Dân ca Nùng là một loại hình văn hoá dân gian truyền thống đã có từ lâu đời. Đó là một thể loại dân ca trữ tình, một sinh hoạt phong phú hấp dẫn của người Nùng ở xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn. Thể loại dân ca này ra đời từ bao giờ cũng […]
Dân ca Nùng là một loại hình văn hoá dân gian truyền thống đã có từ lâu đời. Đó là một thể loại dân ca trữ tình, một sinh hoạt phong phú hấp dẫn của người Nùng ở xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn.
Thể loại dân ca này ra đời từ bao giờ cũng không ai biết rõ, chỉ biết rằng người Nùng trong xã Biên Sơn, từ đời này sang đời kia, từ thế hệ này sang thế hệ khác đã truyền dạy cho nhau học hát, người già truyền dạy cho người trẻ, người biết hát nhiều truyền dạy cho người biết hát ít, ai ai cũng học hát, người già học hát, thanh niên học hát, con trẻ học hát. Cứ như vậy dân ca của người Nùng ở xã Biên Sơn được lưu truyền cho đến ngày nay.
Hiện nay người Nùng ở xã Biên Sơn đang tồn tại 3 hình thức hát chính, đó là: hát ban ngày, hát ban đêm và hát đám cưới (hát cò lẩu). Mỗi một hình thức hát lại có cách biểu hiện độc đáo riêng lôi cuốn cả người hát lẫn người nghe từ đầu tới cuối.
Hát ban ngày: Thể loại hát này tương đối phong phú, đa dạng cả về thời gian và địa điểm hát, người ta có thể hát ở mọi lúc, mọi nơi nhưng ở mỗi thời điểm hát khác nhau thì nội dung hát lại khác nhau. Có lúc chàng trai và cô gái cùng nhau làm việc trên một cánh đồng, trên một vạt đồi hay trên nương, trên rẫy họ cũng cùng nhau cất lên tiếng hát và thả hồn mình vào những điệu hát để xua đi nỗi mệt nhọc, vất vả.
Cũng có khi chàng trai, cô gái vô tình gặp nhau trong một phiên chợ họ cũng làm quen với nhau qua câu hát. Ở thể loại hát này mỗi câu hát bao gồm có bảy chữ dùng để hỏi khi gặp người ở xa đến chơi chợ mình:
Hôm nay ngày tốt đi ra chợ
Về gặp hai nàng được hát shi
Hai mình mỗi người ở khác bản
Ra chợ gặp nàng được giao lưu.
Hai mình mỗi người ở khác tỉnh
Hát sli làm quen có được không?
Khi nghe thấy các chàng trai sở tại hát làm quen, các cô gái hát đối đáp lại rằng:
Tôi thấy cái hát không biết vào tôi hay vào ai. Nếu không hát vào tôi thì thôi.
Các chàng trai lại đối rằng: Tôi hát vào các em (các bạn đó).
Hát ban đêm: Ở thể loại hát này bao gồm 3 hình thức hát đó là: hát sli, hát lượn và hát đối đáp.
Hát sli: Là hình thức hát đối đáp nhẹ nhàng nhưng hát thành từng bài. Ở lối hát này người hát phải tuân thủ theo hình thức khách hát trước, chủ hát sau, một đôi trai và một đôi gái hát đối đáp với nhau, nhưng số lượng người tham gia của mỗi bên có thể lên đến hàng chục. Những người đứng ra sli phải là những người có giọng hát tốt, lại có tài sáng tác ứng khẩu như kiểu ra câu đối. Bên kia vừa ngưng tiếng bên này phải cất tiếng sli ứng khẩu đáp lại ngay.
Sắp tối rồi tôi vào đây nghỉ nhà anh em, nhỡ tối tôi mới đến đây nghỉ. Vào đây thấy các nàng đang đến hát, biết thế này tôi cũng không đến đâu.
Khi nghe các chàng trai hát vậy, các cô gái cũng nhanh trí hát vừa mang tính đối đáp lại vừa mang tính chất mời chào:
Sắp tối rồi các chàng vào đây nghỉ, từ giờ trở đi hãy đến đây để chúng ta được giao lưu ca hát.
Các chàng trai cô gái thả hồn mình vào trong điệu sli mượt mà, đằm thắm, những câu hát sli như nói hộ lòng mình, diễn tả những tâm tư tình cảm của các chàng trai, cô gái mà những lời nói thường rất khó nói ra. Để rồi thông qua đó trai làng, gái bản có cơ hội xích lại gần nhau hơn nữa, rất nhiều đôi nên vợ, nên chồng qua những câu hát sli.
