Cây có gốc. Nước có nguồn. Chim tìm tổ. Người tìm tông. Cứ đến ngày 10/3 âm lịch hàng năm người dân cả nước cùng hướng về Đất Tổ. Lễ hội đền Hùng đã trở thành ngày hội chung của toàn dân tộc, ngày mà mọi trái tim dù ở muôn nơi vẫn đập chung […]
Cây có gốc. Nước có nguồn. Chim tìm tổ. Người tìm tông. Cứ đến ngày 10/3 âm lịch hàng năm người dân cả nước cùng hướng về Đất Tổ. Lễ hội đền Hùng đã trở thành ngày hội chung của toàn dân tộc, ngày mà mọi trái tim dù ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều hướng về vùng đất Cội nguồn – xã Hy Cương – Lâm Thao – Phú Thọ bởi nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương – từ rất lâu đã trở thành ngày Giỗ trọng đại của cả dân tộc; đã in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ. Từ ngàn đời qua Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.Trong ngôi đền chính, có một bài vị chung, thờ các vị Vua Hùng, có hàng chữ “Đột Ngột Cao Sơn Cổ Hùng Thị thập bát thế thánh vương, thánh vị”. Theo thiển ý, do tục thờ cúng tổ tiên, chỉ chờ vị khai sáng đầu tiên, nên chữ “Thập bát thế” có thể hiểu là 18 Vương hiệu của các vị Tổ đầu tiên của 18 chi Hùng Vương, đã thay nhau cầm quyền trên đất nước Văn Lang, quốc gia đầu tiên của người Việt chúng ta ngày nay.
Trải qua hàng trăm năm, từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV từ ngữ danh xưng Hùng Vương đã được tích tụ dần trở thành chính thống. Bằng việc soạn dựng “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” năm 1470 triều đại Hậu Lê đã khẳng định vị trí độc tôn dựng nước, sinh dân thuộc về các Vua Hùng. Vấn đề “Quốc Tổ” đã được gắn với “Hùng Vương” thay vì chữ nghĩa “Lạc Vương” trong tâm thức vương quyền vay mượn của một dân tộc chưa khẳng định nền quốc gia độc lập.
Vua Hùng – vị Vua đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, “Thánh Vương ngàn đời của Cổ Việt” (ảnh internet)
Từ đây trong ảnh xạ văn hóa tâm linh của người Việt – Vua Hùng hiển diện như bình diện của ý thức tự cường của một quốc gia hùng mạnh:
“Trải Triệu – Đinh – Lý – Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán – Đường – Tống – Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”
Cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã giải thích rằng “Vua Hùng” là phiên âm của một từ Việt cổ: Vua -> Bua -> Bô -> Pô = (bố); Hùng -> Khun = Cun = Thủ lĩnh. Vua Hùng = Bố của các thủ lĩnh = Thủ lĩnh tối cao. Danh hiệu Hùng Vương chỉ là một sự lắp ghép danh hiệu Bố cái đại vương (Bố cái = Vua lớn = Đại vương) để chỉ Vua Phùng Hưng sau này.
Sách “Việt sử lược” đời Trần chép: “Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 Tr.CN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lỗi kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương”.
Như vậy trong ký ức văn hóa của nhân dân, hình ảnh Vua Hùng được khắc họa là ông vua mở nước, dựng làng; để rồi ở các thế kỷ sau chính ông vua ấy lại trở thành ông Tổ của người Việt, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai – hình thành nên nghĩa “đồng bào”.
“Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” đã viết “Đến giờ Ngọ ngày 28 tháng Chạp, hương lạ đầy nhà, hào quang khắp phòng, bà Âu Cơ sinh một bọc…; đến giờ Ngọ ngày Rằm tháng Giêng, trăm trứng vỡ ra đều thành điềm trăm người con trai.
Các sách: “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (năm 1840): “Việt Nam sử học” (1919); “Việt Nam văn hóa sử cương” (1938); “Thần linh Đất Việt” (2002); “Truyền thuyết Hùng Vương” (1971-2003)… đều ghi chép lại việc bà Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở thành một trăm người con trai, hình thành nên hai tiếng “đồng bào”.
Nhiều thế kỷ nay với người Việt Nam, “đồng bào” đã trở thành bình diện của ý thức dân tộc, niềm tự hào dân tộc; điểm hội tụ của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Điểm hội tụ ấy đã trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Vua là Tổ của dân. Dân là gốc của nước. Nước muốn vững bền nhờ dân luôn thịnh trị. Dân được thịnh trị trông ơn mưa móc Tổ Tiên.
