Fri, 03 / 2014 6:52 am | trinhtram

Khi một người Kinh mất đi, chôn đủ ngày đủ tháng thì gia đình sẽ tổ chức đám giỗ, như giỗ 49 ngày hay 100 ngày. Dân tộc Mông cũng tổ chức đám giỗ như thế nhưng nói theo cách của dân tộc Mông gọi là làm “ma khô”. Từ “ma” nghĩa là “đangz”, từ […]

Khi một người Kinh mất đi, chôn đủ ngày đủ tháng thì gia đình sẽ tổ chức đám giỗ, như giỗ 49 ngày hay 100 ngày. Dân tộc Mông cũng tổ chức đám giỗ như thế nhưng nói theo cách của dân tộc Mông gọi là làm “ma khô”. Từ “ma” nghĩa là “đangz”, từ “khô” nghĩa là “kruôr”, nói tiếng Kinh cho dễ hiểu đó là “ma khô” nhưng thực chất đó là giỗ đầu.

Mỗi dòng họ của dân tộc Mông có tục làm “ma khô” khác nhau. Tùy theo dòng họ, điều kiện kinh tế mà làm “ma khô” to hay nhỏ, có khi là mổ một đôi gà, hay một con lợn để cúng mong sao linh hồn người chết được siêu thoát.

Người nhà làm lễ cúng ma khô để bày tỏ tình cảm với người đã chết, nhờ thầy cúng hỏi xem con ma đã tìm gặp được tổ tiên chưa. Nếu chưa thì phải chỉ đường cho ma đi, vì nếu còn ở lại quanh quẩn nơi này sợ sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn, sức khỏe của những người thân trong gia đình.

Để chuẩn bị lễ cúng “ma khô”, người Mông dùng một chiếc mẹt nhỏ đựng đầy mèn mén (thức ăn chính của người Mông làm từ ngô xay) để lẫn với thịt luộc, chuẩn bị một chiếc bánh gạo tẻ vùi dưới mèn mén, lấy cây giang hoặc ngọn tre non dựng thành khuôn hình và trùm lên đó một chiếc áo cũ của người đã khuất. Nhân vật “ma khô” được đặt giữa nhà để họ hàng và làng xóm sang thăm hỏi, phúng viếng trước khi mang ra ngoài đồng.

 

Cũng như các dân tộc khác, người Mông thường mang gạo, rượu, lợn, gà, vàng hương, giấy mã và cả tiền sang phúng viếng. Những đồ lễ này sẽ được ghi vào sổ, thông báo với người chết và cả gia đình người chết, như một nhắc nhở về sự gắn bó của cộng đồng và nhắc nhở gia chủ phải ghi nhớ ơn nghĩa của bản làng.

Người Mông cúng ma với khèn và trống. Theo tục lệ, những điệu nhạc và điệu trống sẽ được chơi trong suốt thời gian “ma khô” được cúng tế, thăm viếng. Thầy cúng sẽ hát những bài hát truyền thống bằng tiếng Mông, với ý nghĩa ca ngợi tổ tiên, ca ngợi sự sống. Những ca từ bày tỏ tình cảm thương mến với người đã chết, đồng thời cũng răn dạy, dặn dò những người còn sống không được bi lụy, phải coi trọng công việc và làm ăn chăm chỉ sẽ giúp họ thoát khỏi đói nghèo.

Âm nhạc và ca từ trong lễ cúng ma chậm rãi và nhẹ nhàng nhưng không hề mang không khí đau thương, bi ai, chết chóc, ngược lại, như một lời tâm sự rủ rỉ, nhắn nhủ những người còn sống càng phải biết yêu thương, đùm bọc và che chở nhau.

Quá trình cúng tế “ma khô” trong nhà sẽ diễn ra cho đến khi thầy cúng hỏi ý kiến “con ma” đồng ý dời ra ngoài đồng bằng cách tung hai nửa một gióng tre, nếu hai mặt đối lập nhau tức “con ma” đồng ý. Suốt thời gian đó, người làng sẽ qua lại thăm nom, trò chuyện, cánh đàn ông uống rượu, cánh đàn bà, con trẻ đi ra đi vào, đứng quanh cửa nhà, cửa sổ, đầu hồi, hàng hiên. Một số người khác mổ bò, mổ lợn, chuẩn bị nấu thắng cố để sau khi hoàn tất lễ cúng ma cả làng sẽ cùng ăn cỗ cúng.

Người Mông tươi cười hớn hở khi “ma khô” đồng ý ra khỏi nhà. Đi đầu đoàn rước là những người thân trong gia đình, tiếp đến là thầy trống, thầy khèn, một phụ nữ cầm bó đuốc rơm, vừa đi vừa huơ tay như thể mở đường cho “ma khô”. Một người đàn ông nâng biểu tượng “con ma” có mặc chiếc áo cũ của người đã khuất, sau lưng bà con dân làng đi thành một đoàn dài.

Đám rước tiến về phía thung lũng, đi rất nhanh, vừa đi vừa đánh trống, thổi khèn, hoa lửa. Đến gần ngôi mộ chôn người chết thì dừng lại, hạ “ma khô” xuống đất, tiến hành mời rượu và lại tung hai nửa gióng tre để hỏi lại người chết có thật sự muốn đi về với tổ tiên không. Việc hỏi ý kiến này diễn ra vài lần, mỗi lần không thành công (tức hai nửa gióng tre cùng mặt – giống như việc tung đồng xu) mọi người lại ồ lên.

Đến khi xin được thì tất cả đều cười rất to, hỉ hả và “ma khô” lập tức được tung lên, bay ra xa. Lúc này người chết đã tìm được đường về với tổ tiên, thật sự rời khỏi mảnh đất này.

Người Mông quan niệm cho trẻ con ăn một chút mèn mén, thịt lợn và bánh gạo vừa cúng tế “ma khô” thì trẻ con sẽ hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, dễ nuôi. Do vậy, vài người dân trong vùng sẽ mang bánh gạo về hoặc cho trẻ con ăn một chút đồ cúng tế để cầu may. Lễ rước “ma khô” ra đồng diễn ra rất nhanh. Sau khi hoàn tất, mọi người đều nhanh chóng trở về nhà gia chủ và tham gia bữa tiệc cúng ma.

Nguồn: vietbao

Bài viết cùng chuyên mục