Hát lượn: Là hình thức hát xoay vòng, cả nam và nữ đều hát chung một bài nhưng vẫn phải tuân theo nguyên tắc khách lượn trước, chủ lượn sau. Ở lối hát này giọng điệu hát mạnh mẽ, rộn ràng hơn lối hát sli.
Sặp hặm văn
Sặp tàu càu hặm điếng càu từng
Mừn từng lói lang lạng.
Sở chính dàng long áu đáy nhin moọc
Shành shàu va lươn cóc shí nhăng
Su nhăng tu hoi lắng cọi và tẹc pay ná cọi dớ.
Dịch nghĩa: Tối xuống rồi, 9 tối tôi thắp 9 ngọn đèn, đèn rơi xuống thì tôi cúi xuống nhặt.
Một bài hát cả nam và nữ đều lượn đi lượn lại, đến khi nào muốn chuyển sang bài hát khác thì khách cũng là người được phép chuyển trước, khách chuyển bài nào thì chủ nhà phải lượn theo bài đó.
Hát đối đáp: Là hình thức nam nữ đối đáp nhau nhưng hát theo từng câu chứ không hát thành từng bài, người hát trước hỏi thì người hát sau phải nhanh trí đối lại với những giọng điệu nhẹ nhàng, tình cảm.
Nam: Sắp tối rồi, râm mát có tới, những cái mát đó không biết có tới tôi không?
Nữ: Sắp tối rồi, râm mát tới thì cùng nhau mát.
Hát đám cưới (hát Cò lẩu): Người Nùng nơi đây quy định hát trong đám cưới chỉ có phù dâu, phù rể mới được tham gia hát. Vì vậy trong việc lựa chọn phù dâu và phù rể, ngoài việc lựa chọn về ngoại hình, về bản thân, gia đình thì những người này còn phải hay hát và thuộc nhiều bài mới cầm chắc phần thắng.
Khi đoàn đón dâu nhà trai đến cổng nhà gái, nhà gái đã mang sẵn một chiếc ghế băng dài, một chiếc bàn nhỏ. Trên bàn đặt một chai rượu, một ấm trà và 4 chén rượu đặt chắn lối đi, cử người đợi sẵn ở đó và cuộc hát bắt đầu từ đây.
Nhà trai: Tôi đến đây nắng, tôi không có ô đội, nhìn thấy 4 chén rượu, chén chè. Rượu này từ đâu tới, chè này từ đâu đến hay là đến mời tôi hỏi cái gì, tôi cũng khờ dại thôi không biết gì đâu.
Nhà gái hát đối lại rằng: Rượu này rượu Hà Nội, chè này chè Trung Hoa để anh đến anh mệt anh uống.
Nhà trai lại hát: Chúng tôi đến đây thấy chén rượu, chén chè, hay là dọn rượu, dọn chè đi, mở cổng, mở cửa cho chúng tôi vào, vào trong nhà chúng ta hãy hát.
Nhà gái: Bây giờ cứ để rượu, để chè ở đây mệt ta uống, lát vào trong nhà ta hát tiếp.
Cứ như vậy họ hát đối đáp nhau, nhà trai muốn vào đón dâu thì phải hát thắng nhà gái. Nếu cuộc hát diễn ra quá lâu, nhà trai không hát được thì chỉ khi xin chịu thua nhà gái mới cho vào. Vào đến cửa phù rể lại phải hát một bài hỏi thăm mọi người, khi muốn làm bất kể một việc gì cũng phải hát một bài để xin phép. Khi nhà trai đón dâu về trên đường đi họ lại tiếp tục hát, hát cho đến khi về đến nhà trai và hát cho đến khi tan đám, tất cả mọi người, bà con lối xóm đã ra về. Lúc này thanh niên, nam nữ lại chuyển sang hát ban đêm, câu chuyện của đôi nam nữ vẫn cứ dài vô tận còn những làn điệu sli, lượn của họ thì tập trung vào chủ đề muôn thuở là tình yêu đôi lứa.
Dân ca Nùng là một loại hình hát dân ca tương đối phong phú về chủng loại và sâu sắc về nội dung. Từ lâu làn điệu dân ca này đã đi vào trong tiềm thức của mỗi người dân ở xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn. Nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống thường nhật của mỗi người dân nơi đây, họ có thể hát ở mọi lúc, mọi nơi, hát trong mọi hoàn cảnh… Nhưng làm thế nào để nét đẹp văn hoá này được duy trì và phát triển mãi mãi là vấn đề đáng quan tâm của các nhà làm văn hoá. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể này là một việc làm vô cùng cần thiết để làn điệu dân ca Nùng sẽ góp phần làm giàu hơn nữa cho nền văn hoá Việt Nam và nhân loại./.
Nguồn: vanhoabacgiang