Sat, 04 / 2013 1:46 am | helios

Dòng suối Thiếp rồi sông Cổ Ngựa với những huyền tích về cuộc duyên tình thắm thiết mà đầy bi kịch éo le giữa bà chúa Sành và vua Cổ Loa đã đưa chúng ta về với làng Diềm. Đó là một làng cổ kính sơn thủy hữu tình, có sông Nguyệt Đức được các […]

Dòng suối Thiếp rồi sông Cổ Ngựa với những huyền tích về cuộc duyên tình thắm thiết mà đầy bi kịch éo le giữa bà chúa Sành và vua Cổ Loa đã đưa chúng ta về với làng Diềm. Đó là một làng cổ kính sơn thủy hữu tình, có sông Nguyệt Đức được các nhà chiêm tinh học thế kỷ XI đặt theo tên một vì tinh tú trên trời, có núi Kim Lĩnh đột khởi giữa một vùng đồng bằng như gương; có nương dâu xanh mướt gây cảm ứng, mượt mà cho những cho những câu ca “thứ dâu ăn quả thứ dâu chăn tằm”; có những di tích rêu phong cổ kính, có tiếng ca Quan họ đầm ấm thiết tha mỗi độ xuân về…

Đền Vua Bà Thủy tổ Quan họ – Làng Diềm
 

Làng Diềm, tên chữ là Viêm Xá, thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong. Rồi như để nhớ tới một thời khai đất lập làng, nơi đây còn có tên là Viêm Ấp. Tuy cách Bắc Ninh không bao xa, ước chừng chỉ độ 3,4 cây số đường chim bay, nhưng làng Diềm vẫn được coi là hẻo lánh bởi bất thuận về giao thông. Có lẽ chính vì vậy làng Diềm còn lưu giữ được nhiều yếu tố truyền thống gần với nguyên gốc, mà ít nơi có được. Tính thật thà, chất phác chân quê của người Diềm, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn được bảo tồn nhiều ở làng Diềm một phần cũng nhờ đặc điểm bất thuận giao thông ấy.
 
Làng Diềm lại nằm giữa một vùng dầy đặc những thôn xóm thờ mẫu, thờ vua bà. Như bà Chúa Kho ở Cổ Mễ, bà chúa Sành, bà Sành, bà chúa Lẫm ở Vạn An, bà chúa đánh giặc Chiêm Thành ở làng Thụ Ninh, rồi Đổng Mẫu ở Thị Cầu, bà Banh ở Đông Yên, chúa Chóa ở Chân Lạc… Yếu tố độc đáo ấy cho phép dự thuyết rằng: những cư dân nông nghiệp đã đến đây khai phá đất hoang, lập điểm tụ cư từ rất lâu đời. Sự tích về những tên đất, tên xứ đồng ở đây càng minh chứng thêm điều đó. Ví như sự tích địa danh “Đồng mặt gương”. Vậy là muộn nhất từ thế kỷ thứ 6 đã có làng Diềm.
 
Tính cổ kính, bảo lưu truyền thống của làng Diềm trước hết được thể hiện làng có một quần thể các di tích lịch sử văn hóa.
 
Trước hết là chùa “Hưng Sơn tự” (tương truyền vốn được khởi dựng từ thời nhà lý, tường chùa xây toàn bằng đá).
 
Đôi câu đối còn lại ở chùa này đã ghi lại cảnh đẹp của làng Diềm xưa:
 
Thạch tai Hưng Sơn thành rác ngạn

 

Xá hòa phong cảnh đắc viên hoa.

 

Dịch ý:

 

Đá chùa Hưng Sơn thành bờ rác ngõ,

 

Làng chan hòa phong cảnh đẹp như vườn hoa.
 
