Đã có nhiều bài viết về Dinh thự của họ Vương ở Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang, song rất nhiều bài có chi tiết liên quan chưa xác thực, khiến cho dinh thự họ Vương trở thành câu chuyện đầy huyền bí. Sau hiệp ước Pháp-Mèo tháng 10/1913 vùng Bắc Hà Giang mới được […]
Đã có nhiều bài viết về Dinh thự của họ Vương ở Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang, song rất nhiều bài có chi tiết liên quan chưa xác thực, khiến cho dinh thự họ Vương trở thành câu chuyện đầy huyền bí.
Sau hiệp ước Pháp-Mèo tháng 10/1913 vùng Bắc Hà Giang mới được yên bình. Có một thuộc hạ của Vương Chính Đức tên là Cư Trồng Lù giữ chức Bách trưởng (đứng đầu chỉ huy 100 lính do Vương đặt ra, phiên chế trong lực lượng vũ trang Mèo) hiểu biết về phong thuỷ gợi ý thủ lĩnh nên thay đổi nơi ở. Theo ông Lù nơi đang ở chân núi cao, cạnh hẻm núi không hợp tuổi ”vua” Mèo, không lợi cho hậu thế lâu dài. Nghe ra, họ Vương đã đi tìm thầy giỏi thiên văn, địa lý và thuật phong thuỷ từ bên tầu về xem đất. Cuối cuộc khảo sát, thầy đã tìm được nơi đắc địa-đó là một thung lũng nhỏ, ở giữa có hình mai rùa-một trong tứ linh theo phong thủy.
Hiện trạng lúc đó, nơi này chỉ để chăn nuôi, nhốt súc vật lấy phân, toàn khu mai rùa trồng chè nên có tên Mèo là TSùa Phình-nghĩa là bãi trồng chè. Theo thầy phán, nơi đây có vượng khí của bậc đế vương. Xây dinh lũy ở đây đảm bảo trọn vẹn 2 chức năng công, thủ. Những cung núi dựng đứng xung quanh chỉ có con đường nhỏ độc đạo sẽ ngăn quân thù giáp công 4 mặt. Khi tấn công quân thù khó thoát bởi nghĩa binh Mèo thông thạo các đường ngang ngõ tắt trên các triền núi, di chuyển cơ động chặn và tiêu diệt kẻ thù dễ như trong lòng bàn tay. Dinh thự trên lưng thần Kim quy là biểu tượng của sự vĩnh cửu. Hai ngọn núi phía Bắc nhô lên như 2 mâm xôi là sự đầy đặn, no đủ. Thế núi bao quanh là sự vững chãi, sâu rễ, bền gốc mãi về sau…
Nhân đây, cũng kể thêm một chút về chuyện này, có lần tôi cùng cụ Vương Quỳnh Sơn công tác ghé qua dinh thự, rồi đi xuôi xuống xã Lũng Táo 13km nữa để thăm bà thím của cụ đang sống ở đó. Khi xe chạy vòng lưng núi chuẩn bị đổ dốc xuống dinh thự, cụ bảo tài xế dừng nơi đối diện với 2 ngọn núi phía Bắc. Vừa đứng hút thuốc, cụ vừa nói: ”Hai quả núi kia ngoài chuyện như thầy Tàu phán, nó còn che chắn mặt Bắc cho dinh thự. Hồi chiến tranh biên giới nó câu không biết bao nhiêu là pháo 105 ly sang đất ta. Thế mà không có quả nào rơi vào thung lũng. Tất thảy đều vượt qua thung sang nổ ở mãi chân núi đằng kia”. Nhân tiện tôi hỏi cụ: ”Có người nói chắc như đinh đóng cột rằng Dinh xây vào năm 1914, rằng kéo dài tới 8 năm?”.
Ảnh: Internet.
Ảnh: Internet.
