Với người Cơ tu, bánh sừng trâu không chỉ là một món bánh ngon, lạ mà còn là chiếc cầu nối thiêng liêng giữa người dân với thần linh, đất trời trong các dịp lễ, tết. Bánh sừng trâu của người Cơ tu Nguồn gốc một tên gọi Đến các buôn làng của người […]
Với người Cơ tu, bánh sừng trâu không chỉ là một món bánh ngon, lạ mà còn là chiếc cầu nối thiêng liêng giữa người dân với thần linh, đất trời trong các dịp lễ, tết.
Bánh sừng trâu của người Cơ tu
Nguồn gốc một tên gọi
Đến các buôn làng của người Cơ tu trong các dịp lễ tết, hẳn không ai quên được một món ăn nhìn rất lạ mắt trên mâm cúng tổ tiên, thần linh. Đó là một loại bánh có chiều dài 10cm đến 15cm, trang trí trên mâm cỗ, có hình chiếc sừng trâu. Hỏi ra, mới biết, đấy là bánh sừng trâu – một loại bánh truyền thống của người Cơ tu.
Người Cơ tu gọi bánh sừng trâu với nhiều tên gọi khác nhau. Như: Avị cuốt, bánh đót, c'cót… Tuy nhiên, cái tên "bánh sừng trâu" vẫn được đồng bào nơi đây thích nhất bởi nó mang tính dân dã, đơn giản và thiêng liêng.
Dân dã, đơn giản vì chỉ nhìn từ ngoài vào, người ta biết được chiếc bánh mang hình dáng của chiếc sừng trâu. Nhưng mang ý nghĩa sâu xa hơn, đó là con trâu có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đời sống của người Cơ tu.
Đồng bào nơi đây gọi con trâu là "Tơ ri". Người Cơ tu quan niệm, việc sở hữu con trâu là việc quan trọng trong đời người ("cưới vợ, làm nhà, tậu trâu"). Đám cưới không có trâu coi như chưa xong các thủ tục của lễ cưới. Ngày lễ, tết không có trâu hiến tế thì ngày lễ ấy trời không biết, Giàng không hay, người dân không được che chở. Chính vì vậy, hình ảnh gắn liền với con trâu trở nên quen thuộc với người Cơ tu. Để từ đó, cái tên bánh sừng trâu được người dân sử dụng rỗng rãi.
Người dân Cơ tu đang làm bánh chuẩn bị cho ngày tết
Món bánh ngon và lạ
Để làm được bánh sừng trâu, người Cơ tu phải có được loại nếp vàng có từ lâu đời – nếp vàng proong. Khi Amế (mẹ) ở nhà xay, giã, dần, sàng cho thật trắng thì các Ati (em gái) vào rừng hái lá đót (axở, atơớng)về gói bánh. Những chiếc là đót đươc chọn phải to bản, dày và không bị rách và chuẩn bị thêm lạt buộc bánh.
Điều đặc biệt trong cách gói bánh của người Cơ tu chính là gạo nếp không vo trước khi gói mà để khô. Lá đót lau sạch. Dưới những bàn tay khéo léo của người phụ nữ, lá đót được xoay 360 độ, tạo thành hình nón hoặc hình phễu. Tiếp đó, giữ chặt hai mép lá rồi lấy nếp khô bỏ đầy, nén vừa chặt, đem gấp lại phí lá đót thừa để tạo thành chiếc bánh đơn.
Sau khi gói xong, họ cột bánh lại thành từng cặp rồi mới ngâm nước khoảng 2 tiếng. Thời gian luộc bánh từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Bánh sừng trâu lúc nấu phải đổ ngập nước. Trong khi nấu phải chú ý độ của lửa. Lửa không được tắt giữa chừng, cũng không được để lửa quá già.
Bánh sừng trâu khi dã chín có màu sắc đẹp của nếp, tỏa ra mùi hương ngọt ngào của lá đót trông rất hấp dẫn. Bánh sừng trâu của người Cơ tu không có nhân, có lẽ vì thế mà bánh sừng trâu sau nhiều ngày vẫn giữ được độ dẻo, mùi thơm mà không sợ hỏng.
Bánh sừng trâu được người Cơ tu dùng trong những ngày Tết, lễ hội như lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha rootơmêê), lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví), lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu (Pơ Ngoót)…
Nguồn: dantocviet