“Dù ai buôn đâu, bán đâu; Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về; Dù ai buôn bán trăm nghề; Nhớ ngày mùng tám thì về hội Dâu”. Câu ca như gọi ta về với đất Phật chùa Dâu. Từ Hà Nội xuôi quốc lộ 5, tới Phú Thụy, rồi rẽ theo quốc lộ […]
“Dù ai buôn đâu, bán đâu; Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về; Dù ai buôn bán trăm nghề; Nhớ ngày mùng tám thì về hội Dâu”.
Câu ca như gọi ta về với đất Phật chùa Dâu. Từ Hà Nội xuôi quốc lộ 5, tới Phú Thụy, rồi rẽ theo quốc lộ 182 đi chừng 12km; hay từ Bắc Ninh, rẽ theo đường 38 qua cầu Hồ khoảng 3km rồi lại rẽ phải theo quốc lộ 182 khoảng 4km là về tới Dâu, nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Về tới Dâu tức là về một khu di tích lịch sử văn hóa đặc sắc nhất, phong phú nhất của Bắc Ninh với các hạng mục công trình kiến trúc cổ nổi tiếng được Nhà nước công nhận. Thành Luy Lâu, đền Sĩ Nhiếp, các di tích kiến trúc cổ, dòng sông Dâu xưa còn đó, hệ thống chùa tháp, đền miếu, lăng mộ… làm chứng tích về một thời kỳ dài, hàng chục thế kỷ thời Bắc thuộc, nơi đây là chốn đô hội, thủ phủ của quận Giao Chỉ và Châu Giao; trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của nước ta những thế kỷ sau Công nguyên, với các nước trong vùng. Trung tâm Phật giáo Dâu được hình thành trong bối cảnh đó.
Vào đầu Công nguyên, các tăng sĩ Ấn Độ mà tiêu biểu là sư Khâu Đà La đã có mặt ở Dâu, tiến hành việc truyền bá đạo Phật, lập lên Sơn môn Dâu là trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của nước ta. Chùa Tháp được xây cấp nguy nga bên cạnh thành quách đền đài, cung điện lầu gác; trong đó chùa Dâu là trung tâm trong hệ thống các chùa thờ Phật và thờ “Tứ pháp”. Thời Lý, Trần, Chùa Dâu được trùng tu, mở rộng, mà người có công lớn nhất là trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Chùa Dâu với trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp… vua chúa cung tần mĩ nữa, quan lại thường lui tới lễ Phật cầu đảo, thăm chùa, vãng cảnh. Lễ hội chùa Dâu vào ngày 8/4 hàng năm trở thành ngày hội lớn của cả nước, sầm uất, trang nghiêm không kém hội Gióng bên kia sông Đuống, thở thành câu ca thúc giục tín đồ Phật tử và các quý khách về với chùa Dâu đất Phật:
“Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu”
Qua trường kỳ lịch sử với bao biến cố, thành lũy, đền đài, dinh thực của trung tâm Luy Lâu bị tàn lụi, hoang phế, nhưng chùa Dâu với tháp gạch cao sừng sững, với tòa ngang dãy dọc nguy nga cổ kính vẫn còn đó. Nhờ vào lòng mộ đạo và hảo tâm của Phật tử và du khách, chùa Dâu được liên tục tu bổ, sửa chữa, để luôn luôn là một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân Bắc Ninh và dân cư vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngày nay, nếu có dịp về thăm chùa Dâu, du khách không chỉ được vào chùa lễ Phật mà còn được ngắm nhìn các công trình kiến trúc cổ kính thời Trần – thời Lê còn lại cùng nhiều cổ vật quý như tượng bà Dâu, tượng Kim Đồng Ngọc Nữ, tháp gạch vương cao, thăm thành lũy cổ, thăm đền Sĩ Nhiếp. Và được nghe kể nhiều chuyện lý thú về sự tích Phật mẫu Man Nương, về Khâu Đà La truyền đạo, về Tứ Pháp… nếu có mặt đúng dịp hội Dâu vào ngày 8/4, du khách được xem cuộc diễn dân gian uy linh của ngày hội tắm Phật, cướp nước, rước Phật Tứ Pháp… Tất cả như tái hiện một thời gian dài hàng chục thế kỷ sau Công nguyên. Ngày nay chùa Dâu không những là trung tâm Phật giáo vùng Dâu – Thuận Thành mà còn là di sản kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, được Nhà nước cấp bằng di tích lịch sử văn hóa.