Người dân xóm Gằn, xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ không ai là không biết tới ngôi mộ linh thiêng thờ mẫu khuyển của dòng họ Đinh Công. Được biết ngôi mộ này có từ rất lâu đời và gắn với nó là một câu chuyện được lưu truyền trong dòng […]
Người dân xóm Gằn, xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ không ai là không biết tới ngôi mộ linh thiêng thờ mẫu khuyển của dòng họ Đinh Công. Được biết ngôi mộ này có từ rất lâu đời và gắn với nó là một câu chuyện được lưu truyền trong dòng họ Đinh Công.
Ông Đinh Công Giao (57 tuổi) chậm rãi bắt đầu câu chuyện về ngôi mộ của dòng họ mình: “Chúng tôi cũng chỉ được nghe các cụ truyền miệng lại, chứ chưa có văn bản nào lưu giữ. Chỉ biết đó như một quy ước chung của dòng họ Đinh Công chúng tôi mà ai cũng phải làm theo”.
Theo ông Giao thì ngôi mộ thờ mẫu khuyển đã có từ rất lâu đời. Nghe nói, trong ngôi mộ ấy là xác của một con chó mẹ đã có công nuôi dưỡng và cứu một bé trai trong dòng họ Đinh Công. Ngôi mộ được trùng tu, xây dựng lại một cách kiên cố trước đây khoảng 20 năm.
Các cụ già trong dòng họ Đinh Công truyền lại rằng, đã lâu lắm rồi, vào thời quân giặc Cờ đen, Cờ đỏ xâm chiếm ngôi làng của đồng bào dân tộc Mường nơi này. Khi đó, với sự tàn bạo của lũ giặc nên mọi người trong làng đều lũ lượt kéo nhau chạy vào rừng sâu để lẩn trốn. Lần đó, gia đình của một cặp vợ chồng trẻ trong lúc chạy loạn đã sơ suất bỏ lại đứa bé trai mới lọt lòng mẹ. Vì tình thế cấp bách, gia đình này cũng không thể quay về cứu đứa trẻ.
Sau một hồi, thấy thiếu hơi mẹ, đứa bé tỉnh dậy lại đói nên khóc toáng lên. Trong gia đình này có nuôi một con chó cái, cũng mới sinh một bầy con. Thấy chuyện, chó mẹ chạy tới tha đứa bé vào ổ của mình che chở và cho đứa bé này bú sữa hàng ngày. Khi quân giặc đã rút lui, người làng trở về nhà. Gia đình vợ chồng nọ vội vã chạy về nhà và thật bất ngời, vui mừng, hạnh phúc tột cùng khi thấy bé trai vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, bụng no tròn bên đàn chó.
Ngôi mộ thờ mẫu khuyển của dòng họ Đinh Công.
Cảm kích trước sự việc con chó đã cứu đứa trẻ trong dòng họ, từ đó họ Đinh Công đã thề không ăn thịt chó nhằm thể hiện lòng biết ơn cứu mạng. Sau khi con chó này mất, đã được người trong dòng họ Đinh Công an táng rất cẩn thận bên một gò đất cao. Trước khi chôn cất, người dân cho xác vào hai chiếc nồi đồng ghép lại rồi chôn xuống để xác con chó không bị côn trùng động tới.
Kể từ đó, ngôi mộ được dòng họ Đinh Công hương khói cẩn thận vào ngày 10/10 âm lịch hàng năm. Người dân trong làng, trong xã cũng không ai dám động tới ngôi mộ thờ mẫu khuyển này bởi nó rất linh thiêng.
Từ đời này tới đời khác, dòng họ Đinh Công vẫn luôn truyền lại sự tích con chó mẹ đã có công cứu người trong họ. Mỗi đứa trẻ của dòng họ Đinh Công đều được cha mẹ, ông bà kể lại câu chuyện và quy ước của dòng họ mình về ngôi mộ thờ mẫu khuyển. Những người trong dòng họ Đinh Công luôn tâm niệm là không bao giờ ăn thịt chó, bán chó. Họ nuôi chó chỉ để giữ nhà.