Trong sự thăng tiến phẩm trật của thần linh, Vua Hùng từ quan niệm ban đầu là thần núi với các mỹ tự: “Đột Ngột Cao Sơn; Viễn Sơn; Ất Sơn” dần trở thành tín niệm trong tâm thức dân gian. Tín niệm ấy được lan tỏa rộng ra và trở thành niềm tin thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt – niềm tin vào Tổ Tiên và sức mạnh thiêng liêng tiềm ẩn của các thế lực siêu nhiên tuy không cùng sống, cùng sinh hoạt song đang đồng hành trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của nhân dân: Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng – thờ cúng Tổ tiên.
Trong tâm thức của nhân dân ta từ bao đời nay Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của Tổ tiên là một hành vi văn hóa, ý thức đạo đức và bổn phận của mỗi người. Dân tôn thờ Vua là Thánh: Thánh Tổ Hùng Vương. Dựa vào uy linh của Thánh, ý thức cộng đồng đã được hình thành và phát triển, từ trong gia đình đến gia tộc, hàng xóm láng giềng rồi mở rộng ra cả nước theo quan hệ huyết thống: Dòng máu Lạc Hồng, con cháu Lạc Hồng…
Người Việt Nam luôn sống với nhau có nghĩa có tình, có thủy có chung, có trên có dưới, có xóm có làng, có sau có trước, có nước có nhà, có tổ có tông… Sống có văn hóa – văn hóa cộng đồng. Văn hóa ấy là tấm gương phản chiếu sự hiểu biết, những niềm tin và phong tục cổ truyền của một dân tộc. Trong sâu thẳm tâm hồn người Việt Nam ai cũng luôn quan niệm rằng: Chúng ta là người được sinh ra cùng một bọc (đồng bào) là con cháu Lạc Hồng – dân cả nước đều là anh em một nhà.
“Con người có Tổ có tông
Như cây có gốc, như sông có nguồn”
Ngày nay quan niệm đó càng được nhân lên gấp bội. Con cháu ở đâu, ông bà – tổ tiên ở đó. Quan niệm đó dần trở thành ý thức hệ được hun đúc trong từng người và trong cả cộng đồng. Vua Hùng đã hiển nhiên tồn tại và ngự trị trên bình diện ý thức tâm linh của người Việt. Tín ngưỡng thờ Tổ phát triển không chỉ trên vùng Đất Tổ mà xuyên cả quốc gia, vươn tới các cộng đồng người Việt đang sống xa Tổ quốc ở các quốc gia khác. Người Việt lập làng ở đâu sẽ xây đền thờ Tổ Hùng ở đó; cúng giỗ Tổ ở đó để cùng nhau “Uống nước nhớ nguồn” tri ân công đức Tổ tiên.
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng dù trong lúc đất nước thái bình hay trong những khi vận mệnh cam go nhất, Vua Hùng vẫn hiển diện như một nguồn lực vô tận xuyên suốt cả thời gian lẫn không gian đến với từng người dân Việt Nam, từng gia đình người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu trong nước hay ngoài biên giới Tổ quốc, như một động lực tinh thần cổ vũ niềm tin và sức mạnh cho toàn dân tộc tiến lên phía trước, phát triển và hội nhập toàn cầu.
Vua Hùng trong tín ngưỡng nguồn cội của nhân dân đã trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Vật chất có thể sẽ thay đổi, thậm chí sẽ mất đi song niềm tin thiêng liêng sẽ còn lại mãi mãi với thời gian, trường tồn cùng lịch sử, trong ký ức của mỗi con người.
Lễ hội Đền Hùng là lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam, và có một đặc thù riêng là: Phần lễ nặng hơn phần hội. Tâm tưởng người về dự hội là hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc (Ẩm hà tư nguyên – Uống nước nhớ nguồn). 41 làng xã thuộc tỉnh Vĩnh Phú tham gia rước kiệu lễ dâng Tổ. Từ ngàn xưa, trên các cổ kiệu có bày lễ vật, đi kèm có phường bát âm tấu nhạc, cờ quạt, bát bửu, lọng che cùng chiêng trống. Những làng ở xa thường phải rước 2-3 ngày mới tới" . "Xưa kia, việc cúng Tổ (cử hành) vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch)… Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ), có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Do đó ngày giỗ Tổ sau này mới là ngày 10 tháng 3 (âm lịch ) hàng năm”. ( Trích Hùng Vương và Lễ Hội Đền Hùng-NXB Hội nhà văn)
Lễ hội Đền Hùng là lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam
… Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức "uống nước nhớ nguồn" nên giỗ Tổ Hùng Vương 1946 – sau khi Chính phủ mới được thành lập – là một sự kiện hết sức đặc biệt, đáng ghi nhớ. Năm ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ VNDCCH lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền. Cụ còn trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa trở lại. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ do nhân dân vùng quanh Đền Hùng đảm nhiệm.
– Từ năm 1947 đến 1954 không làm được giỗ, nhưng nhân dân địa phương vẫn cúng bái đơn lẻ.
