Sat, 04 / 2013 1:26 am | helios

Được tích lũy qua hàng ngàn năm lịch sử, những làn điệu dân ca đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc, như dòng suối trong vắt, mát lành, làm giàu thêm tâm hồn người Việt. Đêm Chung kết Liên hoan Dân ca khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ vừa […]

Được tích lũy qua hàng ngàn năm lịch sử, những làn điệu dân ca đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc, như dòng suối trong vắt, mát lành, làm giàu thêm tâm hồn người Việt. Đêm Chung kết Liên hoan Dân ca khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ vừa diễn ra tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) vào tối ngày 23-3 để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều tình cảm ấm áp, ngọt ngào trong lòng đông đảo khán giả Bắc Ninh.


Các đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam tặng kỷ niệm chương cho các đơn vị tham dự Liên hoan Dân ca khu vực Đồng bằng và Trung Bắc bộ.

Đến dự và thưởng thức những làn điệu dân ca trong đêm Chung kết có các đồng chí: Trần Văn Túy, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Nhân Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tử Quỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Vũ Công Hội, Phó Vụ Trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ (Ban Tuyên giáo T.Ư); Phạm Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng BCĐ Liên hoan Dân ca lần thứ V- 2013; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh cùng đông đảo những người yêu mến dân ca trong tỉnh.

 

Đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa cho các đơn vị tham dự Liên hoan.

Trên quê hương Quan họ “một làn nắng cũng mang điệu dân ca”. Có lẽ vì thế nên đây không phải là lần đầu Bắc Ninh vinh dự được Đài Truyền hình Việt Nam chọn là địa điểm tổ chức Liên hoan dân ca khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ. Trong lời phát biểu chào mừng, đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: “Cùng với phát triển kinh tế, Bắc Ninh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa – nguồn động lực và nền tảng tinh thần của xã hội. Tự hào là nơi hội tụ của kho tàng văn hóa dân gian với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc. Trong đó, nổi bật nhất là hai Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là Dân ca Quan họ và Ca trù… Bắc Ninh vinh dự được chọn là địa điểm tổ chức Liên hoan Dân ca Việt Nam 2013 khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ, đây không những là cơ hội để khán giả trong tỉnh một lần nữa được tắm mình trong dòng suối dân ca mát lành của ông cha để lại mà còn là dịp để các diễn viên, khán giả giao lưu học hỏi, tăng cường tình cảm và sự gắn kết văn hóa giữa các địa phương…”.

 

Hát Trống quân-cò lả do các nghệ nhân xã Liêm Thuận, Thanh Liêm, Hà Nam thể hiện.

 

Liên hoan thu hút sự tham gia của các đoàn nghệ nhân đến từ 10 tỉnh, thành phố trong khu vực với phong phú các thể loại dân ca đậm chất Bắc bộ. Nếu như liền anh, liền chị chủ nhà Bắc Ninh hãnh diện với những làn điệu Dân ca Quan họ lời cổ “mẫu mực”, hát không nhạc đệm như: Nên chăng kẻo luống công trình và Nhác trông chim sáo đổi hình thì những nghệ nhân đến từ Nam Định lại “khoe” đặc sản Hát văn với: Hội làng và Giá “Quan đệ tam”. Trong khi đó, Thái Bình khẳng định sức sống trường tồn của nghệ thuật chèo bằng việc giới thiệu đến công chúng những làn điệu chèo cổ Hà Vị và Vỉa Bồng mạc – Hát sử bằng do hai nghệ nhân đại diện cho hai thế hệ là Bùi Đăng Triêm, 65 tuổi ở làng Khuốc (xã Phong Châu, Đông Hưng) và cháu Phạm Nguyễn Ngọc Anh (9 tuổi) ở thành phố Thái Bình. Tự hào với nghệ thuật Ca trù, Hà Nội và Hải Dương cũng mang đến Liên hoan những thể cách đặc sắc được lưu truyền, gìn giữ trong các gia đình nghệ nhân như: gia đình nghệ nhân dân gian Phạm Thị Huệ đại diện cho thủ đô Hà Nội với Thể cách Bắc phản (mẹ đệm đàn đáy và con gái Nguyễn Huệ Phương, 14 tuổi là ca nương); còn Hải Dương là gia đình nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ với sự góp mặt của cháu ngoại – ca nương Trương Thị Chiêm qua thể cách hát nói Thú Hương Sơn. Những tiết mục dân ca vốn là thế mạnh của các tỉnh, thành phố như: Xẩm Thập ân của Ninh Bình, Trống quân lời cổ ở Dạ Trạch (Hưng Yên) hay các chặng hát Xoan cổ Đi chơi bợm gái và Bỏ bộ của các nghệ nhân đến từ đất tổ Phú Thọ đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, sự rung động đặc biệt đối với khán giả tỉnh nhà.

