Quần áo vải lanh với hoa văn tinh tế không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn tạo nên bản sắc dân tộc độc đáo của người Mông (Hà Giang). Người con gái Mông nào cũng biết tự trồng lanh, dệt vải, may áo cho mình Người Mông đánh giá tài năng, vẻ đẹp và […]
Quần áo vải lanh với hoa văn tinh tế không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn tạo nên bản sắc dân tộc độc đáo của người Mông (Hà Giang).
Người Mông đánh giá tài năng, vẻ đẹp và đức hạnh của người phụ nữ qua khả năng thêu, dệt thể hiện trên những bộ trang phục mà họ mặc trong ngày hội. Trai bản kén vợ cũng dựa vào đó mà có sự lựa chọn. Chính vì thế mà trải qua hàng trăm năm, nghề dệt lanh của người Mông đã được bảo tồn để trở thành nghề truyền thống đến ngày hôm nay.
Cây lanh chiếm một vị trí quan trọng trong cả đời sống thường ngày cũng như đời sống tinh thần của đồng bào Mông (Hà Giang). Đó là chất liệu làm nên bộ trang phục truyền thống độc đáo trên vùng đất này.
Vải lanh của người Mông nơi đây là một trong những sản vật quý. Được làm hoàn toàn thủ công từ đôi bàn tay người phụ nữ, vải lanh là một chất liệu tuyệt vời cho may mặc: Âm áp vào mùa Đông, thoáng mát vào mùa hè. Chính điều này đã làm cho sản phẩm vải lanh rất được các du khách nước ngoài ưa chuộng. Rồi cũng từ những tấm vải lanh óng ánh này, dưới bàn tay khéo léo, óc thẩm mĩ tinh tế của người phụ nữ Mông, họ đã tạo nên những bộ trang phục truyền thống với vô vàn họa tiết hoa văn đặc sắc.
Những bộ trang phục truyền thống được làm từ lanh làm tôn nên vẻ đẹp của người phụ nữ Mông
Dường như người con gái Mông nào cũng biết tự trồng lanh, dệt vải, may áo cho mình. Cách làm lanh của con người nơi đây đã tạo nên đức tính nhẫn nhịn đến kiên cường của người phụ nữ Mông hay là chính bởi sự nhẫn nại tuyệt vời trong bản chất của người phụ nữ Mông mà cây lanh gắn bó được với dân tộc này, cho đến tận ngày nay.
Nhìn cách người ta nối những sợi lanh mới thấy hết sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của những người phụ Mông. Nhưng để có được những sợi lanh như vậy, phải trải qua rất nhiều công đoạn vất vả. Để gieo hạt lanh, cũng chọn ra những đám nương tốt nhất. Lanh gieo xuống, gặp đất tốt, xanh um. Cây vươn cao lớn nhanh từng ngày. Thu hoạch lanh về, rồi đập dập, tước lấy vỏ, ngâm nước tro, hong khô… Đến công đoạn nối sợi lanh. Công đoạn này thường được phụ nữ Mông làm vào bất kỳ lúc nào ngơi tay.
Sau khi đã nối xong thành những cuộn lanh to, người ta đem ngâm nước tro, kéo go, dệt vải… Qua không biết bao nhiêu công đoạn, không biết bao giọt mồ hôi của người phụ nữ đã rơi xuống mới cho ra được một tấm vải lanh. Vải lanh lại được ngâm nước tro cho đến khi trở nên trắng óng mới thôi.
Ngày hôm nay, ở nhiều địa phương của Hà Giang đã hình thành nên các làng nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm thổ cẩm. Đây chính là đầu ra cho sản phẩm vải lanh của đồng bào. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để những người phụ nữ Mông nói riêng và phụ nữ vùng cao nói chung có cơ hội phát huy và giữ gìn nghề thêu thùa truyền thống của mình.