– Năm 1956 làm lễ hội lớn, do Bộ Văn hoá tổ chức, có rước kiệu. Sau đó thôi không rước nữa.
– Từ năm 1957 về sau, nhất là những năm đánh Mỹ, Lễ hội vẫn đông, nhưng rất đơn giản. Nghi thức là đoàn đại biểu quân, dân, chính của tỉnh và huyện xã sở tại dâng một bó hoa lên Đền Thượng, đi đầu là đoàn thiếu nhi xã Hy Cương đánh trống cà rình.
– Từ năm 1990, lễ hội có cải tiến nhiều so với trước. Về lễ có các vị ở Trung ương về dâng hương hoa hoặc làm đồng chủ lễ với Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phú (sau là Phú Thọ)…
Bài bản tế được cải tiến rất nhiều so với tế đình làng, chỉ giữ nguyên trang phục truyền thống. Chủ tế đứng yên tại chỗ nhận các lễ phẩm do chấp sự đưa đến để làm lễ, rồi trả lại chấp sự để dâng tiến, chứ không đi lại rồng rắn như cũ. Dàn nhạc cũng ngồi tại chỗ, cử lên hay ngừng im theo hiệu của Đông, Tây xướng. Chỉ dâng hương, hoa, rượu và chúc văn, còn các lễ phẩm khác đều bầy sẵn trong thượng cung. Hai hàng chấp sự khi đặt lễ phẩm lên ban thờ rồi, thì đi giật lùi bước một về chỗ cũ, chứ không quay lưng vào thánh.
Ngày nay, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn được tổ chức theo truyền thống văn hóa của dân tộc. Vào những năm chẵn 0: Nhà nước đứng ra tổ chức, năm lẻ 5: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các năm khác do địa phương tổ chức. Trong phần lễ, nghi thức dâng hương của các đoàn đại biểu được tiến hành long trọng tại đền Thượng. Phần hội vẫn diễn ra tưng bừng, náo nhiệt quanh chân núi Hùng. Các hình thức văn hóa truyền thống và hiện đại được tổ chức đan xen nhau, nổi bật là những trò chơi văn hóa dân gian, tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống…
Lễ hội truyền thống vùng đất Tổ Hùng Vương ngày nay vẫn mang nét chung của hội làng vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời nổi bật với những sắc thái văn hóa riêng vùng đất Phong Châu với các tục cổ đặc thù. Lễ hội truyền thống vùng đất Tổ còn được phân loại thành: lễ hội tiền nông nghiệp (săn bắt, bắt cá…), lễ hội nông nghiệp (cầu mùa, cầu mưa, các phong tục: tục rước mạ, trò đúc tượng, khấn vía lúa, tục gọi gạo…), lễ hội thờ các anh hùng (tín ngưỡng thành hoàng, anh hùng lịch sử, anh hùng văn hóa…).
Những hoạt động của Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2013 và chào đón sự kiện “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Lễ hội Đền Hùng 2013 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động đa dạng và đặc sắc. Theo đó, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2013 sẽ diễn ra trong 7 ngày (từ ngày 13 đến 19/4, tức từ ngày 4 đến 10/3 Âm lịch). Phần lễ được tổ chức trang trọng, mang tính cộng đồng, gắn với các hoạt động tôn vinh di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó trọng tâm là Lễ tôn vinh, đón Bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ chúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội đất tổ Hùng Vương” và khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2013.
Lễ hội Đền Hùng 2013 và chào đón sự kiện “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. (ảnh internet)
Phần hội của Lễ hội Đền Hùng năm nay có nhiều hoạt động đa dạng và đặc sắc, bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức với qui mô rộng khắp từ thành phố Việt Trì cho đến Trung tâm Lễ hội Đền Hùng và các vùng phụ cận gắn với tôn vinh di sản văn hóa “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” như: Rước kiệu của các xã vùng ven; hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hóa ẩm thực của các huyện, thành, thị trong tỉnh; trình diễn diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc ở tỉnh Phú Thọ; Liên hoan hát xoan và dân ca Phú Thọ lần thứ 3; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; triển lãm ảnh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống văn hóa cộng đồng”, các hoạt động thể thao…
Lễ hội Đền Hùng là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân đất Việt. Và từ rất lâu đời trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ đã trở thành "Thánh địa linh thiêng” của cả nước, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc. Trải qua bao thời đại lịch sử tuy có lúc thịnh, lúc suy nhưng lễ hội đền Hùng vẫn được tổ chức. Điều này đã thể hiện rõ bản lĩnh phi thường và nền văn hiến rực rỡ, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Hội đền Hùng hay giỗ tổ Hùng Vương là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng. Người đến hội mang theo lòng ngưỡng mộ sâu đậm về quê cha đất tổ, một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam cho dù họ sống ở bất cứ phương trời nào.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”
Nguồn: cinet.gov.vn