Các họa tiết hoa văn trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ (Yên Bái) là biểu hiện tính cần cù, nhẫn nại và bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ Dao Đỏ. Bộ trang phục thể hiện bàn tay khéo léo của người phụ nữ Dao Đỏ. […]
Các họa tiết hoa văn trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ (Yên Bái) là biểu hiện tính cần cù, nhẫn nại và bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ Dao Đỏ.
Với trí tưởng tượng phong phú cùng sự cần cù và đôi bàn tay khéo léo, người phụ nữ dân tộc Dao Đỏ đã biến tấu những điều đơn giản trong cuộc sống hàng ngày thành những họa tiết rực rỡ tạo nên sự ấn tượng và làm nên bản sắc riêng cho dân tộc trong bộ trang phục truyền thống.
Phải mất rất nhiều công sức để trang trí hoa văn cho bộ trang phục của phụ nữ Dao Đỏ. Để tạo thành bộ y phục đẹp người ta kết hợp 5 màu cơ bản, nhưng chủ yếu là màu đỏ để làm phụ tiết. Họ đã tìm thấy trong thiên nhiên như cỏ, cây, hoa lá, các loài động vật… để tạo nên những họa tiết trang trí cho bộ trang phục thêm đẹp và rực rỡ.
Theo phong tục của người Dao Đỏ thì trong bộ y phục, quan trọng nhất là chiếc áo dài có màu chàm hoặc màu đen. Bên trong chiếc áo dài, phụ nữ Dao còn mặc một chiếc áo “lui ton” giống như cái yếm, mặc bên trong che kín cả ngực, cổ tròn mở sau gáy. Một trong những thứ tạo nên nét độc đáo cho bộ y phục không thể không kể đến khăn đội đầu và các đồ trang sức bằng bạc.
Chiếc khăn đội đầu được người Dao Đỏ trang trí hình vết hổ, cây vạn hoa, hình cách đoạn… Hoa văn ở trên khăn từ ngoài vào có 5 lớp, 5 lớp này được bao khuôn ổ vuông ở trung tâm "điểm" của khăn. Khi đội lên đầu, các hoa văn họa tiết của 5 lớp văn sẽ phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn. Tua len làm bằng sợi len có tua rua bằng sợi tơ đỏ, ở lớp ngoài với nhiều màu, không chỉ có tác dụng thẩm mỹ mà còn giúp để khi vấn giữ cho khăn chặt hơn. Các họa tiết trên tua len gồm có hình sôm, hình gấp khúc, hình cây thông…
Tiếp đến là chiếc áo bé. Họa tiết hoa văn trên áo bé, tập trung chủ yếu ở phần ngực, cổ và lưng áo. Hoa văn được trang trí trên ngực áo bé là cách đính cúc hoa bạc theo chiều dọc ở giữa áo, áo bé mặc trong, áo dài mặc ngoài, hàng hoa bạc giữa hai hàng quả bông len đỏ. Hoa văn trang trí trên thân sau áo bé được thêu theo chiều dọc của áo, gồm các họa tiết hình cây thông – với dân tộc Dao, hình cây thông chính là hình đuôi chó cách điệu; hình dấu chân hổ – chính là hình chân chó cách điệu mà người Dao vẫn đang thờ; hình hoa kiệu; hình thập ngoặc; hình răng cưa… được thêu ở hai bên, cúc hoa bạc đính ở giữa rất đẹp.
Khác với chiếc áo bé, hoa văn trang trí trên áo dài tập trung ở viền nẹp ngực tà áo và đầu ống tay áo được trang trí các họa tiết hình sôm, hình dấu chân hổ, hình răng cưa, hình quả trám, hình thập ngoặc… Nẹp ngực mỗi bên đính 7 quả bông len đỏ và các tua len được đính ở nơi xẻ tà.
Ở phần dây lưng, hoa văn trang trí tập trung ở hai đầu gồm các họa tiết hình sôm, hình dấu chân hổ, hình cây thông, hình thập ngoặc và hình người mặc váy. Khi thắt dây lưng phải cuốn từ 3 đến 4 vòng và buộc chặt ở phía sau.
Nhưng cầu kỳ, tỷ mỉ nhất vẫn là hoa văn trang trí trên quần. Họa tiết ở nửa dưới của hai ống quần là các họa tiết thêu hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ – vàng – trắng, hình cây thông, hình chữ vạn, hình quả trám; bên trong là các họa tiết hình sôm, hình thập ngoặc, hình dấu chân hổ, hình răng cưa, hình người mặc váy.
Cuối cùng là hoa văn trang trí trên tạp dề. Hoa văn trang trí chủ yếu là hình răng cưa, hình cây thông, hình quả trám vuông có chữ "Vạn"… Viền có các tua len màu đỏ, khi đã mặc áo, quần, thắt lưng thì cuốn tạp dề ở ngoài cùng. Thắt tạp dề không những để che phần vải không thêu hoa văn của áo dài mà còn tăng thêm vẻ đẹp sang trọng của bộ lễ phục…
Có thể nói, hoa văn trang trí trên y phục của người phụ nữ Dao Đỏ không chỉ biểu hiện tính cần cù, nhẫn nại và bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú cùng với con mắt thẩm mỹ mà về nghệ thuật còn rất tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục cân đối hài hòa, vui tươi, trong sáng, góp phần tô điểm thêm cho vườn hoa trang phục đầy hương sắc của các dân tộc ở tỉnh Yên Bái nói chung và bản sắc riêng vốn có của dân tộc Dao Đỏ.
Nguồn: cinet