Cụ cười hóm hỉnh với câu nói muôn thuở: ”Kệ cho chúng nó sai. Ngay cả thằng cháu tao cử nhân làm ở viện xã hội gì đó còn viết sai. Tao cũng không nói cho nó biết. Nhớ có đôi lần tao đã nói cho mày nghe về cuộc chiến Pháp-Mèo 1909-1913 dẫn đến ký hiệp ước đình chiến vào tháng 10-1913. Bấy nhiêu năm lúc ở rừng sâu, lúc ra trực diện công, thủ liên miên, lo cái ăn, súng ống đạn dược lấy đâu ra tiền mà xây dựng khi cuộc chiến vừa mới ngưng. Mà xây gì mà những 8 năm? Dinh thự thực ra có to tát gì lắm đâu”.
Theo cụ kể, khi thầy xem xong đất, đâu đã bắt tay xây ngay. Ban đầu chỉ làm một ngôi nhà trình tường, mái ngói chắc chắn và đủ chỗ ở cho gia quyến và người giúp việc cho các cụ. Đó chính là nhà cấp thứ 2 ở giữa (mà bọn nó gọi là trung dinh). Sau nhà cấp 1 phía trước, và trước nhà cấp 3 cao nhất là nơi cụ Đức ở. Nguyên bản của cấp nhà giữa này tường trình đúng như hiện nay. Từ khi chuyển về ở, nương chè bị phá dần đi. Thay vào đó cụ Vương cho trồng ngô và rau màu phục vụ cho sinh hoạt đời sống của gia đình và những người phục vụ. Vì địa thế Sà Phìn độc lập cách xa nơi dân cư, phòng khi có sự trắc trở, cơ nhỡ.
Sau cuộc chiến Pháp-Mèo nổ ra trên toàn cõi Đông Dương từ 1918-1921, Pháp-Tưởng liên kết tấn công vùng Mèo bắt được Vương Chính Đức. Tuy nhiên chúng không dám làm hại ông, vì quân dân Mèo dưới sự chỉ huy của Vương Chí Sình vẫn kiên cường chiến đấu, đốt phá đồn bốt của Pháp,vừa đòi Pháp phải thả thủ lĩnh. Trước tổn thất và nguy cơ bị đẩy khỏi vùng núi đá, Pháp buộc phải thả vua Mèo, đồng thời đưa Vương Chính Đức làm đại diện của người Mèo trong công ty Á phiện Việt Điền chia nguồn lợi lớn trong buôn bán thuốc phiện.
Ảnh: Internet.
Ảnh: Internet.
Nhờ nguồn thu từ thuốc phiện không còn bị ép giá, ăn chia tỷ lệ công bằng mà họ Vương được hưởng lợi lớn đến nỗi phải xây hầm chứa thuốc phiện dự trữ. Ngoài ra, để ủng hộ vua Mèo xây dinh thự, một số thuộc hạ và dân Mèo tự nguyện cung tiến thêm nguồn lực cho họ Vương. Từ cơ sở dãy nhà 2 tầng có sẵn ở giữa, cụ Vương cho phát triển ra phía trước và phía sau tạo thành 3 cấp nhà khép kín. Xây thành bằng đá bao quanh và các phòng chức năng khác nhau trong dinh thự. Dinh thự được xây và hoàn thiện trong 4 năm, từ 1923-1926. Giai đoạn này cũng là thời kỳ Vương Chính Đức phất lên giàu có nhất. Thuốc phiện giúp xây dinh, giúp có nguồn lực nuôi lính, mua sắm vũ khí, đạn dược chuẩn bị cho mưu kế lâu dài trong cuộc chiến đấu với quân Pháp, Tưởng, Nhật sau này.