Ngay đầu làng là đền Cùng nằm dưới chân núi Kim Lĩnh, thấp thoáng ẩn hiện trong bóng cây già. Đền thờ hai vị Ngọc Dung công chúa và Thủy Tiên công chúa. Tương truyền nhị thân nữ này vốn là những người có công đánh giặc cứu dân và giữ gìn giang sơn gấm vóc. Đền cũng có giếng Ngọc vốn xây bằng đá, nước trong vắt. Các cụ thượng trong làng kể rằng từ thủa cha sinh mẹ đẻ chưa thấy giếng cạn bao giờ. Dân làng Diềm quả quyết rằng có những năm trước lụt trắng băng, vậy mà khi nước rút, đôi cá vàng vẫn không đi nơi khác.
 
Đình Diềm được xây dựng tháng 6 năm 1692 nằm uy nghi trên một nền cao bó đá với một quy mô lớn. Đình dựng theo kiểu chữ công (Hán tự), tiền tế gồm 5 gian, dài 17,5m rộng 14,9m. Phần chuôi vồ dài 6,8m, rộng 9,m. Nghệ thuật kiến trúc và trạm khắc tinh tế và lộng lẫy. Từ xưa đình Diềm đã được dân gian xếp hạng vào loại nhất nhì trong vùng:
 
Thứ nhất là Đông Khang,

 

Thứ nhì đình Báng, vẻ vang đình Diềm.
 
Đình thờ Đức thánh Tam Giang Trương Hống, Trương Hác. Thần tích ghi rõ rằng hai ngài có công giúp Triệu Quang Phục đánh tan giặc Lương. Mấy trăm năm sau lại hiển thánh giúp Lê Đại Hành, rồi Lý Thường Kiệt đánh giặc, bài “Nam quốc sơn hà” do hai ngài làm nên mới gọi là “thơ thần”.
 
Đình Diềm được Bộ Văn Hóa xếp hạng từ ngày 13/1/1964.
 
Đặc điểm chùa hướng tây, đình hướng nam của nơi đây càng chứng tỏ tính chất nề nếp, cổ kính của làng Diềm.
 
Ở 49 làng Quan họ, không ít nơi còn lưu truyền câu chuyện chứng tỏ Quan họ phát tích ở làng mình… Làng nào là gốc sản sinh ra văn hóa Quan họ, dân ca Quan họ? Đó là việc của các nhà nghiên cứu còn phải gia công tìm hiểu tiếp. Song, chỉ ở làng Diềm mới có đền thờ Thủy tổ Quan họ, gọi là Đền Vua Bà.
 
Truyền rằng: Xưa làng có một cô gái xinh đẹp, hàng ngày đi cắt cỏ. Một hôm chúa Trịnh đi kinh lý dọc sông Cầu, chợt nghe có tiếng hát từ cánh đồng vẳng lên:
 

 

Tay cầm bán nguyệt xênh xang

 

Bao nhiêu cây cỏ lai hàng tay ta.

 

 
Nhìn ra mới biết, đó là cô gái có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành đang cầm liềm cắt cỏ. Chúa Trịnh ngạc nhiên lắm, bởi cái liềm mà ví như nửa mặt trăng thì quả là tài tình. Lại để ý thấy cô gái đi đến đâu thì trên đầu có đám mây vàng kéo theo che mát cho cô đến đấy. Biết là người tài, chúa Trình bèn cho về kinh lấy làm vợ. Một thời gian sau bà xin về sống ở quê nhà, rồi dạy dân làng hát. Sau khi bà mất, dân làng lập đền thờ làm Thủy tổ Quan họ, đó chính là đền Vua Bà. Đền Vua Bà đã được Bộ văn hóa – Thông tin công nhận là di tích văn hóa tháng 12-1994. Người đã đặt ra câu ca:
 
Thủy tổ Quan họ làng ta

 

Những lời ca xướng Vua Bà sinh ra…
 
Sinh hoạt văn hóa Quan họ của quê hương Vua Bà ngoài những điểm đại đồng còn có những nét tiểu di độc đáo so với các làng quan họ khác.
 
Sinh hoạt văn hóa Quan họ của quê hương Vua Bà ngoài những điểm đại đồng còn có những nét tiểu di độc đáo so với các làng Quan họ khác.
 
