Thôn Cẩm Xuyên thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa nổi tiếng trong vùng bởi tài làm diều sáo và nghệ thuật thả diều điêu luyện. Những buổi chiều hè hay chớm thu về với làng quê vùng sông nước này sẽ thấy từ xa những cánh diều ngạo nghễ lướt gió trên tầng không, […]
Thôn Cẩm Xuyên thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa nổi tiếng trong vùng bởi tài làm diều sáo và nghệ thuật thả diều điêu luyện. Những buổi chiều hè hay chớm thu về với làng quê vùng sông nước này sẽ thấy từ xa những cánh diều ngạo nghễ lướt gió trên tầng không, tiếng sáo vi vút ngân dài tạo thành một điệp khúc du dương không bao giờ dứt.
Cho đến nay không ai biết thú chơi thả diều có từ bao giờ. Ở Cẩm Xuyên, thả diều đã tồn tại từ lâu cùng với lịch sử hình thành làng xóm. Đây là làng cổ nằm ven sông Cầu với bờ đê thoáng mát, gió lộng và đều nên người làng đã có thú chơi diều từ xa xưa. Vào những dịp nông nhàn, khi gió mát trăng thanh người trong làng (đàn ông) lại làm diều, làm sáo, thả diều cả đêm trên cánh đồng lúa bát ngát, nương dâu xanh mát của làng quê.
Ở xã Xuân Cẩm, cách thức làm diều giống nhau giữa các làng. Bởi đây là một thú chơi không có sự thi thố, thắng thua nên cách thức làm diều được phổ biến, người biết làm diều cũng không ai dấu nghề, ai muốn học đều dạy cho. Tuy nhiên, để chơi diều, thả diều cần rất nhiều công phu, đầu tiên là phải biết làm diều. Thường là đàn ông trong làng, ai cũng biết làm diều, chẳng ai đi mua diều của người khác về thả cả. Nhưng cái tài khéo thì không ai giống ai, cùng một công thức nhưng không phải con diều của người nào cũng bay cao, sáo của người nào cũng thanh trong, êm ái.
Nguyên liệu làm diều gồm có: tre, giấy bản, củ nâu, bọt chão chuộc.
Cách làm như sau: Chọn loại tre bánh tẻ vào thời gian khoảng từ tháng 5 đến tháng 6 dương lịch. Cây tre làm diều phải là cây vừa tầm, không quá cao vì những cây này thường mềm, không quá thấp, không được quá nhiều cành, thân tre hơi ngả vàng là được. Tre hạ xuống được pha làm nhiều khúc tuỳ thuộc vào kích thước diều định làm, phơi sương đêm nhiều ngày cho dẻo tre, sau đó chẻ nhỏ để vót cọng diều. Vót cọng diều là cả một quá trình, nó quyết định đến sự thành công hay thất bại của con diều. Cọng nếu vót quá nhỏ, diều sẽ dễ lên nhưng nếu gặp gió cả sẽ bị chao. Nếu to quá, diều sẽ rất khó ăn gió. Cọng diều được vót thuôn nhỏ về hai đầu, dễ bắt gió nhưng vẫn đủ độ cứng khi gặp gió cả. Hai cọng diều không nhất thiết phải bằng nhau nhưng mỗi cọng bắt buộc phải đối xứng nhau. Để kiểm tra sự đối xứng của cọng diều người ta thường lấy một sợi dây không co dãn, kéo cọng theo một mức nhất định và quan sát.
Khung đã lên xong, bây giờ đến công đoạn dán diều, xưa kia trong làng thường dùng giấy bản, hiện nay chủ yếu dùng ni lon, vừa dễ mua lại không sợ ướt. Giấy bản dán lên phải vừa căng nhưng không được kéo khung, mép khâu phải đều cân xứng. Để tránh giấy bản gặp mưa ướt hỏng diều, người làng Cẩm Xuyên sử dụng củ nâu và bọt chão chuộc trộn lẫn, đánh thành bột nhuyễn, miết hỗn hợp này lên giấy bản cho đều sẽ chống được thấm nước.
Dây diều xưa kia cũng được làm từ tre. Người làng chọn tre bánh tẻ, vót nhỏ, luộc với nước muối cho dẻo rồi nối lại với nhau. Kỹ thuật nối cũng rất cầu kỳ, không khéo léo thì không thể nối được. Nay thường dùng dây ni lông, dây chão to để thả diều.
Để thả diều được người chơi phải rất vất vả, đúng là một cuộc trình diễn thật sự, người cầm diều, người cầm dây, lựa hướng gió sao cho đúng để đâm diều, thả diều lên đúng độ cao cần thiết để từ đó cố định diều lại. Người làng đã có câu ca:
Thứ nhất là mồ côi cha
Thứ hai gánh vã1 , thứ ba chơi diều
Hay:
Con ơi giữ dây cho chắc
Lắc dây cho đều
Để bố thả diều kiếm bát cơm ăn…
Những câu ca này đều nói đến sự vất vả của việc thả diều. Vất vả là vậy nhưng với những người yêu diều, mê diều thì được nhìn ngắm con diều bay cao lưng chừng trời, tiếng sáo êm êm trong gió là một niềm vui lớn, thả diều cao, đứng, cột chắc dây cũng như đánh xong một trận đánh, khi ấy mới nhẹ lòng bắt tay làm những việc khác.
Thả diều là một thú chơi có nguồn gốc từ xa xưa trong cộng đồng cư dân Việt. Đưa một con diều với tiếng sáo vi vu lên bầu trời thể hiện ước vọng của người nông dân vươn lên không trung. Qua thả diều người nông dân được nghỉ ngơi, thư giãn, chiêm ngưỡng hình ảnh con diều trôi trên bầu trời xanh thẳm hay trong ánh trăng đêm mà thêm yêu đời, yêu cuộc sống làng quê./.
Nguồn: vanhoabacgiang