Mon, 03 / 2013 4:45 am | admin2

Bản sắc văn hoá trong trang phục dân tộc Mường Cập nhật: Chủ nhật, 3/1/2010 | 11:30:42 Sáng   Những cô gái Mường duyên dáng trong trang phục truyền thống (HBĐT) – Người Mường có những đặc trưng riêng hết sức nổi bật về tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục dân […]

Bản sắc văn hoá trong trang phục dân tộc Mường
Cập nhật: Chủ nhật, 3/1/2010 | 11:30:42 Sáng
 

Những cô gái Mường duyên dáng trong trang phục truyền thống

(HBĐT) – Người Mường có những đặc trưng riêng hết sức nổi bật về tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục dân tộc. Chính điều đó đã tạo nên cho phụ nữ Mường nét duyên dáng, niềm tự hào khi khoác trên mình trang phục truyền thống.

 

Ngày nay, xã hội phát triển kéo theo là sự du nhập của nhiều xu hướng thời trang mới nhưng không ít phụ nữ Mường vẫn luôn mặc những chiếc váy đen dài, áo pắn truyền thống như sự nâng niu, bảo tồn gìn giữ trang phục của dân tộc mình.

 

Trang phục Mường hết sức tinh tế và có những nét riêng nổi bật không thể pha lẫn với các dân tộc khác. Nam thường mặc áo cánh phủ kín mông, xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Quần lá ống rộng dùng khăn thắt giữa bụng còn gọi là khăn quần. Trên đầu quấn khăn trắng. Xa xưa, đàn ông Mường thường để tóc dài và búi gọn gàng phía sau. Còn trang phục nữ, người Mường thường là áo pắn (áo ngắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, thân ngắn hơn áo cánh của người Kinh, ống tay dài. Trước kia, áo pắn chỉ có hai màu nâu và trắng nhưng nay, phong phú hơn với đủ mọi màu sắc. Váy của người Mường là váy đen dài, đầu váy được trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm nổi bật, do người con gái Mường tự dệt nên. Do đó, cạp váy ôm sát ngực không chỉ là điểm nhấn tạo nên nét duyên dáng cho người phụ nữ Mường mà thể hiện sự khéo léo của người mặc váy. Đầu váy cùng với áo báng nổi lên giữa hai vạt áo pắn là phong cách trang trí đặc trưng, riêng biệt của người Mường Hoà Bình mà những dân tộc khác ít có được.

 

Trong các dịp lễ, tết, ta thường thấy nam, nữ Mường mặc trang phục truyền thống đánh lên những bản chiêng đầy ý nghĩa, tiêu biểu là các Phường bùa. Bà Hồ Tư (P.Chăm Mát, TP Hoà Bình) tham gia phường bùa đã được hơn 10 năm  cho biết: “Phường bùa là nét văn hoá đặc trưng của người Mường. Đầu năm, chúng tôi thường đem chiêng đi khắp các nhà trong bản, đánh lên những bản chiêng chúc phúc, cầu cho gia chủ một năm mùa màng bội thu và nhiều may mắn. Điều không thể tách rời đối với mỗi Phường bùa là trang phục dân tộc truyền thống. Không chỉ thể hiện nét đẹp của người Mường, khi khoác trên người những bộ quần áo đặc trưng cho dân tộc mình chúng tôi không khỏi tự hào bới đó là văn hoá.”

 

Trang phục Mường cùng với những bản sắc văn hoá dân tộc của nó đã bước qua cả giới hạn các buổi lễ hội, biểu diễn… dần trở thành trang phục thường ngày của người Mường xưa và nay. Đi bất cứ đâu trên mảnh đất Hoà Bình ta cũng dề dàng bắt gặp các “mế” Mường trong những bộ quần áo truyền thống. Khi ở nhà, tiếp khách hay thậm chí là lúc xuống đồng, phụ nữ Mường vẫn duyên dáng trong những chiếc váy đen, áo pắn. Trong chuyến công tác Kim Bôi khi đi qua Vĩnh Đồng, chúng tôi thấy mế Bạch Thị Tình mặc trang phục Mường đang xới đất trồng rau. Màu xanh của lá và màu xanh áo pắn như hoà làm một, tạo nên nét thanh tân cho đất trời lúc vào xuân. Thấy chúng tôi tò mò, mế cười xuề xoà: “Mế quen rồi đấy, cảm giác mặc váy Mường cũng thoải mái như các chị mặc đồ tây thôi. Mế là người Mường ta mà, phải mặc trang phục dân tộc mình làm ra chứ!” Câu nói mộc mạc chân tình của mế làm chúng tôi vương vấn mãi. Với mỗi người Mường xưa và nay, ta dễ dàng bắt gặp ở họ niềm tự hào với những sản phẩm của dân tộc. Tình yêu quê hương, đất nước mình có lẽ cũng bắt nguồn từ những điều giản dị như thế. Thiết nghĩ, đây là nét văn hoá đẹp của người dân tộc Mường thể hiện lòng tự tôn dân tộc, rất cần được phát huy để những giá trị văn hoá được bảo tồn ngay trong sinh hoạt thường ngày của đời sống.

 

Đất trời vào xuân, những cô gái Mường khoác trên mình chiếc áo pắn đủ màu rực rỡ đi trảy hội. Họ như những bông hoa đang khoe sắc giữa đại ngàn Tây Bắc quê hương. 

                                                       

Bài viết cùng chuyên mục