Theo quan niệm của người Tày (Bắc Kạn), thực hiện Lễ cúng trấn trạch sẽ giúp xua đuổi tất cả ma quỷ, giúp cho những thành viên trong gia đình yên tâm làm ăn. Sau khi làm nhà mới xong, bất cứ gia đình người Tày nào cũng phải làm Lễ trấn trạch. Ảnh: Internet […]
Theo quan niệm của người Tày (Bắc Kạn), thực hiện Lễ cúng trấn trạch sẽ giúp xua đuổi tất cả ma quỷ, giúp cho những thành viên trong gia đình yên tâm làm ăn.
Bên cạnh Lễ cúng cơm mới, Lễ cúng thần thổ địa… thì Lễ cúng trấn trạch là một nghi lễ quan trọng của người Tày. Sau khi làm nhà mới xong, bất cứ gia đình người Tày nào cũng phải làm Lễ trấn trạch. Họ cho rằng, lễ cúng này sẽ giúp xua đuổi tất cả ma quỷ, giúp cho những thành viên trong gia đình yên tâm làm ăn.
Ngôi nhà không đơn thuần chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi chứng kiến sự ra đời, trưởng thành và mất đi của mỗi người. Cũng bởi sự gắn bó khăng khít của ngôi nhà với chu kỳ đời người cho nên Người Tày chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng cho nghi lễ này.
Để chuẩn bị cho buổi lễ, từ rất sớm, các thành viên trong nhà cùng nhau sửa soạn các vật dụng làm Lễ trấn trạch và nấu những món ăn truyền thống cho lễ cúng. Bánh dầy là lễ vật không thể thiếu trong những dịp này. Từ công đoạn giã cơm nếp quyện sánh cho tới nặn bánh đều được làm cẩn thận. Trong mâm lễ vật không thể thiếu món xôi trứng kiến là một trong những đặc sản của người Tày.
Trong mâm lễ vật không thể thiếu món xôi trứng kiến là một trong những đặc sản của người Tày. Ảnh: Internet |
Người Tày sắp xếp mâm cúng theo thứ tự: mâm cao nhất là mâm của tổ tiên, tiếp đến là mâm thầy then rồi đến mâm thánh. Trong khi thầy cúng làm lễ, con cháu trong nhà tập trung quây quần cùng cầu mong những điều tốt đẹp. Họ cảm ơn tổ tiên đã phù hộ độ trì, ước mong xua đuổi được tà ma để có cuộc sống no ấm.
Những lá sớ sẽ được dán vào 4 cây cột tương ứng với 4 hướng trong nhà. Thầy cúng giơ lệnh bài trước những lá sớ rồi đem đi đốt. Điều này khiến ma quỷ trong nhà không còn nơi trú ngụ.
Bên cạnh lễ trấn trạch, nghi lễ lên nhà mới của người Tày với còn một số nghi lễ sau:
Mang nước lên nhà: Theo tập quán của người Tày thì bà ngoại “nai”, bà nội “gia” hoặc người vợ “mi” sẽ là người đầu tiên xông nhà mới và mang ống nước lên dội vào bốn cột cái để cầu cho sau này làm ăn sinh sống sẽ mát mẻ, thuận lợi.
Mang lửa lên nhà: Ông nội “pú” hoặc chồng “pù” cầm bó đuốc, cầm củi lửa lên đốt ở gian giữa nhà dưới tấm vải đỏ. Họ còn cầm theo bốn gói muối đặt ở bốn góc của đống lửa, dúm thóc đặt vào 8 góc của ngôi nhà. Ý nghĩa của việc mang thóc lên nhà mới với hàm ý no đủ, mùa màng tốt tươi, nó còn là nơi giữ “vía” của chủ gia đình khi đặt lên các cột. Lửa được đốt liên tục trong ba ngày ba đêm không để tắt, giữ cái đỏ may mắn trong nhà.
Đốt pháo ăn mừng và dán giấy đỏ: Dựng xong nhà mới, người Tày có phong tục đốt pháo ăn mừng nhà mới, thể hiện sự vui sướng, phấn khởi của tất cả mọi người. Họ còn treo vải đỏ ở cửa ra vào và dán giấy đỏ ở hai bên cửa thể hiện sự may mắn, vui mừng của gia chủ.
Rước bát hương lên bàn thờ nhà mới: Thời gian rước bát hương phải diễn ra trước khi mặt trời lặn thì sẽ không bị mất hết những may mắn, phát tài, phát lộc. Khấn xong mang bát hương đặt lên bàn thờ mới thì các thủ tục lên nhà mới của người Tày đã xong.
|
Lễ trấn trạch còn là dịp để chủ nhà cảm ơn những người thân trong gia đình đã giúp đỡ họ hoàn thành ngôi nhà. Ảnh: minh họa |
Sau khi các nghi lễ lên nhà mới kết thúc, gia chủ mời anh em, họ hàng cùng vào mâm ăn cỗ mừng nhà mới. Những ai biết hát thì vừa uống rượu vừa hát các bài hát dân ca kể về quá trình dựng nhà mới: từ khi đeo bao dao đi tìm cây gỗ về dựng nhà, đi lên rừng tìm rau về làm món ăn… Không khí đón mừng nhà mới đông vui náo nhiệt lan ra khắp cả bản, những anh em ở xa cùng về dự đông đủ. Bởi thế, Lễ trấn trạch của người Tày, ngoài ý nghĩa xua đuổi tà ma, còn là dịp để chủ nhà cảm ơn những người thân trong gia đình đã giúp đỡ họ hoàn thành ngôi nhà và thắt chặt tình đoàn kết trong gia đình.
Nguồn: dantocviet