Thời khắc đón nhận một thành viên mới trong cộng đồng là một dấu mốc đầy thiêng liêng. Chính vì thế, trong sinh đẻ, người Chơ ro có nhiều phong tục liên quan đến tín ngưỡng. Ảnh internet Trong chu kì đời người, người Chơ ro quan niệm sinh đẻ là một […]
Thời khắc đón nhận một thành viên mới trong cộng đồng là một dấu mốc đầy thiêng liêng. Chính vì thế, trong sinh đẻ, người Chơ ro có nhiều phong tục liên quan đến tín ngưỡng.
Ảnh internet
Trong chu kì đời người, người Chơ ro quan niệm sinh đẻ là một dấu mốc quan trọng gắn liền với nhiều phong tục gắn liền với bản thân và cộng đồng.
Phụ nữ Chơ Ro, khi sinh đẻ có lắm điều kiêng cữ. Khi họ mang bầu đến tháng thứ 7, người chồng làm cho một căn chòi nhỏ cách nhà chính khoảng 10m để người phụ nữ ra đó sinh con. Người Chơ ro gọi là nhà đẻ. Bởi theo quan niệm của người Chơ ro, nếu để phụ nữ sinh trong nhà lớn sẽ làm ô uế nơi thờ tự của cộng đồng. Tổ tiên, các vị thần sẽ giận gây bệnh tật, mùa màng thất bại. Khi làm nhà để, những cây cột đươc chọn phải suông, thẳng, không có dây leo để sản người vợ khi sinh không đau bụng, đứa trẻ dễ ra và dễ nuôi. Cửa vào chòi này hướng về phía quang đãng, không có gò ụ che chắn. Mỗi lần sinh con thì người chồng lại làm một cái chòi mới, khi dùng xong thì phá bỏ, không dùng cho lần sau.
Sau khi sắp xếp cho người vợ nằm ở nhà đẻ, người chồng đi đón bà mụ về giúp đỡ sản phụ và cắm cành lá cấm người lạ đến nhà trong thời gian này. Họ cho rằng nếu người lạ đến nhà sẽ mang ma quỷ đến quấy phá, đứa trẻ sẽ bị đau ốm.
Khi sinh, người phụ nữ sinh ngay tại chòi cạnh nhà, với sự giúp đỡ của bà mụ. Đứa bé mới sinh được bà mụ cắt rốn, tắm rửa nước ấm, quấn khăn tã rồi đặt nằm cạnh mẹ. Vừa sinh xong, sản phụ và đứa trẻ được bà mụ tắm bằng nước của các loại lá rừng gồm: tâng cham (mùa cua), mục pu, ừng gâm (từ bi)…, tắm mỗi ngày 3 lần. Sau đó vài ngày, bà mẹ đem ra suối gần nhà tắm rửa với ý niệm: Bệnh tật sẽ trôi theo sông nước, đứa trẻ khỏe mạnh. Trong tuần đầu, bà mụ lấy dao nứa cắt rốn cho đứa bé.
Con dao cắt rốn bằng nứa sau khi cắt thì không sử dụng nữa. Nhau của đứa trẻ sinh ra thường được chôn ở ngay đường đi lại, nơi không có kiến và các côn trùng, đặc biệt là đường lớn. Vì chôn trên đường lớn là nơi có nhiều người đi lại, đứa trẻ sẽ ấm áp và bụng không bị đầy hơi. Người cầm nhau đứa trẻ đi chôn là bố, đôi khi là ông ngoại hay bà ngoại. Đặc biệt, trên đường mang nhau đi chôn, người cầm nhau không được ngoái đầu lại hay trả lời khi có người hỏi. Họ cho rằng, nếu người đó ngoái lại trả lời, đứa trẻ sau này dễ bị lé (lác) mắt. Người dân Chơ ro rất tin vào điều kiêng kỵ này.
Khi đã được “mẹ tròn con vuông”, gia đình đứa trẻ mang đồ lễ sang cảm tạ bà mụ. Lễ vật thường là con gà và chiếc tô đẹp đựng cơm nếp. Chiếc tô vừa là vật để đựng xôi nếp, vừa là vật kỷ niệm của gia đình tỏ lòng cảm ơn bà mụ. Chiếc tô vừa phải đẹp, lại phải nguyên vẹn, là đồ quý đối với người Chơ ro, đồng thời cũng thể hiện sự mong muốn con cháu mình sau này khoẻ mạnh, có của ăn của để.
Có thể thấy, người Chơ ro có nhiều phong tục trong khi sinh đẻ và họ luôn tin vào các phong tục ấy. Hơn ai hết, họ luôn mong con cái dinh ra được khỏe mạnh và có cuộc sống sung túc hơn
Nguồn: dantocviet