Nhân Kỷ niệm 65 năm Bác Hồ viết thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plây-cu (1947-2012), Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4, Bộ VHTT&DL sẽ tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong hai ngày 18 và 19/4 tại Làng Văn hóa- du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Sự kiện văn hóa lớn có sự tham gia của 13 cộng đồng dân tộc như H’Mông, Tày (Hà Giang); dân tộc Dao, Thái (Sơn La); dân tộc Mường (Hòa Bình); Nùng (Lạng Sơn); dân tộc Ba Na, Gia Rai (Kon Tum); dân tộc M’Nông, Ê Đê (Đắc Lắc); dân tộc Chăm, Khơ Me (An Giang); dân tộc Hoa (TP. Hồ Chí Minh).
13 cộng đồng các dân tộc sẽ tái hiện bản sắc văn hóa của mình trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Ảnh: Tuấn Anh)
Trong khuôn khổ chương trình, nhiều hoạt động lớn sẽ được tổ chức như Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” 19/4; Hội nghị Xúc tiến Đầu tư xây dựng sản phẩm Văn hóa Du lịch; Đêm hội tôn vinh Văn hoá các dân tộc Việt Nam; Chợ Vùng cao phía Bắc; Triển lãm Làng nghề dân gian truyền thống; Trình diễn các trò chơi dân gian, thể thao giải trí; Hội trại Đoàn TNCS HCM Bộ VHTT&DL. Nhiều hoạt động vui chơi giải trí, thể thao dân tộc, các lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc, trò chơi dân tộc của 13 cộng đồng dân tộc được huy động dân tộc (thi bắn nỏ, TuLu, đẩy gậy…) sẽ được tái hiện tại không gian văn hoá của 13 cộng đồng tại khu các làng dân tộc. Bên cạnh đó, triển lãm làng nghề dân gian truyền thống sẽ giới thiệu đến khách tham quan những đặc trưng của văn hoá các dân tộc Việt Nam thông qua sản phẩm văn hoá, du lịch, sản vật địa phương, hàng thủ công truyền thống của các dân tộc.
Hội trại Đoàn sẽ có sự tham gia của 400 đoàn viên thể hiện thanh niên góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc…
Phiên chợ vùng cao phía Bắc sẽ được tái hiện trong đêm tôn vinh văn hóa các dân tộc (Ảnh:baolaichau) Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình Kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là Đêm hội tôn vinh Văn hoá các dân tộc Việt Nam với chủ đề “Vận Nước năm Rồng – Đại đoàn kết – Khát vọng & Thăng hoa” kịch bản của nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục. Đêm tôn vinh văn hóa các dân tộc sẽ tái dựng lại phiên chợ của vùng cao phía Bắc, chợ nổi Nam Bộ, chợ đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Những phiên chợ này sẽ tái hiện không gian chợ truyền thống của các dân tộc Việt Nam, nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hoá với bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật văn hoá các dân tộc. Theo tác giả kịch bản chương trình liên hoan, nhà văn Nguyễn Khắc Phục thì đây là cơ hội để khoe những đặc sắc, các sản phẩm văn hóa, ẩm thực, trò chơi của đồng bào các dân tộc. Trong ký ức của nhiều người Việt Nam, mỗi lẫn đi chợ cũng là đi hội. Những phiên chợ này sẽ phác họa một cách sinh động những đặc sắc văn hóa của các dân tộc. Chương trình cũng sẽ hạn chế những màn biểu diễn của các diễn viên chuyên nghiệp đến từ các nhà hát ca múa nhạc. Các chủ thể văn hóa, tức là những đồng bào người H’Mông, Dao, Mường, Thái hay người dân vùng sông nước Nam Bộ sẽ tự giới thiệu về đặc sắc văn hóa của dân tộc mình. Đêm hội dự kiến sẽ được truyền hình trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam. Được biết, ngày 14/3/2012, tại trụ sở Bộ VHTT&DL, lãnh đạo Ban Quản Lý Làng Văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn về kế hoạch tổng thể và kịch bản chương trình kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Nguồn : dantri.com.vn