Fri, 04 / 2013 4:17 am | helios

Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến Xuân về, trên bản làng quê hương của người Dao Đỏ ở Tả Phìn (Lào Cai) lại rộn ràng đón Tết nhảy. Điệu nhảy dâng gà của người Dao Đỏ trong ngày Tết. Ảnh: Internet Người Dao Đỏ đón xuân theo tập tục truyền thống tổ tiên […]

Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến Xuân về, trên bản làng quê hương của người Dao Đỏ ở Tả Phìn (Lào Cai) lại rộn ràng đón Tết nhảy.

Điệu nhảy dâng gà của người Dao Đỏ trong ngày Tết. Ảnh: Internet

Người Dao Đỏ đón xuân theo tập tục truyền thống tổ tiên từ nhiều đời nay. Bắt đầu từ ngày 28 Tết, khắp làng trên, xóm dưới, đồng bào dân tộc đã bắt tay vào mổ lợn béo, gà trống thiến, làm bánh nếp… Đây chính là thời điểm các thành viên trong dòng họ tụ tập quây quần tại nhà trưởng họ, cùng nhau nâng chén rượu mừng xuân, cầu chúc cho nhau ngày càng làm ăn phát đạt, cháu con khoẻ mạnh… và bàn việc tổ chức nghi lễ Tết nhảy.

Người Dao Đỏ chuẩn bị đón Tết khá công phu. Trước hết nam thanh niên ôn luyện các điệu múa cổ truyền, các thiếu nữ lo nhuộm chàm, thêu áo mới cho chồng con đi chơi Tết. Tết nhảy sẽ diễn ra ở nhà ông trưởng họ, nên các thành viên trong họ đều tấp nập giúp trưởng họ chuẩn bị Tết.

Ban đầu, một tốp nam thanh niên "sài cỏ" theo sự hướng dẫn của thầy cả "chái peng pi" tổ chức 14 điệu nhảy dẫn đường, bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về "ăn" Tết. Để chào bố mẹ, tổ tiên đã khuất, điệu nhảy chỉ được thực hiện bằng một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao; Để mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần, điệu nhảy được diễn tả bằng múa cò "pẹ họ", mô phỏng cảnh chim cò sải cánh bay xa, rồi dáo dác tìm chỗ đậu lại; Điệu nhảy mời thần linh "ăn" Tết được diễn tả bằng nhịp bước khoan thai và uy lực của loài hổ… Các điệu múa mang tính hình tượng cao và độc đáo. Không biết có từ bao giờ, nhưng đêm của những vũ điệu vẫn được người Dao Đỏ lưu giữ cho tới ngày nay, và coi như một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong những ngày đất trời vào xuân.

 

Tốp nam thanh niên Dao Đỏ nhảy theo sự hướng dẫn của thầy cả. Ảnh Internet

Kết thúc các điệu nhảy mở đường, đón chào tổ tiên, thần linh, cả dòng họ tiến hành điệu nhảy rước tượng tổ tiên. Tượng tổ tiên làm bằng gỗ tốt, là tác phẩm điêu khắc độc đáo của người Dao đỏ. Tượng được chạm khắc đẹp với nét hoa văn trang phục thời cổ xưa, dài khoảng 25 cm, đường kính thân 5 cm, bàn tay phải của tượng có cầm thẻ bài ghi rõ tên ông tổ.

Ngày thường trong cả năm, tượng được bọc kín bằng vải trắng. Đến ngày Tết, con cháu rước tượng xuống làm lễ tắm gội, thay khăn choàng mới. Nước tắm cho tượng cũng làm từ lá thơm qua một quy trình chưng cất nghiêm ngặt.

Sau lễ tắm gội cho tượng tổ tiên, con cháu tổ chức các điệu nhảy dâng gà, xôi và lễ vật. Thầy cả và 3 thanh niên tay cầm con gà trống sống, nhảy theo điệu dâng gà, có động tác rước gà lên đầu, có động tác vác gà qua hai vai, rồi vừa nhảy múa vừa vặt đầu gà làm thịt… Kết thúc là điệu nhảy múa cờ.

Trong Tết nhảy, người Dao đỏ còn hát các điệu hát nói về công lao của đấng tổ tiên, sự tích dòng họ, các sinh hoạt cấy trồng, dệt vải, săn bắn… Mục đích chính của nghi lễ này là để cầu cúng tổ tiên, cầu khấn tổ tiên phù hộ sang năm mới mọi người trong gia tộc, dòng họ được mạnh khoẻ, mưa thuận gió hoà cho mùa màng bội thum, gia súc, gia cầm phát triển không bị dịch bệnh…

 

Trai – gái Dao Đỏ hát giao duyên trong ngày Tết. Ảnh: Internet

Trong Lễ hội còn có hội hát giao duyên của trai gái trong bản và các trò chơi mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số như: ném còn, bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, leo cột mỡ, đi cầu tre… thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham gia và khám phá.

 Nguồn: dantocviet

Bài viết cùng chuyên mục