– Trong tục kết bạn: Quan họ Diềm kết bạn với Quan họ Bịu (Hoài Bão,Tiên Sơn). Hai nhóm này đều không kết bạn với nhóm thứ ba. Đặc biệt là, cả bên nam, bên nữ, mỗi bên đều dẫn dắt một nhóm các em bé để chúng lại kết bạn với nhau, cứ như thế hết thế hệ này đến thế hệ khác, trở thành tình bạn truyền đời, truyền thống. Mặt nữa, Quan họ Diềm đã kết bạn với Quan họ làng khác thì không lấy nhau (phổ biến chung cả vùng Quan họ là chỉ Quan họ các làng kết chạ mới không được thành vợ, thành chồng).
 
– Tục hát Quan họ trùm đầu: các nghệ nhân cao tuổi trong làng kể rằng, cách đây hơn một trăm năm, vào những đêm trăng sáng, con trai Quan họ làng Diềm trùm lên đầu khăn hoặc áo, rồi kéo nhau đôi ba anh từ chỗ “ngủ bọn” của mình sang chỗ “ngủ bọn” của các liền chị Quan họ để hát. Các anh đứng ngoài bờ rào hát. Các bạn gái trong nhà cũng trùm đầu ra đứng bên hè hát đối lại (không cần hát những câu lề lối). Cuộc hát cứ thế kéo dài cho đến tận sáng.
 
– Tục tập chung các em bé “ngủ bọn”: khi các liền anh, liền chị sắp đến tuổi bận bịu không đi chơi Quan họ được nữa, họ rủ các em bé tập trung “ngủ bọn” để dạy hát, dạy giao tiếp Quan họ. Đấy chính là một hình thức xây dựng lực lượng kế cận để cho tiếng hát Quan họ của làng còn lưu mãi.
 
– Có lẽ do khó khăn về giao thông, ngày xưa sự giao lưu giữa Diềm và các làng khác hạn chế, nên bài bản cũng như lối hát ở Diềm cũng có nét riêng, thuần khiết và “cổ” hơn ở những nơi khác.
 
Nói đến những bài như hừ la, cầm bằng, cơm vàng, đi cấy… người các làng đều biết đó là bài “của Diềm”
 
Cách hát của các liền anh, liền chị làng Diềm được chậm rãi, khoan nhặt, ít du nhập những bài lý có tiết tấu nhanh. Chính vì thế mà ít có những luyến láy bay bướm như Quan họ Thị Cầu hoặc Quan họ Ngang Nội. Hoặc sử dụng nhiều tiếng đệm trong lời ca cũng như sử dụng những tiếng đệm lạ như “Dôông ôi à tô ông tang” “Dôông tang tết, tết tang” “tềnh tếnh”…
 
Nhiều bài ca ở Diềm không chia thành trổ, chẳng hạn như những bài bóc thư, trình thư, bóng giăng loan, ăn ở trong rừng…
 
Có thể nói rằng một số tục lệ, lối hát và những bài ca ở làng Quan họ Vua Bà cũng cổ kính y như làng Diềm vậy.
 
Ngày nay, ở làng Diềm có đội Quan họ hàng trăm người, gồm nhiều thế hệ, từ các lão nghệ nhân cho tới các cháu nhỏ. Không ít gia đình có ba thế hệ cùng yêu thích Quan họ. Đó chính là sự tiếp nối liền mạch truyền thống xưa của làng.
 
Ngày nay, kinh tế làng Diềm phát triển nhanh theo đà đổi mới, đường làng ngõ xóm phong quang, các di tích được tôn tạo, khách thập phương tấp lập kéo về… và mỗi lần làng mở hội lệ (đình, chùa, đền) tiếng hát Quan họ thiết tha, nghĩa tình của dân làng cùng liền anh, liền chị mọi nơi đến góp vui lại thâu đêm suốt sáng. Đó chính là vẻ đẹp thuần mỹ truyền thống trong đời sống văn hóa mới của quê hương Thủy tổ Quan họ./.


Bài viết cùng chuyên mục