hóa độc đáo vẫn được bảo tồn tạo nên một những nét riêng biệt, đậm đà bản sắc góp phần đa dạng vào kho tàng văn hóa dân tộc Khơ mú nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chung.