Ảnh minh họa
Người Mường có truyền thống trồng bông, ươm tơ, dệt vải phục vụ nhu cầu gia đình. Bộ công cụ nghề dệt chủ yếu gồm: Dụng cụ cán bông, xa quay sợi, khung dệt dùng bàn đạp và go luồn sợi. Khung dệt cạp váy có cấu tạo khác đôi chút, đặc biệt có nhiều go, hòa văn càng phức tạp thì số go phải dùng càn lớn.
Từ tháng 5 âm lịch, bà con bắt đầu thu hoạch bông, sau khi phân loại, phơi khô mới đem vào ứu (cán bông) và kéo sợi. Mỗi con sợi dài chừng 15 – 20cm. Kéo sợi bằng xa, tay quay phải quay thật đều thì sợi chỉ mới mềm, đều, mịn, đẹp. Kéo xong sợi bắt đầu hồ bằng cơm gạo trắng. Hồ xong phải phơi khô để xe thành ống. Sau khi đã hoàn tất các khâu chuẩn bị mới đến công đoạn dệt. Nếu dệt vải trắng đơn giản thì một ngày có thể dệt được từ 7- 10m, nếu dệt các loại hoa văn thì ngày chỉ được 2- 3m.
Để nhuộm màu cho vải, bà con thường sử dụng nguyên liệu là các loại cây trong rừng. Màu đỏ là cây bang, màu vàng lấy từ cây nghệ, màu đen lấy từ cây chàm… Muốn cho tấm vải có màu đen, phải hái lá chàm về ủ khoảng ba ngày, sau đó vắt lấy nước, trao qua lại cho nước chàm sánh đen, múc nước ấy (có thêm nhựa cây vón vén và nước tro) đổ vào ống để một tuần rồi mới bỏ bọt, lấy cắn để dẫm chàm (nhuộm sợi)… Để có một tấm vải dệt hoàn chỉnh, phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Vải dệt bằng tay nên độ chặt, lỏng, mềm, cứng tùy theo ý muốn người làm và thường rất bền, mặc đến sờn vải, sợi chỉ vẫn không bị nhão hay xô như dệt công nghiệp.
Thổ cẩm của dân tộc Mường
Sản phẩm dệt gồm nhiều loại: vải may mặc, mặc phà làm chăn và đệm, nhưng độc đáo nhất là chiếc cạp váy. Cạp váy dệt bằng sợ tơ tằm với nhiều loại hoa văn trang trí hoa văn động vật( phổ biết nhất là các mô – típ rồng, phượng, hươu, rùa, cá, nhện) hoa văn thực vật(hoa sen, hoa cà) và hoa văn hình học. Kỹ thuật dệt cũng như cách trang trí được tiếp nối theo hình thức mẹ truyền cho con gái. Do vậy, mẫu hoa văn khá đa dạng và thể hiện những nét riêng nhất định của mỗi cá nhân, mỗi mường, bên cạnh mô típ truyền thống chung của dân tộc. Trước kia, nghệ thuật dệt cạp váy là một trong những tiêu chuẩn đánh giá phẩm hạnh của từng người phụ nữ.
Tài năng của người dệt còn thể hiện ở việc bố cục các mô típ hoa văn ở từng rang sao cho hợp lý, việc sắp xếp vị trí của từng loại hình động vật, hình trang trí ở rang dưới như thế nào cho đẹp mắt, cái nọ hỗ trợ làm nổi bật cái kia mà không phá vỡ bố cục chung… Tất cả những cái đó đòi hỏi đầu óc thẩm mỹ tinh tế và điêu luyện của người thợ dệt, để tạo ra được một sản phẩm có giá trị.
Trong trang phục của đồng bào Mường, chiếc váy được xem là bộ phận quan trọng nhất. Váy của phụ nữ Mường thường nhuộm bằng vải thâm hay màu chàm. Nổi bật của chiếc váy là cái cạp váy. Điểm nổi bật nhất của cạp váy Mường là những họa tiết trang trí hoa văn trên bề mặt của nó. Với một diện tích không lớn, cạp váy chứa đựng một số lượng hoa văn khá phong phú về cả hình thức và kiểu loại.
Cạp váy Mường trong bộ trang phục của người phụ nữ Mường vừa giản dị, kín đáo, không phô trương mà lại nền nã, hấp dẫn và không kém phần đặc sắc. Một điều đặc biệt là rất nhiều hoa văn trên cạp váy Mường cũng là các mô típ hoa văn phổ biến trên trống đồng Đông Sơn. Điều này cho thấy các hoa văn cạp váy Mường có giá trị cả về mặt nghệ thuật lẫn lịch sử, liên quan đến một thời kỳ rực rỡ của văn minh Việt Nam.
Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của người Mừng đang được Đảng và chính quyền địa phương quan tâm và khôi phục. Những cách thức dệt vải cơ bản vẫn được đồng bào Mường gìn giữ và sáng tạo nên sản phẩm thổ cẩm ngày một phong phú về mẫu mã hoa văn, đa dạng chủng loại, đáp ứng nhu cầu của thị trường và cả mục đích thu hút khách du lịch.
Theo cinet