Dinh thự Vương – cầu kỳ và tốn kém
Việc xây dinh thự, theo cụ Vương Quỳnh Sơn là do Tống Bạch Giao người Hán-là tướng biên cương dưới trướng tư lệnh Long Vân của Tưởng Giới Thạch ở Vân Nam giúp đỡ. Là chỗ quen biết nhau, vì Bạch Giao cùng có chân trong công ty Á phiện Việt Điền với ông Vương. Tống giới thiệu với ông Vương hiệp thợ người hồi giáo vốn nổi tiếng về xây đền đài, cung vua, phủ chúa của đạo Hồi. Nhân đây cắt ngang mạch viết, cung cấp cho bạn đọc một thông tin thú vị về vị tướng Hán này, sau năm 1932 khi đã làm chủ tình hình. Tưởng đánh cho quân của Hồng binh thua liểng xiểng.
Để chấn chỉnh quân ngũ, Tưởng ra lệnh cấm trồng cây thuốc phiện và tệ hút thuốc phiện. Vì thế công ty Á phiện Việt điền lại tan vỡ. Số thuốc phiện phía Trung Quốc (trong đó có cả của người Mèo vùng cao giáp biên)-mà Tống làm đại diện-bị Pháp không chuyển tiền trả. Chính Tống đã lừa Vương Chí Thành (người được cha giao cho việc giao dịch,buôn bán) và Ngô Chính Tường sang Vân Nam bắt giữ lại và đòi phải trả thay cho Pháp. Lúc này giá thuốc phiện đã tới 5 đồng bạc trắng/lạng. Họ Ngô và họ Vương phải vét thuốc phiện của gia đình và huy động trong dân cho đủ 18 thồ (tính theo đơn vị ngựa thồ=74kg) nộp cho Tống mới được thả về.
Trở lại chuyện xây dinh. Theo cụ Vương Quỳnh Sơn, thời gian này các dòng họ vùng cao giàu lên nhờ thuốc phiện nên thi nhau xây nhà to, dinh đẹp. Ngoài họ Vương còn có họ Ngô(Mèo)ở Lùng Chá Tổng, họ Ngô nữa ở Cẩu Phì Lũng đều ở Sà Phìn. Họ Cổng người Pu péo ở xã Phố Là. Họ Dương ở Mèo Vạc xây dinh dưới chân núi Đen xã Sản Pả… Dinh thự họ Vương ở Sà Phìn chưa phải là to đẹp nhất. Nổi tiếng nhất trong chuỗi dinh thự phải kể đến lâu đài của thủ lĩnh Dương Tụ Nghĩa ở Sủng Chà, Mèo Vạc do hiệp thợ từ châu Vân Sơn, Vân Nam xây.
Quanh lâu đài có hồ nước treo trồng sen, thả cá (vậy mà tới 70-80 năm sau các nhà khoa học Việt Nam mới làm nổi hồ nước treo phục vụ cho đồng bào Mông ở 4 huyện núi đá Hà Giang). Lâu đài họ Dương sau Cách mạng đã bị đập phá san phẳng. Nhưng nền lâu đài vẫn còn và một số hậu duệ của Dương Tụ Nghĩa vẫn sống quanh khu vực đó.
Dinh thự họ Vương được xây dựng theo tiêu chí và yêu cầu của Vương Chính Đức. Trước hết phải đảm bảo được chức năng phòng thủ. Vì vậy tường thành bao quanh được xây bằng các phiến đá to, gắn xi măng chặt, khít, cao, chống được đạn bắn vào. Tường dày từ 60-80 cm, cao từ 2,5-3m. Hai chòi gác bằng đá xanh ngự trên hai góc tường thành sau của hậu dinh có lỗ châu mai, tầm quan sát rộng dễ phát hiện kẻ đột nhập từ 2 bên và phía sau. Khu dinh thự trình tường dày truyền thống của người Mèo cũng là một biện pháp phòng thủ, đạn súng trường bắn không xuyên qua được. Toàn bộ khu dinh thự gồm 3 cấp nhà khép kín dài 46m, rộng 22m, ngoài cổng dinh có lính túc trực 24/24 giờ canh gác nghiêm ngặt. Tiêu chí thứ 2 là phải tiện ích. Các cấp nhà, các phòng phải phù hợp với đối tượng sử dụng, sinh hoạt. Có kho lương thực dự trữ, hầm chứa thuốc phiện, hầm chứa súng ống, đạn dược, bể lớn có dung lượng 300 mét khối hứng nước mưa đủ dùng quanh năm…
Các phòng trong cấp nhà đầu tiên dành để tiếp các dòng họ, quân dân các địa phương đến tụ họp, ăn uống, nghỉ ngơi. Cấp nhà thứ 2 cao dần lên là nơi ở của các bà vợ, con cái, người hầu hạ gia đình vua Mèo. Tầng trên tiếp quan tây, quan ta (sau này là nơi làm việc của UBND xã Sà Phìn). Cấp nhà thứ 3 đã dần cao lên đến 10m so với mặt bằng trước cổng dinh, là nơi ở và để Vương Chính Đức ngồi xử tội phạm, bàn chuyện cơ mật trong bộ tham mưu.