Anh Đinh Công Quyết, một người con của dòng họ hiện đang làm Trưởng ban chỉ huy quân sự xã Tân Minh, chia sẻ, khi anh có nhận thức đã được cha mẹ mình truyền lại câu chuyện về việc dòng họ thờ mẫu khuyển. Việc này đã có từ rất lâu đời nên những thế hệ sau như anh tôn trọng những gì mà cha ông để lại…
“Trước đây, khi còn nhỏ có rất nhiều bạn bè thường trêu đùa, có người ác ý, có người không, họ nói chúng tôi là dòng dõi nhà chó. Tuy nhiên, mỗi người trong chúng tôi đều có ý thức về điều này. Chúng tôi không phản ứng gì mạnh mẽ nên cuối cùng người ta cũng hiểu. Dần dần họ cũng tôn trọng ngôi mộ này. Không chỉ có người trong dòng họ đến đây thắp hương, những người trong làng cũng đã thắp hương cho ngôi mộ mẫu khuyển này", anh Quyết tiếp lời.
Nói về sự linh thiêng của ngôi mộ, ông Đinh Công Giao cho biết, xung quanh ngôi mộ có nhiều câu chuyện lạ kỳ. Bất cứ ai có ý mạo phạm ngôi mộ đều bị trừng phạt thích đáng.
Vì ngôi mộ thờ mẫu khuyển của dòng họ Đinh Công nằm ngay sát vệ đường nên có nhiều người qua lại. Có người khi đến khu vực này đã phóng uế, sau khi về nhà người này cũng mắc chứng bệnh đau đầu, sốt và buốt thân thể. Biết đã mạo phạm vào ngôi mộ nên người nhà đã mang lễ đến thắp hương cầu nguyện thì căn bệnh cũng từ đó tan đi.
Anh Đinh Công Quyết cho biết thêm: “Con trai trong dòng họ khi sinh ra đều phải đặt là Đinh Công chứ không được đặt tên đệm nào khác. Cũng như quy ước đó của dòng họ, việc thờ mẫu khuyển cũng như một quy ước bắt buộc như thế. Trong dòng họ chúng tôi không ai ăn thịt chó. Có người con của dòng họ bỏ ngoài tai, coi thường việc này. Tuy nhiên, sau khi ăn không lâu người đàn ông này bỗng bị chứng bệnh về đầu óc. Ông này không bị đau đầu nhưng ngẩn ngơ và trở nên điên loạn”.
Ông Giao tiếp lời: “Những câu chuyện về việc người vô tình mạo phạm vào quy ước chung của dòng họ, chúng tôi không dám bàn sâu về thực hư của nó. Chỉ có điều, ngôi mộ mẫu khuyển mà dòng họ Đinh Công đang thờ rất linh thiêng”.
Về việc những người con trong dòng họ Đinh Công khi đi ra ngoài làm việc, người nào vô tình ăn phải thịt chó thì phải về nhà “rửa tội” trước bàn thờ tổ tiên một cách chân thành và không được tái phạm. “Các nơi khác nạn trộm chó hoành hành. Mạng chó, mạng người đổi cho nhau cũng thảm thương đến vậy. Ở đây người dân của chúng tôi thờ mẫu khuyển không bao giờ có việc trộm chó xảy ra. Đó cũng là điều đáng mừng…”, ông Giao nói.
Cũng theo ông Giao, việc người trong dòng họ Đinh Công không ăn thịt chó là do ý thức của mỗi người. Còn từ xưa tới nay, chưa có chuyện người ăn thịt chó hay mạo phạm vào ngôi mộ thờ mẫu khuyển mà mất mạng cả.
Ông Hà Thế Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết: “Chúng tôi là người ở nơi khác đến nên không thể nắm rõ về việc người trong dòng họ Đinh Công trong xã thờ mẫu khuyển. Nhưng theo những gì mà chúng tôi được biết thì dòng họ này thờ mẫu khuyển cũng chỉ là để con cháu họ biết ơn cứu mạng của loài vật thân thiết với con người đã cứu một đứa bé trong dòng họ này. Người dân ở đây, mỗi dòng họ đều có những câu chuyện cổ để nói về dòng họ của mình như vậy. Đây có thể là một biểu hiện của tục thờ Đạo vật tổ…”.
Nguồn PLXH