Trong tiết xuân, khi đất trời thấm đẫm hương hoa, hương nắng mới và hương gió mới, người dân Việt, đặc biệt ở vùng Bắc bộ, lại chuẩn bị đón một ngày lễ cổ truyền – Tết Hàn thực – Tết bánh trôi, bánh chay (mùng 3/3 âm lịch). Bánh trôi bánh chay dùng trong […]
Trong tiết xuân, khi đất trời thấm đẫm hương hoa, hương nắng mới và hương gió mới, người dân Việt, đặc biệt ở vùng Bắc bộ, lại chuẩn bị đón một ngày lễ cổ truyền – Tết Hàn thực – Tết bánh trôi, bánh chay (mùng 3/3 âm lịch).
Tết Hàn thực cũng như tục làm bánh trôi, bánh chay được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc. “Hàn thực” nghĩa là “đồ ăn lạnh”, theo phong tục Trung Quốc, người dân phải kiêng đốt lửa ba ngày (từ mùng 3 đến mùng 5 tháng 3 âm lịch hàng năm), chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn.
Nhưng Tết Hàn thực của Việt Nam lại mang một ý nghĩa rất khác và mang đậm đà những nét riêng của dân tộc, đồng thời cũng phù hợp với tâm lý và cuộc sống của người Việt. Ngày này, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện, cho nên, tết Hàn thực còn có một cái tên khác rất “Việt Nam”: Tết bánh trôi, bánh chay.
Nhiều người cho rằng, bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương. Tục làm bánh trôi, bánh chay để nhắc lại sự tích “bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ. Như vậy, không chỉ mang yếu tố tín ngưỡng đơn thuần mà tết bánh trôi, bánh chay còn nhắc nhở con cháu Việt luôn nhớ tới nguồn cội, khẳng định sự đoàn kết các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam.
Từ trước đó hàng tuần, các bà nội trợ đã ra chợ chọn mua gạo nếp, đỗ xanh, cân đường kính, đôi lạng đường phên, vừng hạt, bột đao, gừng tươi và không quên một lọ nước hoa bưởi.
Trong ngày mùng 2/3 âm lịch, các nhà đã lo ngâm đỗ, xay gạo. Có người đơn giản, vội vàng, thì ra chợ mua sẵn bột khô về nhào nước, ủ qua một vài tiếng cho mềm, có người lại mua luôn bột đã nhào nước, về chỉ việc nặn. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải kén được nếp cái hoa vàng. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ hoặc non hai phần tẻ.
Bột sau khi nhào nặn với nước được dỡ ra một chiếc mâm sạch. Bây giờ đã đến giờ nặn bánh và luộc bánh, thời khắc đông vui, náo nhiệt nhất trong mỗi nhà. Những lúc như thế này, người lớn thường dạy trẻ con cách bẻ bột, vào nhân, nặn bánh sao cho tròn đẹp. Nhân bánh trôi được làm bằng đường phên. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê, những miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát.
Khi bắt đầu nặn bánh thì để một nồi nước có thả mấy lát gừng tươi lên bếp đun. Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Phải lần lượt thả từng chiếc bánh một chứ không được đổ ào cả mẻ. Vì sẽ làm nước trong nồi lạnh đi đột ngột, dễ làm bở bột, vỡ bánh. Khi bánh nổi lên là chín. Bánh chín vớt ra, được ngâm ngay trong nước lã đun sôi để nguội cho săn mình trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng rang vàng thơm phức.
Bánh chay cũng làm bằng bột nếp nhào nặn với nước và cũng có nhân, nhưng nhân bằng đậu xanh nấu chín. Đỗ để làm nhân bánh cũng phải là giống đỗ tiêu, hạt nhỏ, thơm; được hấp chín tới, giã mịn, trộn với đường kính trắng. Bánh chay được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi, rắc thêm vài sợi dừa nạo nhỏ, hoặc dăm hạt đỗ xanh thổi chín mà còn nguyên hình hoa cau.
Hai thứ bánh tuy cùng làm bằng bột gạo nếp, nhưng mỗi thứ có hương vị đặc biệt riêng. Một đĩa bánh trôi, bánh chay bày ra mâm, lan tỏa hương thơm nhẹ nhàng thanh tịnh của hoa bưởi có thể làm dậy lòng của bất cứ người con đất Việt nào.
Nguồn: cinet.gov.vn