Tiêu chí thứ 3 là tính mỹ thuật. Sự pha trộn đó được thể hiện trong vật liệu (đất, đá, gỗ, sắt thép, ngói lợp); trong trạm khắc đá, gỗ trên viên tảng kê cột nhà, phù điêu đá gắn tường, các đầu đao, cánh cửa, chấn song, lan can, tủ, bàn, vách gỗ ngăn các phòng… đều được chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ hình long ly quy phượng, hoa lá thể hiện sự phồn thịnh, quyền quý của bậc đế vương.
Tiêu chí thứ 4 là bền vững, lâu dài. Đá xanh vĩnh cửu, gỗ Samu (tức thông núi đá) có độ cứng, nhiều nhựa không bị nứt nẻ, mối mọt. Ngói máng âm dương nung cứng như sành lên nước ghi xanh có thể chống được mưa đá to bằng ngón chân cái (thường xảy ra ở vùng cao núi đá) đều được mua, vận chuyển từ Vân Nam sang. Thực tế việc mua và chuyển, chế tác vật liệu là khâu tốn kém nhất. Hơn 300 thợ hồi giáo và hàng trăm thợ Mèo khéo tay được tuyển dụng đã ròng rã nhiều năm mới hoàn thành được công việc này. Cuối cùng là hơn 100 cây Samu đang trưởng thành được bứng từ Trung Quốc chuyển về trồng ngoài tường thành, tạo nên một cảnh quan xanh mát, đẹp mắt – nay đã có tuổi trăm năm, thân cỡ hơn một người ôm, cao vút chọc lên trời xanh…
Những gì đang hiện hữu của dinh thự, nhiều ngưòi đã biết, đã được mô tả chi tiết trong hàng trăm bài viết tôi không có ý muốn nhắc lại.
Tôi chỉ đề cập đến những điều bạn đọc chưa biết, và chỉnh lại một vài điều chưa đúng. Theo cụ Vương Quỳnh Sơn, toàn bộ dinh thự xây tốn hết non 15.000 đồng bạc trắng (nhiều bài viết lại nói 15.000 đồng bạc Đông Dương-tiền Đông Dương). Riêng bể chứa nước mưa tốn 800 đồng, tường đá vây quanh dinh thự tốn gần 1.000 đồng, 2 lô cốt phía sau mất 700 đồng…
Điều xin nói thêm ở đây là, có tài liệu, có người kể rằng việc xây dinh thự bố con vua Mèo bắt phu mèo phục dịch, bóc lột sức lao động và đối xử tàn tệ là không đúng. Để cho khách quan, người viết không dẫn lời cụ Sơn, mà lời kể của ông Vừ Mí Kẻ-là người làm công cho gia đình họ Vương từ năm 15 tuổi. Sau này ông Kẻ giữ chức Chủ tịch Đồng Văn, khi ông nghỉ hưu là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ông Kẻ đã chứng kiến cách cư xử nhân tình của họ Vương với mọi người, cơm nước tử tế, công sá sòng phẳng, tính cách ôn hoà gần gũi với người làm công, người phục vụ cho gia đình ông được mọi người nể phục, kính trọng…