 

 

Phần lớn nghệ nhân tham dự Liên hoan lần này đều là những người nông dân ở nơi thôn dã. Họ mang lời ca, tiếng hát mộc mạc, thân thuộc của quê hương để giới thiệu với công chúng khán giả cả nước. Đến với Liên hoan, các nghệ nhân đều chung niềm say mê, lòng nhiệt tình và có một tình yêu mãnh liệt, đắm đuối với dân ca. Bởi thế, họ không đặt nặng việc “so tài” hay ganh đua giải thưởng như ở các cuộc thi khác mà chỉ xem như cuộc giao lưu văn nghệ dân gian, được trình diễn giới thiệu những làn điệu dân ca nguyên bản của quê hương mình và khẳng định ý thức gìn giữ, bảo tồn những vốn quý tinh hoa của dân tộc. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian, Chủ tịch HĐNT chia sẻ: Theo tôi thì Liên hoan dân ca Việt Nam đang dần đi vào thực chất. Có nghĩa là, Liên hoan đã trở thành một sân chơi dành cho những người lao động bình thường chứ không phải của những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Các cụ, các ông, các bà và các cháu đã mang lên sân khấu những tiết mục mà họ vẫn hát, vẫn biểu diễn ở những nơi thôn làng. Đó chính là những người đã gìn giữ, bảo tồn một cách đầy đủ và nghiêm túc để những làn điệu dân ca, nhạc cổ truyền thống của dân tộc vẫn mang vẻ đẹp vẹn nguyên như thế”.

 

Thể cách Bắc phản do ca nương Nguyễn Huệ Phương, 14 tuổi (Giáo phường Ca Trù Thăng Long-Hà Nội) thể hiện.

 

Với sự góp mặt của các nghệ nhân ở nhiều lứa tuổi khác nhau, từ lão ông, lão bà tóc bạc, lưng còng cho đến những các em nhỏ lứa tuổi măng non đã khẳng định cho sức sống mãnh liệt xuyên suốt của những làn điệu dân ca vùng Đồng bằng và Trung du Bắc bộ. 14 tiết mục đặc sắc được HĐNT chọn lựa qua vòng chung khảo để biểu diễn trong đêm Chung kết đều nhận được những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Nghệ nhân dân gian Lê Thị Lâm, 70 tuổi (thôn Yên Vỹ, Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên) xúc động: “Thực lòng, chúng tôi không dám nghĩ, tiết mục hát Trống quân lời cổ lại chinh phục được khán giả ở miền Quan họ. Cảm ơn khán giả Bắc Ninh đã dành tình cảm với phần biểu diễn của đoàn nghệ nhân tỉnh Hưng Yên chúng tôi. Đến đây chúng tôi mới cảm nhận được tình yêu dân ca nồng nàn, tha thiết của người dân Bắc Ninh”. Rõ ràng sự vô tư trong lối biểu diễn và sức hút của những làn điệu dân ca ngọt ngào cùng ý nghĩa sâu sắc trong ca từ đã giữ chân khán giả đến tận phút cuối cùng. Chị Nguyễn Thị Lự, ở Hữu Chấp, Hòa Long, thành phố Bắc Ninh tâm sự: Đa phần các tiết mục là làn điệu cổ, lời cổ nhưng các nghệ nhân đã thể hiện rất hay. Dù không phải tiết mục nào nghe cũng hiểu hết nhưng tôi vẫn thích và thấy yêu dân ca hơn.

 

Tiết mục Trống quân lời cổ do các nghệ nhân xã Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả.

 

Dân ca đã ngấm vào máu của những người nông dân và được tryền từ đời này sang đời khác là điều không thể phủ nhận. Liên hoan Dân ca khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ tuy đã khép lại nhưng chất trữ tình, đằm thắm và sâu sắc của những khúc dân ca ngọt ngào sẽ còn đọng mãi trong lòng người dân miền Quan họ.

 

Chặng hát Bỏ bộ của các nghệ nhân phường Xoan (Phú Thọ).

 

Người dân Bắc Ninh cũng mang một tình yêu dân ca tha thiết.

Bài viết cùng chuyên mục